Quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong trường nghề

Bài 1: Sự chậm trễ đáng tiếc

- Thứ Hai, 13/09/2021, 07:01 - Chia sẻ
Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông (THPT) mà người học phải tích lũy để học trình độ cao đẳng. Mặc dù Luật có hiệu lực từ 1.7.2015, nhưng đến nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn đang chờ thông tư quy định vấn đề này.
 Học nghề đang là lựa chọn của học sinh mới tốt nghiệp THCS Ảnh: Đức Kiên
Học nghề đang là lựa chọn của học sinh mới tốt nghiệp THCS
Ảnh: Đức Kiên

Nhiều trường nghề đang làm tốt việc dạy văn hóa

Liên tục trong nhiều năm, trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp Vĩnh Phúc luôn có học sinh hệ 9+­­­­ tham gia và đoạt giải trong các cuộc thi học sinh giỏi (hệ bổ túc văn hóa) do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Tính riêng năm học 2017 - 2018, nhà trường có 5 học sinh đoạt giải Nhất, 16 học sinh đoạt giải Nhì, 27 học sinh đoạt giải Ba, 21 giải Khuyến khích, chiếm lần lượt 35,7%, 32,7%, 34,2% toàn tỉnh. Năm học 2018 - 2019 có 2 học sinh đoạt giải Nhất, 6 giải Nhì, 15 giải Ba, 14 giải Khuyến khích, chiếm lần lượt 28,6%, 28,6%, 23,9% toàn tỉnh. Các em chủ yếu tham gia dự thi các môn Văn, Toán, Lý, Hóa. Đáng nói, việc dạy các môn văn hóa đều do giáo viên nhà trường đảm  nhiệm.

Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (TP. Hồ Chí Minh) cũng luôn trong tốp đầu các trường có tỷ lệ học sinh giỏi (hệ bổ túc văn hóa) cấp thành phố. TS. Bùi Văn Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II cho biết, năm học 2019 - 2020, nhà trường có 2 em tham gia cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố, trong đó một em đoạt giải Nhì môn Lịch sử, một em đoạt giải Ba môn Địa lý.

Những con số trên đã phần nào phản ánh rõ chất lượng dạy văn hóa của các cơ sở GDNN. Cho dù là tự tổ chức giảng dạy hay phối hợp với các trung tâm GDTX thì cũng không thể phủ nhận vai trò dẫn dắt, khích lệ, động viên của các cơ sở GDNN trong việc tạo ra cơ hội học tập bình đẳng, rộng mở hơn cho các em theo học hệ đào tạo 9+. Đồng thời, những kết quả này tiếp thêm động lực cho các em học sinh và tạo niềm tin cho phụ huynh trong việc lựa chọn học nghề thay vì tiếp tục học lên THPT.

Phan Trung Kiên (sinh năm 2001), học sinh lớp 12VH2-TQTM, nghề quản trị mạng, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II chia sẻ, em rất thích thú với chương trình 9+ vì không bị áp lực học nhiều và có thời gian trải nghiệm, tham gia thực tế vào công việc. Hơn nữa, em có thể được đi làm sớm giúp đỡ bố mẹ và tự lo cho bản thân. “Em thấy lợi ích khi học trung học nghề là sau tốt nghiệp, em không chỉ có bằng nghề mà còn có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình văn hóa bậc THPT - điều kiện để em học liên thông lên trình độ cao hơn khi em có đủ kinh phí học tập…” - Phan Trung Kiên tự tin nói.

7 năm chưa ban hành

Thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”… nhiều địa phương và trực tiếp là các cơ sở GDNN đã và đang tuyển sinh, đào tạo khá tốt, góp phần cung ứng nguồn nhân lực với cơ cấu phù hợp nhu cầu của nền kinh tế, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người, hướng tới xây dựng xã hội học tập. Điều này càng ý nghĩa nhất là trong bối cảnh các ngành nghề biến đổi khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, quá trình triển khai đào tạo hệ 9+ trong các trường nghề đang có một số vướng mắc liên quan đến việc ban hành khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho người học trong các cơ sở GDNN. Theo Luật GDNN 2014, Luật Giáo dục 2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT. Thậm chí, tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28.5.2020, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương “ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và hướng dẫn việc dạy học, cấp giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN trong quý III năm 2020”. Nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư nào liên quan được ban hành. Theo nhiều đại biểu Quốc hội, đây là sự chậm trễ đáng tiếc!

Hơn thế, dự thảo Thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng chỉ quy định khối lượng kiến thức và việc giảng dạy khối kiến thức văn hóa THPT; còn việc quy định cho học sinh học bổ sung kiến thức một số môn (nếu các em có nguyện vọng) để bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và xét điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT chờ một văn bản khác. Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, nên quy định luôn trong văn bản này, để bảo đảm quyền lợi học sinh. Bởi theo dự thảo Thông tư, khối lượng kiến thức văn hóa THPT dành cho học sinh tốt nghiệp THCS theo học trình độ trung cấp có 4 môn học, trong khi chương trình GDTX cấp THPT chỉ có 7 môn học, nghĩa là người học chỉ còn thiếu 3 môn là hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng kiến nghị cho phép các trường trung cấp, trường cao đẳng và cơ sở giáo dục đại học trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật có đào tạo các ngành nghề trình độ trung cấp mang tính đặc thù kết hợp giữa đào tạo nghệ thuật với đào tạo văn hóa có đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT thì được lựa chọn, tổ chức giảng dạy bổ sung các môn học theo chương trình GDTX cấp THPT hoặc chương trình giáo dục THPT cho học sinh có nguyện vọng để tham dự kỳ thi tốt nghiệp theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Thái Bình