Giám sát việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất

Bài 1: Thu hút sự tham gia tích cực của người dân

- Thứ Sáu, 29/10/2021, 06:34 - Chia sẻ
Chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; người dân đã tích cực tham gia ủng hộ, đóng góp nhân lực, tài chính cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các dự án. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo điều kiện cho người dân vùng thụ hưởng từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo và cũng nhận được sự quan tâm vào cuộc tích cực, trách nhiệm của người dân.

Đó là những kết quả tích cực được ghi nhận qua đợt giám sát mới đây của Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng (CSHT) và hỗ trợ phát triển sản xuất (PTSX) theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang giám sát việc thực hiện hính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng tại Ban Dân tộc tỉnh

Ảnh: Minh Đức

Bước đầu hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Tại huyện Yên Thế, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã phát huy hiệu quả như: Mô hình trồng dưa chuột bao tử, cơ giới hóa nông nghiệp, hỗ trợ phân bón trồng cây lâm nghiệp, chăn nuôi bò sinh sản. Chính sách hỗ trợ PTSX đã làm tăng năng suất lao động, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, góp phần thay đổi tập quán sản xuất đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ thuộc đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện năm 2020 còn 3,85%, giảm 16,97% so với năm 2015, giảm trung bình 2 - 3 %/năm.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, nhìn chung, công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 135 được các địa phương thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên thông qua người dân lựa chọn. Cấp xã làm chủ đầu tư, cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Kết quả, cơ sở hạ tầng vùng nông thôn không ngừng được hoàn thiện, nhất là hệ thống giao thông nông thôn (đến nay, 100% số xã vùng dân tộc, miền núi xe ô tô đã vào được trung tâm), công trình thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng… Các công trình xây dựng mới hoặc duy tu, bảo dưỡng hoàn thành đưa vào sử dụng cơ bản phát huy được hiệu quả, ngày càng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo bền vững và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung.

Thực hiện chức năng được phân công, Sở NN - PTNN đã chủ động chỉ đạo hoạt động hỗ trợ PTSX, đa dạng hóa sinh kế, tạo được những chuyển biến tích cực trong thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn và giảm nghèo của người dân trên địa bàn. Các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn được các địa phương lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện và nhu cầu sản xuất của người dân, từng bước tăng năng suất lao động, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị. Một số mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất có hiệu quả trong giai đoạn có thể kể đến như: Mô hình chăn nuôi ong lấy mật, trồng rừng sản xuất thuộc Chương trình 30a, hỗ trợ máy móc… tại các địa phương với các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo

Theo ghi nhận của Thường trực HĐND tại buổi làm việc với UBND tỉnh mới đây, chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi, từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể trong vùng đồng bào dân tộc. Người dân đã tích cực tham gia ủng hộ, đóng góp nhân lực, tài chính cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các dự án.

Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo điều kiện cho người dân vùng thụ hưởng tiếp cận được khoa học kỹ thuật, chuyển đổi nhận thức về sản xuất đối với các loại giống cây trồng, vật nuôi có tiềm năng kinh tế, năng suất cao, chất lượng tốt, được hỗ trợ công cụ lao động giúp người dân từng bước tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống, giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo. Chính sách đã nhận được sự quan tâm vào cuộc tích cực, trách nhiệm của người dân trong xác định nhu cầu cần thiết hỗ trợ, đóng góp đối ứng, tiếp nhận quản lý và sử dụng vật tư của các dự án, mô hình.

Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất cùng với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Bắc Giang từ 13,93% năm 2015 xuống còn 3,14% năm 2020; hộ cận nghèo từ 8,19% xuống còn 3,98%. Các xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 7,63%/năm (từ 51,6% năm 2015 xuống còn 13,45% năm 2020). Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc giảm bình quân 5,2%/năm (giảm từ 35,1% năm 2015 xuống còn 8,77% năm 2020). Trong giai đoạn 2016 - 2020, có 12 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

TRẦN LY