BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG - TỪ GÓC ĐỘ CƠ QUAN DÂN CỬ ĐỊA PHƯƠNG

Bài 1: Không đánh đổi môi trường, sức khỏe của người dân

- Thứ Ba, 14/09/2021, 06:27 - Chia sẻ
Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 mới đây về chủ đề "Để đạt được phát triển bền vững đòi hỏi tập trung hơn vào những lĩnh vực nào, hạnh phúc ấm no cho người dân, bảo vệ môi trường hay ưu tiên phát triển kinh tế", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Trong chiến lược và kế hoạch phát triển quốc gia, Việt Nam luôn xác định không đánh đổi môi trường cũng như sức khỏe của người dân để lấy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao, mà luôn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai”.

Thông điệp của Chủ tịch Quốc hội về quan điểm mạnh mẽ và nhất quán của Việt Nam đối với chủ đề của hội nghị không chỉ có giá trị ở tầm quốc tế, ở góc độ vi mô như lời nhắc nhở, đặt ra yêu cầu trách nhiệm cao hơn của các địa phương. Trong đó, có vai trò quan trọng của cơ quan dân cử đối với một vấn đề nóng bỏng hiện nay: Bảo vệ môi trường để bảo vệ sức khỏe người dân và sự phát triển bền vững của địa phương, đất nước.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2016 - 2021 giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh lao động và chế độ chính sách đối với người lao động
Ảnh: Thành Duy

Quyết sách chuyên đề bảo vệ môi trường

Với vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, trong thực hiện chức năng quyết định, những nhiệm kỳ qua, HĐND các địa phương đã rất chú trọng lồng ghép, đặt ra các tiêu chí về môi trường để bảo đảm môi trường sống trong lành cho người dân gắn với sự phát triển bền vững của địa phương trong các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội cũng như các nghị quyết chuyên đề về nội dung này.

Theo đó, tùy theo thẩm quyền mà pháp luật cho phép, cơ quan dân cử ở mỗi cấp chính quyền địa phương đã dành sự quan tâm tới các quyết sách góp phần phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nếu như trước đây, các quyết sách chủ yếu tập trung trong nhóm nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thì nay nghị quyết chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường được ban hành khá nhiều, nhất là ở cấp tỉnh, một số ở cấp huyện, còn ở cấp xã tuy có nhưng rất ít, chủ yếu là các nội dung liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt, công tác vệ sinh môi trường của địa phương.

Nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành khá nhiều quyết sách để bảo vệ môi trường tiến tới phát triển bền vững. Theo đó, bên cạnh các chính sách lồng ghép trong các nghị quyết chung, HĐND tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề quan trọng về bảo vệ môi trường là Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND, ngày 20.7.2018 về phân định các nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường trên địa bàn và Nghị quyết số 19/2018/NQ-HĐND, ngày 12.12.2018 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh lao động và chế độ, chính sách đối với người lao động tại khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn. Các quyết sách đã góp phần tạo hành lang pháp lý quan trọng và ngân sách để công tác bảo vệ môi trường được quan tâm, chú trọng. Nhất là trong thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và đầu tư các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xác định tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường là cơ sở, tiền đề cho hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND huyện Yên Thế, Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-HĐND ngày 14.9.2017 phê chuẩn Đề án bảo vệ môi trường huyện Yên Thế giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Từ khi Nghị quyết được ban hành, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn được tăng cường; các cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường được tổ chức thực hiện kịp thời; nội dung bảo vệ môi trường đã được lồng ghép vào các quy hoạch phát triển. Công tác phòng ngừa, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường được chú trọng; việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường, hoạt động thanh tra, kiểm tra về môi trường được quan tâm hơn; công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quy củ hơn.

Giám sát để chính sách, pháp luật được thực thi nghiêm minh

Nhiệm kỳ 2016 - 2021, trong các nội dung giám sát thực tế của Thường trực, các ban HĐND thành phố Đà Nẵng không thể thiếu các điểm “nóng” về môi trường. Kết quả giám sát đối với việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND thành phố, thông báo kết luận của Thường trực HĐND thành phố và các vấn đề cam kết chất vấn từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến năm 2020 cho thấy, các vấn đề liên quan đến môi trường, bảo đảm đời sống của người dân như: Nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước rỉ rác tại Bãi rác Khánh Sơn (giai đoạn 2); nâng cấp, cải tạo trạm xử lý nước thải Phú Lộc (giai đoạn 2); nâng cấp, cải tạo trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn… luôn được UBND quan tâm ưu tiên giải quyết.

Ngoài giám sát chuyên đề và thường xuyên, giám sát qua thẩm tra cũng được HĐND các cấp quan tâm. Theo đó, đối với các công trình, dự án thuộc nhóm dự án phải đánh giá tác động môi trường, ngoài xem xét có phù hợp quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội hay không, vấn đề xem xét hồ sơ đánh giá tác động môi trường được đặc biệt quan tâm. Bên cạnh xem hồ sơ, nhiều địa phương, các ban HĐND tổ chức khảo sát thực tế, gặp gỡ cử tri để lắng nghe phản ánh và tổ chức đối chất cụ thể trước khi quyết định ý kiến thẩm tra. Đã có không ít công trình, dự án ở các địa phương phải tạm dừng khi chưa qua “cửa” thẩm tra vì chưa bảo đảm yếu tố bảo đảm môi trường. Bên cạnh đó, nghị trường phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn nhiều kỳ họp HĐND ở các địa phương cũng là diễn đàn nóng, đeo bám đến cùng với những vấn đề, thách thức đặt ra trong công tác bảo vệ môi trường.

Một kênh giám sát quan trọng nữa là việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến công tác bảo vệ môi trường cũng được đặc biệt chú trọng. Điển hình, cuối năm 2020, khi giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh Sóc Trăng đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nhiều nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường. Năm 2021, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát lại kết quả giải quyết và nhận thấy, UBND tỉnh và các ngành đã có nhiều giải pháp như: Cấp kinh phí đầu tư dự án xử lý các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là các bãi rác; chỉ đạo thu gom, xử lý rác thải đúng quy định; tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường... Thường trực HĐND tỉnh cũng đã đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thường xuyên kiểm tra hoạt động xử lý nước thải tại khu công nghiệp để kịp thời xử lý, khắc phục; xem xét, cho chủ trương về giá xử lý nước thải, tạo điều kiện để doanh nghiệp tái đầu tư nâng công suất hoặc tiếp tục kêu gọi đầu tư thêm nhà máy xử lý nước thải...

PHƯƠNG NHUNG - HỒNG HẠNH