Xây dựng và phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

Bài 1: Xu thế tất yếu của sự phát triển

- Thứ Tư, 11/11/2020, 16:58 - Chia sẻ
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, việc áp dụng công nghệ từ quá trình hình thành, quản lý đến vận hành đô thị một cách hiệu quả, thông minh hơn để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững dường như là một xu thế tất yếu của sự phát triển.

Động lực xây dựng đô thị thông minh

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN năm 2020, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, khu vực đô thị có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và gia tăng chất lượng cuộc sống của người dân. Ước tính các khu vực đô thị trên thế giới đóng góp từ 70- 80% GDP quốc gia.

Ở Việt Nam, nguồn thu từ các hoạt động kinh tế của khu vực đô thị chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu GDP cả nước. Tổng thu ngân sách khu vực đô thị cũng chiếm trên 70% tổng thu ngân sách toàn quốc. Ngoài ra tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12-15%, cao gấp 1,5 lần đến 2 lần so với mặt bằng chung của cả nước… bởi đô thị không chỉ là trung tâm văn hóa, khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo, cung cấp việc làm và chất lượng cuộc sống tốt mà còn là động lực cho sự phát triển kinh tế của đất nước, của vùng.

Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa, những trung tâm đô thị lớn được mệnh danh là “thành phố toàn cầu” - nơi tập trung các trung tâm tài chính, các trụ sở quốc tế, các loại hình dịch vụ chuyên môn hóa phục vụ cho các công ty và các tập đoàn xuyên quốc gia có các cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ phân bố phân tán trên toàn thế giới đã trở thành những trung tâm không chỉ chi phối nền kinh tế của chính đô thị đó mà còn trở thành các trung tâm quyền lực ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới, như trung tâm kinh tế NewYork, Tokyo, London, Paris …

Những ví dụ thực tiễn trên thế giới cho thấy, nhiều thành phố đang xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) để cân bằng giữa việc theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao chất lượng đô thị hóa, hướng đến phát triển bền vững. Chính vì lẽ đó, ĐTTM đang trở thành xu thế của toàn cầu. Sự phát triển của các ĐTTM tạo ra sự thay đổi về chất cho quá trình đô thị hóa mới. Mô hình ĐTTM sẽ tối ưu hóa các dịch vụ cho người dân cũng như các doanh nghiệp và giúp đỡ tất cả các bên liên quan có được lợi ích về xã hội, kinh tế và môi trường.

 

Xây dựng và phát triển đô thị thông minh là một xu thế tất yếu.
Ảnh nguồn: ITN

Bài học nào cho Việt Nam

Tại Diễn đàn Cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020, chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng ĐTTM, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore, ông Vivian Balarkrishnan cho biết, tầm nhìn quốc gia thông minh của Singapore là xây dựng một nền tảng kỹ thuật số mạnh mẽ, qua đó cho phép sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề trong thế giới thực, tạo ra các hệ thống hiệu quả cho các doanh nghiệp và mang lại lợi ích cụ thể cho người dân theo cách thức toàn diện và lấy công dân làm trung tâm. Ông nhấn mạnh ba nguyên tắc quan trọng trong phát triển thành phố thông minh, đó là: Cơ sở hạ tầng, tính toàn diện và khả năng tương tác.

Thực tiễn xây dựng và ứng dụng các giải pháp ĐTTM tại các đô thị trên thế giới đã đem lại những hiệu quả tích cực về nhiều mặt. Như, ứng dụng giao thông thông minh tại Stockhom, Thụy Điển vào giờ cao điểm đã làm giảm lưu lượng giao thông 20%, giảm thời gian đi lại gần 50%, giảm phát khí thải 10%. Ứng dụng quản lý cấp nước thông minh ở thành phố Mumbai (Ấn Độ) giảm tỷ lệ nước thất thoát từ 50% (so với mức trung bình thế giới là 34%) xuống còn một nửa. Các giải pháp tòa nhà thông minh tại Mỹ tiết kiệm đến 30% lượng nước tiêu thụ, 40% năng lượng, giảm 10-30% tổng chi phí vận hành...

Theo kết quả điều tra của Black&Veatch về việc lĩnh vực nào của thành phố sẽ mang lại nhiều lợi ích nhất khi ứng dụng công nghệ thông minh, hầu hết các thành phố cho rằng đó là lĩnh vực giao thông/di chuyển thông minh, tiếp đến là năng lượng, theo sau là lĩnh vực cấp thoát nước. Có thể nói đây là những lĩnh vực có tác động lớn đến các thành phố tại tất cả các quốc gia.

Để xác định được lĩnh vực ưu tiên trong đầu tư xây dựng ĐTTM, cần phải hiểu rõ nhu cầu của người dân. Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT Phan Thanh Sơn cho biết, kẹt xe khiến mỗi năm TP Hồ Chí Minh thiệt hại khoảng 1,2 triệu giờ công lao động, tương đương 1,3 tỉ USD; ngoài ra còn mất 2,3 tỉ USD do ô nhiễm môi trường từ các phương tiện cơ giới. Tương tự, thiệt hại từ ùn tắc giao thông gây ra cho Hà Nội mỗi năm khoảng 1 - 1,2 tỉ USD.

Chủ tịch Hiệp hội các đô thị Việt Nam Võ Hồng Ánh cho biết, các chủ trương, chính sách đã được ban hành đều đánh giá việc quy hoạch ĐTTM phải đi trước. Đồng thời, quy hoạch ĐTTM cần được xác định là nền tảng, tiền đề định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình này cần sự tham gia của các cấp, ngành, nhà khoa học và khối doanh nghiệp tư nhân.

“Chỉ khi việc xây dựng ĐTTM một cách bài bản theo quy hoạch và quản lý phát triển ĐTTM theo lộ trình, kế hoạch mới có thể từng bước tối ưu hóa quản lý phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống cư dân đô thị và tạo ra cơ hội phát triển con người, không ai bị bỏ lại phía sau.” - bà Võ Hồng Ánh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định, để các thành phố ở Việt Nam thực sự có thể giúp Việt Nam tăng trưởng hiệu quả, hoà nhập bền vững, mang lại thịnh vượng cho mọi người dân đô thị, Việt Nam cần mở rộng tư duy, đón nhận những bài học thực tiễn tốt, nhanh chóng chuyển hóa, thích ứng với xu hướng phát triển đô thị trên thế giới. 

 

Xuân Tùng