Văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững Việt Nam 2045:

Bài 1: Xác lập nền văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ, bền vững xã hội chủ nghĩa

- Thứ Sáu, 30/10/2020, 08:42 - Chia sẻ

TS. Nhị Lê

Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Kinh nghiệm thành công của các nước phát triển đã chỉ rõ và khẳng định, bất cứ một quốc gia, dân tộc nào muốn phát triển bền vững, không thể đi bằng một đôi chân khập khiễng, mà suy cho cùng, chỉ bằng văn hóa hoặc bằng kinh tế, dù xét theo nghĩa rộng nhất hay hẹp nhất của những vấn đề này.

Nói cụ thể là, văn hóa và kinh tế phải được đặt trong tổng thể hữu cơ và hài hòa. Không thể nói tới sự phát triển cân bằng, bền vững nếu chỉ khi đạt được sự thành công về văn hóa (dù một cách độc lập hay giữ vị thế đi tiên phong xã hội) hoặc chỉ khi kinh tế tăng trưởng ngoạn mục (dù mang tính quyết định hay cơ bản và quan trọng tới đâu); và ngược lại. Đó là điều hết sức rõ ràng.

Lợi thế so sánh tuyệt đối của chế độ xã hội chủ nghĩa

Thách thức lớn đối với Việt Nam là làm thế nào để vừa bảo đảm tốc độ tăng trưởng nhanh của nền kinh tế và nhịp nhàng với sự phát triển của văn hóa, trực tiếp nhất là văn hóa sinh thái, đạo đức xã hội. Khoảng cách ngày càng tăng trong thu nhập kinh tế, bất bình đẳng về kinh tế, nhất là sự thực dụng kinh tế có thể kìm hãm sự phát triển và dẫn đến nhiều thách thức đối với sự phát triển của văn hóa, xã hội và của con người.

Trước bối cảnh mới, thực tiễn tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc Đổi mới đã và đang đặt ra và đòi hỏi Đảng ta tiếp tục có những phương lược xử lý đúng đắn và hiệu quả mối quan hệ đa dạng và phức tạp giữa phát triển văn hóa với tăng trưởng kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Nghĩa là, chúng ta phải vươn tới xác lập một nền văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững XHCN,với nền tảng và xung lực là bản sắc văn hóa dân tộc và hiện đại - kinh tế tri thức - và môi trường sinh thái phát triển hài hòa, trong điều kiện toàn cầu hóa đầy thách thức. Từ thực tiễn đổi mới, càng đòi hỏi, việc xử lý mối quan hệ rường cột này thật chủ động và hiệu quả. Đến lượt nó, văn hóa cũng trở thành một ngành kinh tế, với sự phát triển tự nhiên của công nghiệp văn hóa, với xung lực của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Ở đây, cần đặc biệt nhấn mạnh sự thống nhất, đồng bộ và hiệu quả giữa văn hóa và kinh tế, trong sự ổn định toàn vẹn nền chính trị đất nước trên con đường phát triển theo định hướng XHCN.

Trong rất nhiều vấn đề, nổi bật việc hoạch định các chính sách (vĩ mô và vi mô) phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế đồng hành bảo đảm an sinh và công bằng xã hội cần được tính toán tổng thể không chỉ căn cứ vào mục tiêu với mức độ thành công mà đồng thời luôn tính đến phương thức thực thi và các hệ quả của chúng. Việc phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế luôn được xem là một quá trình có tính chính trị văn hóa trước khi là một quá trình kinh tế và công nghệ hay văn hóa đơn thuần, cục bộ, để tránh quy luật “kinh tế vì kinh tế”, “tiền vì tiền”, “vì kinh tế, bất chấp đạo lý”, “vì lợi nhuận, chà đạp tất cả”; hay văn hóa chỉ là “cái đuôi của kinh tế”, “ăn theo kinh tế”, hay là thứ “văn hóa vay mượn”, “văn hóa nhập khẩu”, “văn hóa lai căng”… Đại hội XI của Đảng ta khẳng định: “Phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển là thể hiện rõ nhất tính ưu việt của chế độ ta”(1). Đó là một trong 8 vấn đề cơ bản mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ: “... Phải chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn:... giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”(2). Đó chính là một trong 5 kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công cuộc đổi mới của Đảng: “... Phải coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...; gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa...”(3); cũng chính là lợi thế so sánh tuyệt đối giữa chế độ XHCN, trên phương diện này, với bất kỳ chế độ xã hội nào khác.

Giải quyết hiệu quả 9 mối quan hệ

Một dân tộc sẽ không thể gọi là dân tộc hoàn thiện, khi không có văn hóa dân tộc, dù kinh tế có thể đạt được mức tăng trưởng đáng kinh ngạc nhất thời nào đó.

Với phương châm như vậy, trong mối quan hệ rường cột này, hiện nay chúng ta tiếp tục giải quyết hiệu quả tối thiểu các mối quan hệ chủ yếu nổi bật sau, nhằm xác lập cho kỳ được nền văn hóa của sự phát triển toàn diện, bền vững nói chung, sự tăng trưởng kinh tế và phát triển của chính văn hóa nói riêng, trong một tổng thể phát triển thống nhất, hài hòa, mạnh mẽ và bền vững của đất nước theo định hướng XHCN, với con người là trung tâm của mọi sự phát triển xoay chung quanh nó, nâng cao vị thế chính trị, sức mạnh và danh dự Việt Nam trên vũ đài quốc tế.

Một là, mối quan hệ giữa văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với kinh tế thị trường XHCN. Hai là, văn hóa chính trị với văn hóa kinh tế, văn hóa xã hội… Ba là, sự gia tăng dân số và môi trường sinh thái biến động với phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế. Bốn là, giáo dục với phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế. Năm là, cơ chế thị trường với phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế. Sáu là, truyền thống và hiện đại, bản sắc dân tộc và hội nhập quốc tế trong phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế. Bảy là, sự thống nhất và mâu thuẫn giữa trước mắt và lâu dài trong phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế. Tám là, quốc nạn tham nhũng với sự phát triển văn hóa và phát triển kinh tế. Và, chín là độc lập dân tộc về chính trị, kinh tế và văn hóa với hội nhập quốc tế.

Người ta có thể đạt được sự tăng trưởng, thậm chí nhảy vọt về kinh tế, chỉ trong vài chục năm. Nhưng, để có một nền văn hóa lại đòi hỏi nhiều trăm năm, thậm chí cả nghìn năm. Kinh nghiệm lịch sử của những quốc gia hoạch phát, hoạch tàn về kinh tế và xã hội đều cho thấy, họ thường thiếu một triết lý văn hóa về phát triển, cụ thể hơn là một nền văn hóa của sự phát triển bền vững. Hiện nay, để nắm bắt thành công cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, Việt Nam phải đầu tư mạnh mẽ và tương xứng lĩnh vực giáo dục. Đó là chìa khóa để nâng cao học vấn toàn dân, vị thế trực tiếp của văn hóa. Đây là điều bắt buộc để Việt Nam tận dụng tối đa sự chuyển đổi sang Công nghiệp 4.0.

Sự thất bại của văn hóa, của đạo đức xã hội dù sớm hay muộn, nhất định dẫn tới thất bại về chính trị, về kinh tế và bất ổn về xã hội. Một lần nữa, cần nhắc lại, vì rằng: Chính trị lúc này, chính là kinh tế và cũng chính là đạo đức! Đó chính là thước đo vị thế, sức mạnh mềm của văn hóa và “hàn thử biểu” về sự phát triển của văn hóa, theo nghĩa rộng rãi và toàn vẹn nhất, trong tổng thể chiến lược phát triển đất nước trong tương lai.

Điều đó càng đòi hỏi con đường, phương thức và bước đi mà Việt Nam lựa chọn và hành xử trên phương diện này phải hết sức khoa học và thống nhất. Vì tương lai, tốc độ, nhịp độ, mức độ bền vững và hiệu quả của sự phát triển đất nước mang tầm chiến lược, trực tiếp là xử lý mối quan hệ cốt yếu, phức tạp giữa văn hóa và kinh tế, văn hóa và chính trị chính trị, kinh tế và chính trị xã hội hoàn toàn tùy thuộc vào phương lược và mô thức ứng xử không được phép lệch lạc, phiến diện, càng không được phép sai lầm trong những thập kỷ tới đầy những bất trắc và thách thức khó lường.


(1)Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 40.

(2)Văn kiện đã dẫn, tr.72-73.

(3)Văn kiện đã dẫn, tr.181.