Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới theo Nghị quyết số 20-NQ/TW: Thực tiễn và hành động

Bài 1: Phát huy vai trò “người gác cổng”

- Thứ Sáu, 19/11/2021, 06:34 - Chia sẻ
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, trong những năm qua ngành y tế cũng như các địa phương đã tập trung nguồn lực lớn để tăng cường, mở rộng mạng lưới y tế tuyến cơ sở. Trước bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp có chiều hướng gia tăng, việc tiếp tục củng cố, tăng cường mạng lưới y tế tuyến cơ sở, để “người gác cổng” hoạt động hiệu quả là cần thiết, góp phần giảm tải cho tuyến trên, ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng, giúp tiết kiệm lớn về chi phí, rút ngắn được chênh lệch về chỉ số sức khỏe giữa các vùng, miền, cũng như tạo được sự cân bằng, trong hoạt động khám, chữa bệnh.

Với hàng vạn trạm y tế xã bao gồm cả mạng lưới y tế thôn bản; gần 99% xã, phường và thị trấn đã có nhà trạm; gần 90% trạm có bác sĩ khám chữa bệnh, hầu hết các trạm y tế thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động... y tế cơ sở đã và đang thực hiện sứ mệnh là “người gác cổng” trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân tuyến cơ sở.

	Trạm y tế đóng vai trò "người gác cổng"
Trạm y tế đóng vai trò "người gác cổng"

Tiếp cận y tế từ cơ sở

Y tế cơ sở (gồm trung tâm y tế cấp huyện và trạm y tế xã, phường) là tuyến y tế ban đầu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của mạng lưới này trong việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần giảm tải cho tuyến trên, tiết kiệm chi phí... trong thời gian qua, y tế cơ sở, y tế dự phòng luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, chú trọng. Cụ thể, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương đã xác định y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng.  

Với tinh thần của Nghị quyết số 20- NQ/TƯ, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 5.12.2016 của Thủ tướng Chính phủ xây dựng Y tế cơ sở trong tình hình mới; Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg ngày 2.4.2008 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 47); Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa lao, ung bướu, chuyên khoa nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2009-2013 được phê duyệt tại Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30.6.2009 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 930)...; đồng thời ngành y tế cũng đã huy động một số dự án ODA đầu tư các trạm y tế tuyến xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại cơ sở. 

Nhờ đó đến nay, hàng vạn trạm y tế xã bao gồm cả mạng lưới y tế thôn bản đã được xây dựng và phát triển, mở rộng, có mặt tại hầu khắp các địa phương, từ đồng bằng, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đến biên giới, hải đảo, và hoạt động ngày càng hiệu quả. Đánh giá  hiệu quả của các chính sách trên, đại diện Bộ Y tế cho biết: “Thời gian qua, mạng lưới y tế cơ sở được ví như “xương sống” của ngành y tế đã bảo đảm cho người dân được thụ hưởng quyền chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả với chi phí thấp, thuận tiện do không phải đi xa. Bởi, thông qua các dịch vụ như Tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, khám chữa bệnh thông thường, phục hồi chức năng… mạng lưới y tế cơ sở đã có những đóng góp quan trọng bảo vệ sức khỏe người dân.

Việt Nam hiện có mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp với 47 bệnh viện tuyến Trung ương; 419 bệnh viện tỉnh, 40 phòng khám chuyên khoa; 684 bệnh viện huyện, 295 phòng khám đa khoa khu vực; 3 nhà hộ sinh khu vực; 11.793 trạm y tế; 91,8% thôn bản có nhân viên y tế. Đến nay, người dân đã tiếp cận và sử dụng nhiều hơn dịch vụ khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở. 

Tín hiệu tích cực  

Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội chỉ 10km, song cách đây khoảng 5 - 7 năm về trước, Trạm Y tế xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng, Hà Nội) rất hoang sơ, rất ít người dân đến thăm khám và chữa bệnh (trung bình chỉ có khoảng 200 lượt người/tháng), nhưng đến nay lượt người đã tăng gấp đôi, khoảng 300 - 400 lượt người/tháng.

Chia sẻ về hiệu quả hoạt động cũng như tín hiệu tích cực qua việc thu hút số lượt người đến trạm thăm khám trong thời gian gần đây, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hạ Mỗ Nguyễn Thị Vượng cho biết: trước đây cơ sở vật chất của trạm rất thiếu thốn, thiếu các phòng chức năng; giường chiếu cũng như máy móc của trạm rất cũ kỹ, cán bộ y tế cũng chỉ vỏn vẹn có 3 người nên hiệu quả thăm khám chữa bệnh cho người dân tại khu vực này có phần bị hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân khiến đa phần người dân trong xã còn e ngại đến trạm y tế thăm khám chữa bệnh, hoạt động chính của trạm lúc đó chủ yếu là phục vụ tiêm chủng, sinh nở... Nhưng từ khi  triển  khai  Nghị quyết số 20-NQ/TW, cơ sở vật chất từ trụ sở trạm được đầu tư xây dựng khang trang, giường bệnh và các trang thiết bị như máy siêu âm, tủ thuốc được đầu tư bổ sung; nguồn nhân lực cũng được tăng cường thêm, cộng với sự linh hoạt, thích ứng với thời đại mới của công nghệ, hoạt động thăm khám chữa bệnh tại trạm có thêm nhiều nét mới, sáng tạo, nên hoạt động đạt hiệu quả hơn, người dân đến với trạm ngày càng nhiều hơn.

Tương tự tại Trạm Y tế xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La) cũng vậy. Trước đây, Trạm chỉ có 1 căn nhà cấp 4 được xây dựng từ năm 1986, cơ sở vật chất gần như chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân trên địa bàn. Sau khi Nghị quyết số 20-NQ/TW có hiệu lực, Trạm được đầu tư xây dựng nhà 2 tầng khang trang gồm 8 phòng, nhiều hạng mục công trình và máy móc hỗ trợ việc khám, chữa bệnh, như: máy tính, máy siêu âm, giường, tủ, thiết bị chăm sóc sức khỏe sinh sản... Bác sĩ Trần Minh Khanh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Chiềng Hắc, cho biết: nhờ sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, cùng những nỗ lực trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, Trạm được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế cấp độ 1 năm 2017; chất lượng khám, chẩn đoán và điều trị bệnh cho người dân ngày càng được nâng lên; đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho khoảng 8.000 người tại 14 bản trên địa bàn.

Bày tỏ sự hài lòng về hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân ở trạm y tế tuyến cơ sở, nhiều người dân xã Chiềng Hắc cũng cho biết: so với trước đây, trạm y tế của xã đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, chất lượng thăm khám chữa bệnh tốt hơn nhiều. “Trước đây mỗi khi tôi và người nhà có bệnh thường tìm đến thầy mo, nếu là bệnh nặng thường tìm đến bệnh viện huyện, tỉnh... nhưng nay đường tới trạm y tế xã thuận lợi, trang thiết bị đầy đủ, các y, bác sĩ nhiệt tình, nên tôi rất yên tâm khi tới khám và điều trị”- bà Vàng Thị Ly, bản Tà Số 2, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, Sơn La cho biết.

Bảo Hân