Sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi”, vì một Việt Nam hùng cường:

Bài 1: Quốc chính Việt Nam: Tư duy và tầm viễn kiến phát triển quốc gia

- Thứ Bảy, 20/11/2021, 06:12 - Chia sẻ
LTS: Ngày 24.11 tới sẽ diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Báo Đại biểu Nhân dân giới thiệu loạt bài của TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản với chủ đề: Sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi”, vì một Việt Nam hùng cường:

Lịch sử thế giới xác tín: Một quốc gia có thể trở thành cường quốc kinh tế trong năm, sáu chục, thậm chí chỉ ba, bốn chục năm, nhưng để trở thành cường quốc văn hóa, phải qua hàng trăm năm, thậm chí cả nhiều trăm năm. Nhưng, lịch sử phát triển của nhân loại cũng lại xác quyết: Tất cả các cường quốc xưa nay, sẽ chỉ sống sót những cường quốc kinh tế nào đồng thời là một cường quốc văn hóa hoặc tối thiểu có một nền văn hóa của riêng mình và tương dung với thế giới.

Việt Nam không nằm ngoài tính quy luật phát triển muôn đời ấy, trải suốt mấy nghìn năm!

Đổi mới tư duy, tầm nhìn, kiến tạo nền móng

Trước những biến đổi khôn lường của thế giới ở vào khúc quanh của sự phát triển, nhất là đại dịch Covid-19, nhân loại đang chỉnh đốn lại trật tự phát triển bất thường và sắp xếp lại phương thức và lực lượng tương hợp… đòi hỏi chúng ta đổi mới không chỉ tư duy, tầm nhìn mà còn cả phương lược hành động mang tầm chiến lược, kiến tạo nền móng, quyết sách, tìm tòi động lực, xác lập phương thức, chuẩn bị lực lượng vừa phù hợp vừa khác biệt với thế giới, nhưng phải nhịp bước cùng nhân loại.

Đặc biệt, sau 35 năm đổi mới, yêu cầu của nhịp sóng phát triển thứ hai, trong tầm nhìn năm 2045 đòi hỏi cấp bách sửa sang không chỉ tầm nhìn, quyết sách mà còn chỉnh đốn về nền móng căn bản, kế sách lâu dài, cơ chế chiến lược phát triển không thể giống trước. Vì, phát triển bao hàm cả tiến lên và giật lùi, liên tục và đứt đoạn, tuần tự và nhảy vọt… Và vì, tương lai đất nước không thể là đường kéo dài của quá khứ hay hiện tại một cách cơ học đơn thuần. Tất cả phải được xử lý một cách quyền biến nhưng không phiêu lưu, cẩn trọng nhưng không trì trệ, mạnh mẽ nhưng không manh động, cân nhắc nhưng không bao giờ sợ hãi…

Trọng trách đó, xét cho cùng, trước hết và cuối cùng thuộc về văn hóa, với tư cách là nền tảng của sự phát triển tinh thần dân tộc, là sức mạnh nội sinh vô giá quốc gia… kết tinh thành hệ giá trị văn hóa phát triển Việt Nam, trong thời đại ngày nay, với sứ mệnh thiêng liêng và vẻ vang: “Soi đường cho quốc dân đi”, vì một Việt Nam hùng cường.

Đó thách thức của tương lai Việt Nam.

Tròn 76 năm qua, kể từ ngày 2.9.1945, đất nước qua bao thăng trầm, càng ở những khúc quanh còn mất của lịch sử, toàn thể dân tộc Việt Nam càng bất khuất vượt lên, vì nền Độc lập của Tổ quốc, quyền Tự do và khát vọng Hạnh phúc của mình, vì những giá trị cao quý và thiêng của nhân loại, bởi lời thề của Tuyên ngôn Độc lập năm 1945. Đó là sự di duệ và kết tinh khí phách “Nam quốc sơn hà” (1076) - bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc; là sự phát triển và tỏa sáng của “Bình Ngô đại cáo” (1428) - bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc; là sự mở đường và gặp gỡ của tư tưởng mang tầm vóc thời đại của các bản Tuyên bố trao trả độc lập cho các nước và Dân tộc thuộc địa năm 1960, Công ước quốc tế về Các quyền kinh tế và Văn hóa năm 1966 và Tuyên bố Tuyên bố về Các nguyên tắc của luật quốc tế năm 1970, của Liên Hợp Quốc.

Quyền làm chủ đối với vận mệnh của dân tộc mình, đó là độc lập của đất nước, tự do của dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân - linh hồn của lời tiêu ngữ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2.9.1945. Tư tưởng độc lập, tự do và hạnh phúc ấy hội tụ hai giá trị hết sức lớn lao: Giá trị của thế giới và giá trị của Việt Nam, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh - người kết tinh và thể hiện khát vọng Độc lập, Tự do và Hạnh phúc của dân tộc chúng ta - thay mặt cho quốc dân đồng bào, trịnh trọng tuyên bố trước thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập.

Khát vọng Độc lập - Tự do - Hạnh phúc - Thống nhất - Hùng cường

Đất nước phải độc lập. Đó là quyền quốc gia thiêng liêng không ai, không một lực lượng nào có thể mù lòa làm vấy bẩn và cả gan xâm phạm. Nhưng nước độc lập, nhất định Nhân dân phải được hưởng quyền tự do một cách tự nhiên và tất yếu. Vì, nếu nước độc lập mà Nhân dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì, như chính Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ngay từ ngày 17.10.1945.

Hạnh phúc chính là sự hài hòa giữa cá nhân với cá nhân, với xã hội và với môi trường (tự nhiên và xã hội), vì sự phát triển bền vững của mỗi cá nhân, của xã hội và của môi trường. Nói cách khác, hạnh phúc là sự hài hòa và phát triển. Và, xếp hạnh phúc trong tiêu ngữ đặt dưới quốc hiệu Việt Nam: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, chúng ta càng thấy sự tổng hòa mang tính chỉnh thể: dân tộc độc lập - dân quyền tự do - dân sinh hạnh phúc, mà dân tộc Việt Nam kiên định hành động, thậm chí hy sinh để vươn tới, giành giữ và phát triển nó suốt hơn 76 năm qua.

Lại nhớ, ngày 17.7.1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, càng thấy vấn đề hạnh phúc mà chúng ta đang gìn giữ, thật sự hòa quyện trong đó với tư cách là một thành tố của chân lý Việt Nam độc lập sáng ngời mà tự nhiên, nhuần nhị như giang sơn nghìn năm tổ tiên ta di duệ cho hậu bối muôn đời sau.

Hơn 76 năm qua, mệnh đề hạnh phúc làm nên chỉnh thể toàn vẹn tiêu ngữ của quốc gia: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, là tiền đề, là mục tiêu, là động lực và là con đường phát triển chính đáng của thể chế Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, để xây dựng nước Việt Nam hùng cường: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.     

Khát vọng ấy hun đúc thành khí phách Việt Nam trong cuộc tranh lại và bảo vệ kỳ vĩ nền độc lập tự do vô giá và thiêng liêng của Tổ quốc. Việt Nam đã chiến thắng trong tất cả các cuộc chiến tranh xâm lược của các siêu cường trên thế giới, ở khắp mọi thời, trong lịch sử hoàn cầu.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển như vũ bão nhưng cũng tiềm tàng sự bất trắc, thậm chí sinh tử khó lường của thời đại ngày nay. Lúc này, chúng ta không bảo vệ bằng mọi giá nền độc lập chân chính, sự thống nhất toàn vẹn của Tổ quốc thì không thể nói tới sự hùng cường bền vững và đích thực.

Không có sự độc lập và hùng cường, chúng ta càng không thể nói tới hạnh phúc vô giá của Nhân dân. Đó là hoài bão trọng đại, một sự nghiệp vẻ vang, một động lực to lớn nhưng vô cùng khó khăn, đong đầy gian khổ và cả sự hy sinh, nhưng sẽ làm nên vị thế, sức mạnh và uy tín của nước Việt Nam, nguồn sinh lực vô biên, tiềm tàng bên trong bảo đảm sự trường tồn của dân tộc ta trong thế giới ngày nay.

Đó là thách thức tồn vong phải được hóa giải bằng danh dự, phẩm giá, sức mạnh, uy tín và khí phách của dân tộc Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Hơn lúc nào hết, tối thiểu trong tầm nhìn 2045, khát vọng Độc lập - Tự do - Hạnh phúc - Thống nhất - Hùng cường chính là tầm nhìn chiến lược phát triển quốc gia, trong cuộc dân tộc chủ động hội nhập toàn cầu hóa, phải trở thành giá trị tiền đề của văn hóa phát triển Việt Nam.

TS Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản