Sản xuất nông nghiệp trước áp lực giá phân bón tăng cao

Bài 1: Sử dụng cân đối, tiết kiệm, tránh lãng phí

- Thứ Tư, 20/10/2021, 06:39 - Chia sẻ
Chi phí phân bón thường chiếm 21 - 24% cơ cấu giá thành của sản xuất lúa, nhưng giá phân bón tăng cao từ đầu năm 2021 đến nay khiến chi phí này có thể chiếm đến 30% giá thành sản xuất lúa. Trong khi đó, đầu ra và giá bán nhiều mặt hàng nông sản giảm sâu, khó tiêu thụ đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

Nêu rõ bốn nguyên nhân khiến giá phân bón tăng cao, trong đó chủ yếu là do giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao khiến giá thế giới và trong nước đều tăng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung khẳng định, giá phân bón đang theo quy luật thị trường, rất khó để can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính. Vì vậy, ngành nông nghiệp cần có giải pháp thích ứng, trong đó giải pháp căn cơ, bền vững đang được triển khai là sử dụng cân đối, tiết kiệm lượng phân bón bằng các biện pháp kỹ thuật nhưng vẫn bảo đảm năng suất cây trồng.

	Sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm để đạt hiệu quả tối ưu về kinh tế và môi trường Nguồn: ITN
Sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm để đạt hiệu quả tối ưu về kinh tế và môi trường
Nguồn: ITN

Thích ứng với giá phân bón

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, năng lực sản xuất phân bón trong nước, tổng công suất của các cơ sở sản xuất trong nước là 29,25 triệu tấn/năm. Trong đó, công suất sản xuất phân bón vô cơ là 25,21 triệu tấn/năm, sản xuất phân bón hữu cơ là 4,04 triệu tấn/năm. Trong 9 tháng năm 2021, sản lượng sản xuất phân bón trong nước đạt 5,668 triệu tấn (vô cơ 3,908 triệu tấn, hữu cơ 1,76 triệu tấn), tăng 234.755 tấn, tương đương tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2020 và bằng 74,5% so với tổng sản lượng sản xuất năm 2020.

Nhu cầu không tăng đột biến, hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón vẫn diễn ra bình thường theo quy luật hàng năm, nhưng giá phân bón liên tục tăng trong năm 2021. Theo ghi nhận, giá của nhiều loại phân bón tăng vài chục phần trăm, thậm chí gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Một số loại như urê đã tăng từ 6.500 - 6.800 đồng/kg lên 16.000 - 17.000 đồng/kg, DAP tăng từ 8.550 đồng/kg lên 19.000 đồng/kg, Các loại phân khác như Lân, Kali... cũng tăng ít 100.000 - 200.000 đồng/bao.

Ông Hoàng Trung cho biết, 4 nguyên nhân khiến giá phân bón tăng cao là do: Giá nguyên liệu đầu vào tăng rất cao, như khí amoniac tăng hơn 200%, lưu huỳnh tăng hơn 230%...; Chi phí vận chuyển tăng cao do tác động của Covid-19 trên toàn cầu; Nguồn cung phân bón thế giới từ nhiều nơi bị giảm sút, do nhiều nhà máy lớn phải ngừng hoạt động theo quy trình chống dịch hoặc thiếu hụt nguyên liệu; Một số quốc gia tăng mạnh diện tích gieo trồng, kiểm soát xuất khẩu để phục vụ nhu cầu trong nước. Trong đó, chủ yếu là do giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới tăng kéo theo giá phân bón trong nước.

Khi giá phân bón bị chi phối bởi cung cầu thị trường quốc tế, việc áp dụng các quy định hành chính can thiệp vào thị trường rất khó khả thi. Thay vào đó, cần hướng dẫn người dân sử dụng phân bón một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất, trên cơ sở bón phân đúng quy trình, hợp thời vụ, mỗi chân đất, mỗi cây trồng chọn một loại phân phù hợp. “Chủ trương là giảm chi phí đầu vào đối với sản xuất, sao cho lượng phân bón giảm nhưng năng suất cây trồng vẫn bảo đảm” - ông Hoàng Trung khẳng định.

Sử dụng thế nào để đạt hiệu quả tối ưu?

Theo ông Hoàng Trung, vai trò của phân bón thì có lẽ nông dân ai cũng đã nắm được, nhưng sử dụng phân bón như thế nào để đạt hiệu quả tối ưu về kinh tế và môi trường là điều ít được biết đến. Phần lớn nông dân sử dụng phân bón với suy nghĩ “bón phân càng nhiều thì cây càng tốt”, khiến lượng phân bón hóa học thường được bón tăng gấp hai đến ba lần so với nhu cầu, chưa chú trọng đến cân bằng của các loại chất dinh dưỡng trong đất bằng các chất hữu cơ.

Trung bình giai đoạn 2018 - 2020, mỗi năm Việt Nam sử dụng 10,2 triệu tấn phân bón công nghiệp cho ngành trồng trọt, trong đó gần 80% là phân bón vô cơ (8 triệu tấn) và còn lại là phân bón hữu cơ, phân bón sinh học. So với 15 năm trước, lượng phân bón vô cơ sử dụng hiện nay gấp 1,28 lần trong khi diện tích gieo trồng chỉ gấp 1,07 lần.

Báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật cũng cho thấy, việc sử dụng phân bón vô cơ cao hơn nhu cầu của cây trồng hay thiếu cân đối dẫn đến dư thừa là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiệu suất sử dụng phân bón ở nước ta chưa cao, theo một số tài liệu công bố mới chỉ đạt trung bình 40 - 45% (40 - 45% đối với đạm, 25 - 30% đối với lân và 55 - 60% đối với kali). Điều này không những làm tăng chi phí đầu vào, tăng giá thành sản phẩm mà còn tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái đất, suy giảm sức sản xuất của đất.

Đặc biệt, trong giai đoạn giá phân bón tăng cao như hiện nay, sử dụng phân bón dư thừa sẽ làm tăng đáng kể giá thành sản phẩm, đồng thời có thể tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, suy giảm sức sản xuất của đất. Tính chất đất ở nhiều khu vực sản xuất cũng đã bị biến đổi sau thời gian dài thâm canh liên tục. Do vậy, thói quen sử dụng phân bón theo liều lượng và kỹ thuật áp dụng cho các giống cây trồng, tính chất đất và các điều kiện canh tác trước đây cần phải thay đổi cho phù hợp với các giống cây trồng và điều kiện canh tác trong giai đoạn hiện nay.

Thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức hướng dẫn các địa phương về sử dụng phân bón cân đối, hiệu quả để giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, duy trì sức sản xuất của đất, thực hiện mục tiêu phát triển một ngành nông nghiệp sinh thái, hiệu quả và bền vững. Theo đó, sử dụng phân bón hợp lý, tuân thủ theo đúng nguyên tắc “năm đúng” và “cân đối”: Sử dụng đúng loại đất, đúng đối tượng cây trồng, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách và cân đối giữa phân bón vô cơ và hữu cơ sẽ có thể đạt hiệu quả tối đa.

Chi An