Đổi mới cơ chế kiểm soát quyền lực - vấn đề cốt tử thành bại

Bài 1: Lòng tin của Nhân dân - nền móng tinh thần, tài sản cơ bản của Đảng

- Thứ Hai, 30/11/2020, 06:08 - Chia sẻ

Không kiểm soát quyền lực (dù là quyền lực chính trị hay quyền lực kinh tế…) thì không thể nói tới sự tồn tại hợp lý hay phát triển của bất cứ thể chế chính trị nào, của bất cứ quốc gia, dân tộc nào. Đó là quy luật.

Đổi mới cơ chế kiểm soát quyền lực chính trị ngang tầm công cuộc đổi mới

Thực tiễn xác tín, Đảng lãnh đạo, Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý hợp thành cơ chế tổng hòa trong quản lý toàn bộ xã hội; phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Đây là ba mối quan hệ chính trị cơ bản nhất ở Việt Nam hiện nay cần tiếp tục đổi mới nhằm hoàn bị thể chế chính trị dân chủ XHCN. Có thể nói, đây là vấn đề căn bản của mọi vấn đề, quán xuyến và xuyên suốt mọi phương diện của đời sống chính trị xã hội đất nước.

Thực tiễn từng xác nhận nhiều phương thức kiểm soát quyền lực chính trị, nhưng ở đây, cần tiếp tục nhấn mạnh và đột phá: Cơ chế kiểm soát quyền lực của Đảng, Nhà nước của chính bản thân Đảng, Nhà nước (các cơ quan nhà nước) tức là cơ chế kiểm soát tự bên trong; đồng thời, tiến hành phương thức kiểm soát quyền lực chính trị của Đảng, Nhà nước gồm Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước… (các tổ chức nhà nước và cá nhân ngoài Đảng, Nhà nước), của Đảng đối với Nhà nước… được coi là cơ chế kiểm soát từ bên ngoài. Nghĩa là, phải xác lập và tiếp tục đổi mới cơ chế kiểm soát quyền lực chính trị ngang tầm công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ và hội nhập quốc tế.

Nói tới cơ chế kiểm soát quyền lực chính trị là nói tới sự vận hành một cách đồng bộ và thống nhất hệ thống các thể chế, thiết chế liên quan trong thực thi và kiểm soát quyền lực của Đảng, Nhà nước và các thành viên của hệ thống chính trị, trên nền tảng Quốc pháp - Đảng cương, truyền thống chính trị dân tộc  phù hợp với luật pháp và các thông lệ quốc tế nhằm bảo đảm các chủ thể kiểm soát và các đối tượng được kiểm soát hoạt động đúng vị thế, chức năng và nhiệm vụ của mình được Hiến định, theo Quốc pháp thống nhất với Đảng cương.

Hơn 90 năm qua, kể từ lúc ra đời, sự lựa chọn của lịch sử và năng lực chủ quan, qua nhiều thăng trầm, Đảng ta luôn luôn là lực lượng lãnh đạo cách mạng. Và hiện nay, trong hệ thống chính trị Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam duy nhất vừa có vai trò lãnh đạo, vừa có vai trò cầm quyền.

Nghĩa là Đảng thực thi đồng thời hai loại quyền lực: quyền lực chính trị (lãnh đạo) và quyền dẫn dắt quyền lực nhà nước (cầm quyền).

Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Quyền lực chính trị của Đảng được Hiến định tại Điều 4, Hiến pháp năm 2013, là quyền lực của một tổ chức chính trị “đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”, là “đội tiên phong của giai cấp công nhân. Đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam”, Đảng thực thi quyền lực chính trị của các giai cấp, tầng lớp, lực lượng xã hội mà mình đại diện bằng cách định hướng và dẫn dắt Nhà nước, để thông qua Nhà nước, bằng Nhà nước, hiện thực hóa quyền, lợi ích và ý chí của lực lượng xã hội mà mình đại diện.

Quyền lực lãnh đạo của Đảng, khi không chính thức, nghĩa là chưa Hiến định, nó được thừa nhận bởi Nhân dân (trong thời kỳ hoạt động bí mật lãnh đạo dân tộc giành chính quyền về tay Nhân dân); và trở thành chính thức, được chế định trong Hiến pháp. Nhưng, dưới hình thức lãnh đạo nào, ở bất cứ thời kỳ nào, đặc trưng xuyên suốt của quyền lực lãnh đạo được thực thi và thể hiện Đảng lãnh đạo bằng sự lôi cuốn của mục tiêu chính trị: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và hấp dẫn bởi giá trị “là trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại” (V.I.Lenin), “là đạo đức, là văn minh”, “là đứa con nòi của giai cấp lao động” (Chủ tịch Hồ Chí Minh) mà Đảng lựa chọn và hy sinh: “Không có mục đích nào khác, ngoài lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân”, thể hiện ở cương lĩnh chính trị, đường lối chính trị; bằng tính tiên phong, gương mẫu hy sinh của người lãnh đạo, của cán bộ, đảng viên của Đảng; bằng sự vận động, thuyết phục Nhân dân qua hành động của đảng viên; tập trung cao nhất bằng sự ảnh hưởng, hấp dẫn và tỏa sáng một cách tự nhiên của Đảng - một thực thể chính trị trong xã hội bên cạnh các thực thể chính trị khác. 

Đảng lãnh đạo bằng kiến tạo tầm nhìn chiến lược

Với tư cách là Đảng cầm quyền, trước hết, Đảng lãnh đạo bằng kiến tạo tầm nhìn chiến lược phù hợp thời đại và xu thế phát triển của dân tộc, xuất phát từ dân tộc. Đó là tầm nhìn chiến lược, óc viễn kiến, năng lực, sức mạnh chính trị và bản lĩnh, uy tín chính trị của Đảng.

Thứ hai, Đảng xây dựng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn phát triển đất nước và chính bản thân Đảng ngang tầm vị thế dẫn dắt quốc gia, trên nền tảng chính trị tư tưởng cách mạng và khoa học. Đó là con đường phát triển của dân tộc mà Đảng dẫn dắt.

Thứ ba, Đảng kiến tạo hệ thống Điều lệ, quy chế, quy định trong Đảng một cách khoa học và phù hợp bảo đảm vận hành bộ máy và đội ngũ đảng viên… nhằm nâng cao năng lực cầm quyền và hiệu quả lãnh đạo, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị thực thi đường lối của Đảng. Đó là giềng mối của Đảng, rường cột của thể chế.

Thứ tư, Đảng thống nhất lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, kiểm tra, giám sát giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước và các thành viên của hệ thống chính trị; thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Đây là công việc gốc.

Thứ năm, Đảng lãnh đạo bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, và bằng hành động gương mẫu của đảng viên và hành động của toàn thể Nhân dân thực thi quyết sách chính trị của Đảng, các đảng bạn ủng hộ Đảng. Chính là Lòng tin của Nhân dân - nền móng tinh thần, tài sản cơ bản của Đảng, của thể chế!

TS Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản