Chuyển đổi số thư viện

Bài 1: Phát huy nguồn lực phục vụ bạn đọc

- Thứ Năm, 18/11/2021, 05:21 - Chia sẻ
Khoảng gần 3 thập kỷ trở lại đây, do đòi hỏi của nhu cầu thực tiễn, nhiều thư viện ở Việt Nam, trong đó có hệ thống thư viện công cộng và Trung tâm Thông tin - Thư viện các trường đại học, cao đẳng, học viện đã từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong tác nghiệp thư viện. Bức tranh toàn cảnh này cho đến hôm nay chưa thể coi là toàn bích, mà chỉ là những bước đi và thành công ban đầu.

Vừa làm vừa điều chỉnh

Sau gần ba thập kỷ, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực thư viện ở Việt Nam vẫn trong tình trạng chưa đồng đều, vừa làm vừa điều chỉnh kế hoạch, ngân sách, kinh phí, con người; vừa tiến hành song song xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) thư mục và CSDL toàn văn, bước đầu số hóa tài liệu..., vừa tiến hành phục vụ người dùng tin/bạn đọc thư viện trong điều kiện có thể, nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực của thư viện, phục vụ nhân dân và xã hội.

Thế nghĩa là các thư viện đang từng bước hiện đại hóa, chuyển dần từ hoạt động truyền thống sang hướng hiện đại, với việc xây dựng thư viện điện tử, thư viện ảo, thư viện số. Điều đó đồng nghĩa với việc thư viện đang từng bước chuyển từ quản lý kho tài liệu/thông tin, trong đó chủ yếu là tài liệu trên giấy, sang quản trị tri thức và quản trị tài nguyên thông tin (tài nguyên không ở dạng giấy, mà ở dạng điện tử).

Đây là lý do quan trọng nhất, là đòi hỏi từ thực tiễn nội tại, khách quan của ngành thông tin - thư viện Việt Nam trên bước đường phát triển và hội nhập thế giới. Từ đây, ngành thư viện cũng nhận thức rõ hơn nhiệm vụ kiện toàn 3 trụ cột chính của thư viện hiện đại là “Bigdata - Technology - Human” (Dữ liệu lớn - Công nghệ - Con người). Chính việc thay đổi phương thức và tư duy quản lý/quản trị thư viện này là sự thay đổi cần thiết, có tính quy luật của ngành thư viện Việt Nam từ quá khứ đến hiện đại và tương lai.

Thư viện Quốc gia Việt Nam là một trong những thư viện đầu tiên ứng dụng CNTT phục vụ bạn đọc
Ảnh: N.Linh

Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong thư viện công cộng

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, việc ứng dụng CNTT trong thư viện đã được tiến hành từ những năm 1990. Tuy nhiên, hoạt động này không đồng bộ, có nơi làm trước, có nơi làm sau, có thư viện lớn được cấp nhiều tỷ đồng/năm, có thư viện nhỏ chỉ được vài trăm triệu đồng/năm. Nếu coi việc chuyển dạng số là bước đi ban đầu của chuyển đổi số, xây dựng thư viện số, thư viện điện tử trong hoạt động thư viện ở nước ta mấy chục năm qua là những cố gắng, nỗ lực cao của các hệ thống thư viện công cộng Việt Nam, thì những kết quả đầu tiên sau đây rất có ý nghĩa.

Cụ thể, xây dựng và phát triển hạ tầng CNTT được xem là điều kiện tiên quyết. Giai đoạn từ 1995 - 2005, với các dự án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhiều thư viện được đầu tư hạ tầng như: Thư viện Quốc gia Việt Nam; thư viện các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Lạng Sơn, Bình Định, An Giang, Thừa Thiên Huế... Cùng với đó, từ 2011 - 2017, dự án "Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và tiếp cận internet công cộng tại Việt Nam" do Quỹ Bill và Melinda Gates (Hoa Kỳ tài trợ), đã góp phần củng cố hạ tầng CNTT cho Việt Nam với 40 thư viện tỉnh, 360 thư viện huyện, 500 thư viện xã, cung cấp hơn 11.000 máy tính.

Hầu hết, 100% thư viện công cộng đã có máy chủ phục vụ vận hành các phần mềm quản lý thư viện, nhiều thư viện được đầu tư máy chủ vận hành các dịch vụ internet, thư điện tử, bảo mật...; máy trạm, đường truyền internet, thiết bị số hóa tài liệu, các phần mềm quản trị thư viện đang được ứng dụng trong hệ thống thư viện công cộng.

Về xây dựng nguồn lực thông tin dạng số cũng có được kết quả khả quan, với các CSDL tổng hợp, CSDL thư mục, CSDL toàn văn, số hóa tài liệu địa chí, bộ sưu tập số… tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Thư viện tỉnh Yên Bái, Thư viện tỉnh Sơn La, Thư viện tỉnh Khánh Hòa, Thư viện tỉnh Thừa Thiên Huế…

Kể từ năm 2001 đến nay, kinh phí chi cho xây dựng CSDL và bước đầu chuyển đổi số có chiều hướng tăng lên. Vấn đề xây dựng nguồn nhân lực trong các thư viện tuy đạt được một số kết quả, song còn nhiều bất cập. Đơn cử, đội ngũ cán bộ CNTT, chuyên gia trong lĩnh vực thư viện có ứng dụng CNTT vừa yếu vừa thiếu, có độ biến động lớn; nhiều đơn vị đào tạo được một bộ phận cán bộ lành nghề, giỏi CNTT, sau một thời gian làm việc lại chuyển nghề. Vì vậy, thư viện luôn luôn đặt trong tình trạng phải đào tạo cán bộ CNTT. Mặt khác, theo kết quả tự đánh giá tại các đơn vị, số lượng, chất lượng cán bộ CNTT chỉ đáp ứng được một phần, với mức độ hài lòng thấp, thiếu đội ngũ cán bộ thư viện giỏi về ứng dụng CNTT.

Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam