Thực thi Công ước CITES

Bài 1: Quy định vừa thiếu, vừa chồng chéo

- Thứ Sáu, 11/06/2021, 06:02 - Chia sẻ

Việt Nam được ghi nhận là quốc gia có đa dạng sinh học cao, là nơi cư trú của nhiều loại động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm. Vì vậy, từ năm 1994 Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES). Tuy nhiên, sau 27 năm nội luật hóa, thực thi Công ước này, đã cho thấy không hiếm quy định còn thiếu hoặc chưa thống nhất; đặc biệt còn có hiện tượng chồng chéo gây khó khăn trong thực thi, quản lý.

Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Hoạt động vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh tồn của các loài động vật trong tự nhiên, đến hệ sinh thái, môi trường và các vấn đề khác về kinh tế, xã hội.

Lợi nhuận lớn từ buôn bán động vật hoang dã khiến thị trường này luôn nóng
Nguồn: ITN

"Buộc tay" cơ quan xử lý vi phạm

Theo đại diện Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an, hiện còn thiếu các quy định về quản lý mẫu vật săn bắn, tịch thu, về giám định pháp y, cứu hộ và tái thả các cá thể động vật hoang dã còn sống, gây khó khăn trong quá trình xử lý các vi phạm về buôn bán, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã, tạo ra những lỗ hổng pháp lý để tội phạm lợi dụng. Đơn cử, Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: xâm hại từ 3 cá thể tê tê châu Phi thì mới có thể truy tố, nhưng chưa có quy định nào xác định bao nhiêu vảy tê tê thì được xem là xâm hại 1 cá thể. Hoặc, pháp luật hiện hành mới chỉ quy định trọng lượng đối với ngà voi và sừng tê giác mà chưa có quy định đối với sản phẩm các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm khác…

Đặc biệt, dù đã có quy định về hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận không thể tách rời sự sống của động vật hoang dã nhưng chưa quy định về hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của động vật hoang dã thuộc nhóm IB và Phụ lục I CITES. Do đó trong trường hợp phát hiện đối tượng vận chuyển nhiều chủng loại, chưa đủ cá thể theo từng lớp thì vẫn không thể xử lý hình sự được.

Trong khi đó, vì chưa có quy định về cách thức lấy mẫu (cá thể sống, chết hay sản phẩm của động vật hoang dã) và cách bảo quản tang vật, vật chứng là cá thể động vật hoang dã hay sản phẩm của chúng, nên cán bộ điều tra chủ yếu bảo quản theo kinh nghiệm cá nhân nên đôi khi xảy ra trường hợp vật mẫu bị hư hỏng, phân hủy trong quá trình đưa đi trưng cầu giám định. Vô hình trung ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giám định và bảo quản tang vật, vật chứng của các vụ án liên quan đến động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc làm khó các cơ quan tố tụng trong quá trình xử lý vi phạm.

Theo thống kê của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, từ năm 2015 đến năm 2019, các cơ quan chức năng đã tịch thu hơn 36 tấn ngà voi, gần 700kg sừng tê giác và hơn 37 tấn tê tê (bao gồm cá thể sống và vảy). Trong giai đoạn giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều vi phạm liên quan đến buôn bán động vật hoang dã trên mạng cũng đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý triệt để. Các loài động vật hoang dã bị buôn bán bất hợp pháp nhiều nhất là voi, sừng tê tê, tê giác, các loài rùa nước ngọt, rùa biển và các loài mèo lớn.

Mỗi luật… quy định một kiểu

Hiện có khoảng trên 65 văn bản pháp luật đã được ban hành hướng dẫn thực thi Công ước Cites như Bộ luật Hình sự, Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Luật Thủy sản, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên các quy định này đang có hiện tượng chồng chéo về thẩm quyền quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, danh mục các loài động, thực vật hoang dã quý hiếm... cũng như chưa tính đến khả năng thực thi trong thực tế.

Không khó để có thể liệt kê những chồng chéo trong hệ thống pháp luật liên quan đến tổ chức thi hành Công ước CITES. Đầu tiên là sự chồng chéo về thẩm quyền giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn theo quy định tại Nghị định 64/2019/NĐ-CP (căn cứ vào Luật Đa dạng sinh học năm 2008) và Nghị định 06/2019/NĐ-CP (căn cứ Luật Lâm nghiệp năm 2017) trong hoạt động điều tra, đánh giá loài nguy cấp quý hiếm, quản lý khai thác, nuôi trồng loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm.

Tiếp theo là sự chồng chéo giữa Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (gồm 83 loài động vật và 17 loài thực vật) với Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (gồm 39 loài thuộc nhóm IA, 92 loài thuộc nhóm IB, 97 loài thuộc nhóm IIB). Có tới 69 loài đồng thời nằm trong 2 danh mục, trong khi hình phạt xử lý vi phạm đối với loài thuộc Danh mục loài ưu tiên bảo vệ và loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm là khác nhau.

Các quy định về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cũng không tránh khỏi sự chồng chéo, chưa phù hợp dẫn đến khó khăn trong xử lý vi phạm. Chẳng hạn, Điều 244, Bộ luật Hình sự quy định, lực lượng kiểm lâm có thẩm quyền xử lý vi phạm hình sự đối với tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm. Tuy nhiên, Điều 234 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự không quy định thẩm quyền của cơ quan kiểm lâm trong khởi tố vụ án hình sự khi vi phạm tội về bảo vệ động vật hoang dã, trong khi đó, lực lượng kiểm lâm lại có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Vì thế, khi vi phạm đến mức xử lý hình sự thì cơ quan kiểm lâm phải chuyển sang các cơ quan khác để xử lý hình sự, dẫn tới mất nhiều thời gian và có thể bỏ lọt tội phạm, hư hỏng vật chứng...

Hoàng Tuấn