Quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh

Bài 1: Nghị quyết đã tạo ra sự đột phá

- Thứ Bảy, 07/11/2020, 08:30 - Chia sẻ
Nhận định về việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội về “tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng”, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến khẳng định, Nghị quyết đã tạo ra sự đột phá trong triển khai thực hiện.

Quản lý ngày càng chặt chẽ

Tại cuộc làm việc giữa Thường trực Hội đồng Dân tộc và Bộ Tài nguyên  và Môi trường về tình hình triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến khẳng định, Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội về “tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng” đã tạo ra sự đột phá trong triển khai thực hiện. Kết quả đạt được là rất rõ. Bởi theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, Bộ đã xác định được diện tích đất nông, lâm trường trên cả nước, khoanh định lại diện tích để tiếp tục thực hiện phương án đổi mới nông, lâm trường; xác định diện tích đất nông, lâm trường giao cho địa phương quản lý; diện tích đất nào có tranh chấp giữa các đối tượng sử dụng đất nông, lâm trường… Đây là cơ sở quan trọng, tạo điều kiện cho công tác quản lý đất nông, lâm trường ngày càng chặt chẽ.

Tuy nhiên, quản lý đất đai nông, lâm trường chưa bao giờ là câu chuyên đơn giản, như Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá: “Công tác quản lý vẫn còn hết sức lỏng lẻo. Cơ sở dữ liệu đất đai, bản đồ không có, ranh giới chưa phân định được nhiều, việc sử dụng đất đai nông, lâm trường hết sức lãng phí vì xâm lấn, giao đất tùy tiện, nên đánh giá hiệu quả kinh tế cũng hết sức thấp. Có lúc hàng trăm ha/một người quản lý, thì khả năng quản lý ở đâu?”.

Một vướng mắc rất rõ nữa được Bộ trưởng chỉ ra là nông, lâm trường còn đang thuộc các bộ chủ quản như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, trong khi “quản lý ở Trung ương thì xa, mà địa phương thì ở gần”, địa phương lại cho rằng đây là vấn đề ở Trung ương. Do vậy, Bộ trưởng đề xuất, cần một cuộc tổng thanh tra để làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Nhất là trong bối cảnh đa số công ty nông, lâm trường nhà nước là nợ, thua lỗ, muốn cổ phần hóa thì “ai gánh cho cái nợ này”. Hay tình trạng tranh chấp quản lý đất ở nông, lâm trường còn rất nghiêm trọng, dù chủ trương hướng tới cổ phần hóa nhưng chưa cổ phần hóa được.

Giải pháp căn cơ hơn

Nỗ lực và cố gắng của Bộ Tài nguyên và Môi trường là rất đáng ghi nhận. Các ý kiến của Thường trực Hội đồng Dân tộc đều thống nhất rằng, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành và ban hành rất đồng bộ, kịp thời, cơ bản thống nhất các nghị định, nghị quyết, quyết định, thông tư để triển khai nghị quyết của Quốc hội. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, kết quả đạt được là khả quan, song cũng không phải không có tồn tại, hạn chế. Đó là, một số địa phương và doanh nghiệp chưa thực hiện đúng theo quy định tại Nghị quyết 112. Do đó, đến nay công tác rà soát, sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường thực hiện chậm, hiệu quả thấp.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành lưu ý, diện tích đất giao lại cho địa phương còn chậm và thấp so với yêu cầu, nhiều nông, lâm trường mới bàn giao trên giấy tờ, chưa bàn giao trên thực địa. Việc thu hồi đất của các nông lâm trường sau khi sắp xếp lại thực hiện còn chậm, thời gian kéo dài và lúng túng trong biện pháp xử lý… Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho biết thêm, những nội dung đã đề cập trong Nghị quyết 112 chúng ta đã “nhận dạng” ra không phải ngày một, ngày hai. Tuy nhiên, không thể đòi hỏi phải giải quyết ngay được, mà chúng ta cần là những kiến nghị giải pháp thật sự căn cơ hơn.

Tiếp thu đầy đủ các ý kiến nêu trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, “chúng tôi sẽ cung cấp thông tin đầy đủ, để làm sao có địa chỉ trách nhiệm rõ ràng của từng bộ, ngành”.

Ý Nhi