Phòng chống tội phạm mua bán người trong mùa dịch

Bài 1: Muôn vàn chiêu trò, thủ đoạn

- Thứ Tư, 11/08/2021, 06:17 - Chia sẻ

Trước tác động của dịch Covid-19 kéo dài, một loạt công ty xí nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh phải đóng cửa tạm thời hoặc dài hạn, số người không có việc làm tăng lên, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, đây là cơ hội cho tội phạm buôn bán người hoạt động.

Môi giới cho - nhận con nuôi, mang thai hộ để mua bán trẻ sơ sinh; cho nạn nhân sử dụng chất kích thích để khống chế, ép buộc lao động trên các tàu đánh cá trên biển...; sử dụng điện thoại thông minh làm quen, tiếp xúc với nạn nhân qua mạng xã hội là những chiêu trò, thủ đoạn tinh vi của tội phạm mua bán người. 

Những con số biết nói

Trong hai năm qua, trước tác động của đại dịch Covid-19, lực lượng chức năng luôn tăng cường các biện pháp ngăn chặn, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới, song tình trạng mua bán người tại Việt Nam vẫn diễn ra và có nhiều diễn biến khó lường.

Số liệu của Bộ Công an cho thấy, từ năm 2019 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 370 vụ, với gần 500 đối tượng, lừa bán hơn 550 nạn nhân. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, cả nước phát hiện được 29 vụ, với 43 đối tượng lừa bán 56 nạn nhân. Vụ việc mới đây nhất gây rúng động dư luận khi cơ quan công an tỉnh Nam Định đã triệt phá thành công đường dây tội phạm mua bán người, giải cứu 6 nữ sinh dưới 16 tuổi và 2 cô gái 18 - 20 tuổi bị giam giữ trái phép tại một căn nhà ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Còn theo số liệu từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, 6 tháng đầu năm 2021, các đơn vị biên phòng đã bắt giữ, xử lý 19 vụ/28 đối tượng/giải cứu 33 nạn nhân bị mua bán (tăng 8 vụ/9 đối tượng so với cùng kỳ).

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho rằng, đại dịch Covid-19 đã để lại những hệ quả tiêu cực đối với xã hội. Các loại tội phạm theo đó gia tăng hoạt động, trong đó có tội phạm mua bán người. Chúng bất chấp thủ đoạn, lợi dụng mạng xã hội để lừa bán nạn nhân. Đáng chú ý, không chỉ có trẻ em mà cả người lớn cũng bị lừa bán từ các mối quan hệ trên mạng xã hội. Báo cáo toàn cầu về tình hình mua bán người năm 2020 chỉ rõ, trong số những người bị lừa bán thông qua quan hệ trên mạng xã hội thì tới 69% là người trưởng thành.

Đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phân tích, do tình hình trên thế giới, khu vực tác động cũng như các yếu tố khác như lợi nhuận thu được từ hoạt động mua bán người; mất cân bằng về giới... nên một bộ phận người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em bị đối tượng phạm tội dụ dỗ, lừa gạt. Trong  khi đó, việc quản lý xã hội ở một số lĩnh vực còn bất cập, sơ hở, để tội phạm lợi dụng hoạt động, nhất là trong quản lý các lĩnh vực: Người nước ngoài, xuất nhập cảnh, hôn nhân và cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài…

Dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến việc làm, thu nhập của người dân, đặc biệt là phụ nữ, khiến họ dễ trở thành nạn nhân của hoạt động mua bán người. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, có tới 51% nạn nhân bị mua bán có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và 29% trẻ em bị mua bán là do gia đình không êm ấm hoặc thiếu sự chăm sóc của cha mẹ.

Nhiều thủ đoạn, chiêu trò mới

Tại Việt Nam, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tội phạm mua bán người tuy đã được kiềm chế, kéo giảm, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi xảo quyệt.

Đại tá Tô Cao Lanh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, cho biết: Khác với trước đây, thay vì trực tiếp thì hiện nay các đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh để tiếp cận nạn nhân, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân nên công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

“Có vụ việc, thủ đoạn của các đối tượng tinh vi đến mức đối tượng lợi dụng mạng Facebook, giả đăng tin tìm nữ sinh làm việc chính đáng, nhưng thực ra đối tượng đã móc nối với đối tượng kinh doanh ngành nghề nhạy cảm để bán nạn nhân” - Thiếu tá Mai Xuân Phú, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nam Định cho biết.

Không chỉ vậy, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thủ đoạn mới của các đối tượng là lừa cho nạn nhân sử dụng chất kích thích, ma túy, sau đó khống chế, ép buộc lao động trên các tàu đánh cá trên biển; tuyển mộ phụ nữ có thai đưa ra nước ngoài sinh đẻ. Ngoài ra, bọn tội phạm còn lợi dụng một số nam thanh niên có nhu cầu cao về việc làm, dụ dỗ, cho ứng trước tiền lương sau đó bán cho các chủ tàu, ép làm ngư phủ để cưỡng bức lao động trên các tàu đánh bắt hải sản trên biển - đại diện Cục Phòng chống tội phạm và ma túy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết thêm.

Bảo Hân