Bảo đảm công bằng xã hội trong điều kiện hiện nay

Bài 1: Phát triển mạnh lực lượng sản xuất theo hướng hiện đại

- Thứ Tư, 28/10/2020, 06:25 - Chia sẻ

TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội

Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, chênh lệch mức sống gia tăng, nghèo đói của đồng bào dân tộc thiểu số, nghèo đô thị và di cư, chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển văn hóa và bảo đảm công bằng xã hội chưa theo kịp yêu cầu phát triển của đất nước... Vì thế, trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cần tập trung giải quyết cho được vấn đề công bằng xã hội thực chất; tránh tình trạng quan điểm, tư tưởng công bằng nhưng việc thực hiện có lúc, có nơi lại cào bằng.

Ảnh: Quang Khánh

"Để thực hiện công bằng xã hội, phải xây dựng nền văn hóa gắn các giá trị tốt đẹp truyền thống với tinh hoa nhân loại, tạo nên một xã hội văn minh, dân chủ, vì lợi ích chân chính và nhân phẩm con người, làm cho mọi người có cơ hội như nhau trong quá trình phát triển tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ. Công bằng xã hội trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam gắn với chính sách đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, đoàn kết con người vì hòa bình, vì tình hữu nghị, hợp tác và tiến bộ xã hội".

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Bùi Sỹ Lợi

Cần hệ chuẩn mực đủ sức điều chỉnh nhanh, đúng hướng

Để một quốc gia có thể vươn lên trong thế giới phát triển sôi động như hiện nay thì phát triển nhanh và bền vững là yêu cầu tất yếu. Công bằng xã hội trong mọi khía cạnh có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển nhanh và bền vững. Bởi nếu không công bằng đến mức độ nhất định sẽ gây ra phản ứng tiêu cực từ các đối tượng chịu thiệt và hạn chế sự phát triển dài hạn của xã hội. Không công bằng còn phát sinh những ảnh hưởng tiêu cực từ phía các đối tượng được lợi quá nhiều theo quy luật hiệu suất giảm dần và cuối cùng cũng hạn chế sự phát triển dài hạn của đất nước.

Vậy thế nào là công bằng trong xã hội Việt Nam hiện nay? Đại hội XII của Đảng chỉ ra: Dần dần xây dựng quyền lợi công bằng, cơ hội công bằng, quy tắc công bằng làm nội dung chủ yếu của hệ thống bảo đảm công bằng xã hội, nỗ lực tạo ra môi trường xã hội công bằng, bảo đảm cho quyền lợi tham dự bình đẳng và phát triển bình đẳng của nhân dân. Cụ thể, công bằng xã hội có các nguyên tắc sau:     

Thứ nhất, bảo đảm quyền lợi. Hiến pháp nước ta quy định tôn trọng và bảo đảm quyền con người. Mỗi cá nhân có quyền cơ bản, như quyền sinh sống, quyền bảo đảm xã hội, quyền nhận được sự giáo dục. Nguyên tắc bảo đảm quyền lợi là quốc gia và xã hội đối với các quyền cơ bản của công dân đều phải được duy trì và bảo vệ, bảo đảm mỗi công dân đều được tôn trọng.

Thứ hai, công bằng về cơ hội. Nguyên tắc bình đẳng cơ hội có ý nghĩa quan trọng, bình đẳng cơ hội ảnh hưởng trực tiếp đến các thành viên trong xã hội, trong tình trạng cụ thể của phân phối, cơ hội không giống nhau sẽ dẫn đến kết quả phát triển không giống nhau.           

Thứ ba, phân phối theo sự cống hiến. Trong phân phối người ta căn cứ theo cống hiến, thể hiện ra tính khác biệt của phân phối. Năng lực và cống hiến không giống nhau, thu nhập sẽ khác biệt, đó là công bằng. Phương thức phân phối cũng có lợi cho sự điều động tính tích cực của con người, có lợi cho hình thức hoạt động của chỉnh thể xã hội.       

Thứ tư, quan tâm đến người yếu thế. Một xã hội quá cường điệu sự bình đẳng khó tránh khỏi rơi vào bình quân chủ nghĩa, sẽ tổn hại nghiêm trọng đến tính tích cực của người lao động, rơi vào hiệu suất thấp, không phù hợp với nguyên tắc công bằng. Nhưng do kết quả là không bình đẳng, vị trí xã hội của lợi ích các nhóm yếu thế do sự khác biệt về giàu nghèo cũng tạo thành hiện tượng không công bằng. Do đó, chính sách xã hội cần hướng về các nhóm yếu thế, bảo đảm lợi ích cho các nhóm này, thực hiện người người đều chung hưởng, tất cả đều nhận được lợi ích.           

Vấn đề công bằng xã hội ở nước ta, đã và đang được thực hiện trên cơ sở kinh tế thị trường định hướng XHCN với nguyên tắc phân phối theo lao động, nhưng để phân phối một cách công bằng, trong tất cả các lĩnh vực xã hội cần có một hệ chuẩn mực đủ sức điều chỉnh nhanh nhạy và đúng hướng các bất công xảy ra trong lao động. Điều này chưa được thực hiện tốt như mong muốn và mục tiêu đề ra. Nhiều nghề lao động đơn giản lại có thu nhập lớn hơn nhiều lần lao động phức tạp. Nhiều lĩnh vực lao động trí óc lại hưởng thụ thấp hơn lao động chân tay. Nhiều sản phẩm lao động trí óc phức tạp vẫn chưa có thị trường. Nhiều người ở vùng xa, vùng sâu chưa được hưởng phúc lợi xã hội như ở các thành phố; mức sống, chế độ giáo dục, chăm sóc y tế ở nông thôn còn cách biệt với thành phố.

Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa. Nhiều vấn đề công bằng xã hội đã được đặt ra. Có một bộ phận người dân bị mất đất vì đô thị hóa mà vẫn chưa có công ăn, việc làm. Tuy giáo dục và y tế đã được xã hội hóa, nhưng những cơ hội để hưởng các thành quả ấy còn phụ thuộc vào thu nhập của nhân dân. Chế độ lương của Nhà nước còn bất hợp lý so với thu nhập ngoài nhà nước và sự tăng giá của thị trường. Người hưởng lương hưu, già yếu, bệnh tật còn gặp không ít khó khăn.

Quy luật thị trường không phải phương thức tốt nhất giải quyết công bằng xã hội

Nhìn lại lịch sử phát triển đất nước, công bằng xã hội ở Việt Nam được diễn ra trong 4 thời kỳ khác nhau. Thời kỳ mất công bằng toàn diện là thời kỳ nhân dân Việt Nam sống dưới chế độ thuộc địa nửa phong kiến. Thời kỳ thứ hai là sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, hình thành những chuẩn mực công bằng mới cho xã hội sau gần một thế kỷ bị áp bức, bóc lột. Thời kỳ này là “thời kỳ lãng mạn” trong lịch sử phát triển Việt Nam, thời kỳ mà người ta chỉ nghĩ đến cống hiến, ít nghĩ đến hưởng thụ; nghĩ đến lao động cho Tổ quốc mà không nghĩ đến thu vén cá nhân. Thời kỳ thứ ba là thời kỳ hợp tác hóa, quốc doanh hóa và phân phối theo cơ chế bao cấp. Thời kỳ này đã tạo ra được nhiều giá trị công bằng về giáo dục, y tế, nhưng nó đã làm cho xã hội Việt Nam phát triển rất chậm và tạo ra sự mất công bằng ở những lĩnh vực lao động chủ yếu. Thời kỳ thứ tư là từ năm 1986 đến nay. Đây là thời kỳ thực hiện công bằng xã hội theo cơ chế thị trường định hướng XHCN. Cơ chế thị trường định hướng XHCN đã tạo ra các chuẩn mực công bằng trong việc phân phối theo lao động. Cùng với sự điều tiết của hàng loạt chính sách xã hội tích cực, công bằng trong việc phân phối theo lao động đã kiềm chế khá nhiều bất công xảy ra, khi cơ chế thị trường làm phân tầng xã hội nhanh và sâu.

Ở nước ta hiện nay, nhiều người đã nhận thức được rằng, cơ chế thị trường, dù là cơ chế thị trường định hướng XHCN, dường như cũng chỉ giải quyết được một phần, một bộ phận của công bằng xã hội. Sức mạnh của cạnh tranh trong cơ chế thị trường, dù đã có sự can thiệp của Nhà nước, nhưng hiệu quả kinh doanh vẫn là chủ yếu. Các vòng quay lợi nhuận không tạo ra sự công bằng tuyệt đối. Lợi nhuận là một nguyên tắc "cứng" trong cơ chế thị trường. Do lợi nhuận, có thể các lực lượng ngang nhau trên "sân chơi" phải tạo được thế quân bình để duy trì được sự vận động của các lợi ích. Tuy nhiên, cuối cùng, vẫn có người được, người mất. Và, trong cơ chế thị trường, người ta mong được lớn, được tối đa, do đó không dễ xác lập sự công bằng toàn diện.

Nhiều nhà triết học thừa nhận rằng, quy luật thị trường không phải là phương thức tốt nhất để giải quyết công bằng xã hội. Thị trường tài chính, thị trường ngân hàng, thị trường chứng khoán, thị trường lao động, vay nợ nước ngoài, sự phát triển không đều về khoa học, kỹ thuật, các làn sóng xuất khẩu, đầu tư, tin học…, trong bối cảnh toàn cầu hóa, dẫu mang lại cơ hội cho việc giải quyết một số vấn đề về lợi ích cá nhân, tập thể, dân tộc và quốc tế; song thị trường ấy cũng chứa đầy những hiểm nguy, khi nó tạo ra sự mất mát, nô dịch, đói nghèo, tha hóa, vô nhân đạo dưới hình thức mới. Rõ ràng, vấn đề công bằng xã hội hiện nay không chỉ là năng suất lao động, sự giàu sang, thu nhập bình quân tính theo đầu người cao, mà chủ yếu liên quan đến chế độ xã hội.

Ngay trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, Đảng ta đã đưa ra nhận thức sâu sắc rằng, ở Việt Nam, muốn thực hiện được công bằng xã hội toàn diện thì phải gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc là điều kiện đầu tiên để thực hiện công bằng xã hội và chủ nghĩa xã hội là cái nôi quan trọng để thực hiện các mục tiêu công bằng xã hội toàn diện. Để thực hiện được công bằng xã hội toàn diện, trước hết phải xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Trên cơ sở xây dựng chính quyền nhân dân, muốn có công bằng xã hội phải phát triển mạnh lực lượng sản xuất theo hướng hiện đại, từng bước thiết lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa với sự đa dạng hóa về các hình thức sở hữu, trong đó kinh tế tập thể, kinh tế quốc doanh ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân, đồng thời đa dạng hóa các hình thức phân phối.

Quỳnh Chi ghi