Gỗ hợp pháp - một mục tiêu, nhiều lợi ích

Bài 1: Khoảng trống pháp lý

- Thứ Tư, 30/06/2021, 05:45 - Chia sẻ

Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA-FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực từ 1.6.2019. Mục tiêu cốt lõi của hiệp định này là thực hiện chuỗi cung gỗ hợp pháp và quản trị rừng bền vững ở Việt Nam. Từ đó, bảo đảm các mục tiêu môi trường và phát triển bền vững của Việt Nam cũng như của EU trong quan hệ thương mại về gỗ với Việt Nam.

Có tới 77% hồ sơ mời thầu không có yêu cầu về bất kỳ khía cạnh nào của “tính hợp pháp” của sản phẩm gỗ ngoài các quy định chung của pháp luật đấu thầu là con số đáng để các nhà hoạch định chính sách, bộ, ngành quan tâm trong quá trình hướng tới khuôn khổ pháp lý về gỗ hợp pháp theo thỏa thuận của Hiệp định VPA-FLEGT.

"Bỏ qua" quy định đấu thầu

Báo cáo “Tính hợp pháp của sản phẩm gỗ trong mua sắm công ở Việt Nam - thực trạng pháp luật, thực tiễn và thách thức trong thực thi VPA-FLEGT” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Hiệp hội Gỗ và Chế biến lâm sản Việt Nam; Tổ chức Forest Trends (sau đây gọi là Báo cáo) mới công bố cho thấy, có nhiều vấn đề về đấu thầu gỗ hợp pháp bị “bỏ qua” từ hai phía (mời thầu; nhà cung cấp dịch vụ). Cụ thể, với 100 bộ hồ sơ mời thầu mua sắm đồ gỗ nội thất do các cơ quan nhà nước các cấp, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước đã từng thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2018 qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia VNEPS đã cho thấy nhiều khoảng trống ở khía cạnh xây dựng pháp lý và thực tiễn triển khai.

Theo đó, có tới 77% hồ sơ mời thầu không có yêu cầu về bất kỳ khía cạnh nào của “tính hợp pháp” của sản phẩm gỗ ngoài các quy định chung của pháp luật đấu thầu. Trong số 23% hồ sơ mời thầu có yêu cầu nào đó về tính hợp pháp của sản phẩm gỗ mua sắm công, phần lớn chỉ quan tâm tới một/một số khía cạnh pháp luật mà không phải là tất cả pháp luật liên quan tới sản phẩm gỗ, chẳng hạn như: Yêu cầu về việc bảo đảm tuân thủ pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng, về nhãn hiệu, về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu…

Trong số các hồ sơ mời thầu yêu cầu gỗ tự nhiên, 11% đặt hàng loại gỗ thuộc nhóm I, II (tức là nhóm gỗ quý, rủi ro đặc biệt cao về tính bất hợp pháp). Như vậy, có thể thấy bên mời thầu trong các gói thầu liên quan hầu như không quan tâm tới vấn đề gỗ hợp pháp, thậm chí có dấu hiệu mua sắm gỗ có rủi ro về tính hợp pháp.

Bên mời thầu là vậy, còn từ khía cạnh cung cấp đồ gỗ của các nhà thầu thì sao? Cũng theo khảo sát này tại 33 doanh nghiệp có nhiều hợp đồng cung cấp đồ gỗ trong giai đoạn 2016 - 2018 cho các đơn vị sử dụng vốn nhà nước cũng thấy nhiều trường hợp có sử dụng gỗ rủi ro cao, phần lớn là theo yêu cầu của bên mời thầu. Theo đó, có tới 74% doanh nghiệp cho biết đã từng sử dụng gỗ nhập khẩu nhóm I - II nhập khẩu, 50% từng sử dụng gỗ trong nước nhóm I - II, cho các hợp đồng mua sắm công đồ gỗ. Trong số các doanh nghiệp đã sử dụng gỗ quý nhóm I - II ở trên, 80% cho biết lý do sử dụng là do bên mời thầu yêu cầu chứ không phải do nhà thầu chủ động đề xuất hay gợi ý.

Từ khảo sát nói trên, có thể thấy trong thực tiễn đấu thầu mua sắm sản phẩm gỗ, một số sản phẩm gỗ cung cấp trong các gói thầu có nguy cơ không bảo đảm gỗ hợp pháp mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ bên mời thầu.

Rà soát 100 bộ hồ sơ mời thầu online có sản phẩm gỗ cho thấy hầu như các gói thầu đều có yêu cầu chi tiết về kỹ thuật với sản phẩm gỗ được mua sắm mà không phải là đặt hàng theo các mẫu sản phẩm cụ thể đã có sẵn trên thị trường.

Mới chỉ quy định chung

Theo VPA-FLEGT, “gỗ hợp pháp” là gỗ tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật liên quan của nơi khai thác gỗ và nơi sản xuất, chế biến gỗ - tức là bảo đảm yếu tố hợp pháp theo chuỗi. Trong khi đó, kết quả rà soát pháp luật do các đơn vị thực hiện Báo cáo nêu trên cho thấy, hệ thống pháp luật đấu thầu hiện chưa có cơ chế pháp lý nào cho phép bảo đảm hàng hóa mua sắm là “hợp pháp”.

Luật Đấu thầu 2014 chỉ nêu nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật, theo đó hoạt động đấu thầu không chỉ tuân thủ pháp luật đấu thầu mà còn phải tuân thủ tất cả hệ thống pháp luật liên quan. Luật này cũng không có quy định điều kiện “tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ” (mặc dù có quy định về điều kiện “tư cách hợp lệ của nhà thầu”).

Nghị định số 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu và các thông tư về các mẫu hồ sơ mời thầu có một số quy định liên quan tới các yếu tố pháp lý của hàng hóa mua sắm (trong đó có gỗ và sản phẩm gỗ). Mặc dù vậy, các quy định này không đủ để bảo đảm sản phẩm gỗ mua sắm đáp ứng được yêu cầu về tính hợp pháp theo VPA-FLEGT.

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng: So với yêu cầu gỗ hợp pháp của VPA-FLEGT thì các quy định hiện tại về pháp luật đấu thầu chưa bảo đảm được sản phẩm gỗ trong đấu thầu là gỗ hợp pháp. Để bảo đảm gỗ trong các gói thầu mua sắm công là “hợp pháp” theo VPA-FLEGT, pháp luật đấu thầu cần thiết phải bổ sung các quy định cụ thể, rõ ràng về gỗ hợp pháp, theo hướng: Bảo đảm bên mời thầu đưa yêu cầu về gỗ hợp pháp vào hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; Ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu trong bảo đảm cung cấp gỗ hợp pháp trong gói thầu; Kiểm soát việc thực hiện yêu cầu này của nhà thầu trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Đình Khoa