HĐND Hà Tĩnh giám sát việc thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm

Bài 1: Doanh thu tăng cao, thị trường mở rộng

- Chủ Nhật, 18/10/2020, 05:37 - Chia sẻ
Với những cách làm sáng tạo và kết quả bước đầu sau 2 năm thực hiện, Hà Tĩnh được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh tổ chức thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tính đến cuối năm 2019, đã có 72 sản phẩm đạt chuẩn; dự kiến đến hết năm 2020, có thêm ít nhất 90 sản phẩm OCOP đạt chuẩn, nâng tổng số sản phẩm đạt chuẩn OCOP lên hơn 162 sản phẩm. Doanh thu sản phẩm OCOP tăng cao, thị trường tiêu thụ được mở rộng.

Đó là những điểm nổi bật qua đợt giám sát chuyên đề Kết quả thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn của HĐND tỉnh Hà Tĩnh vừa qua.

Mạnh dạn đầu tư, quảng bá sản phẩm

Qua các cuộc khảo sát thực tế và làm việc với các địa phương, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, tại huyện Kỳ Anh, trước khi tham gia chương trình OCOP, các cơ sở chủ yếu sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, chưa có thương hiệu, thị trường tiêu thu rất hạn chế; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn còn ở mức khiêm tốn. Sau khi tham gia Chương trình, các cơ sở đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, dây chuyền công nghệ, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, tham gia quảng bá, xúc tiến thương mại, tạo hệ thống liên kết trong sản xuất và bán hàng. Sau 2 năm triển khai Chương trình, huyện đã có 11 cơ sở tham gia với 16 sản phẩm. Trong đó, đã có 9 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Năm 2019, có 10 sản phẩm của 8 cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký tham gia, trong đó có 9 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, thẩm định của tỉnh chấm, công nhận đạt chuẩn 3 sao. Năm 2020, có 9 sản phẩm được tỉnh chấp thuận tham gia Chương trình.

Trước khi tham gia Chương trình OCOP, các sản phẩm của huyện Cẩm Xuyên đều ở quy mô nhỏ, chưa có bộ nhận diện thương hiệu, một số sản phẩm chưa có bao bì, tem nhãn; tổ chức sản xuất mang tính chất hộ gia đình và theo kinh nghiệm, chưa có quy trình thống nhất trong quá trình sản xuất. Sau khi thực hiện Chương trình OCOP, các cơ sở đều đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất; năng suất, chất lượng sản phẩm được cải thiện khá rõ rệt, một số cơ sở đã tích cực xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đến nay, huyện đã có 21 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Sau hơn 2 năm triển khai Chương trình, đến nay, huyện Thạch Hà có 76 ý tưởng sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất đăng ký tham gia Chương trình và đã có 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, cao gấp 1,6 lần kế hoạch 2019 (3 sản phẩm), trong đó có 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Để hỗ trợ cho các sản phẩm tham gia OCOP, huyện đã quan tâm đầu tư giúp các cơ sở xây dựng kế hoạch, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và xây dựng bộ nhận dạng thương hiệu sản phẩm. Khi tham gia Chương trình OCOP, năng suất, chất lượng sản phẩm đã có sự cải thiện khá rõ rệt, một số cơ sở đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, 2 năm qua, huyện Vũ Quang đã có 22 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP và 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao, tập trung vào lợi thế, thế mạnh của huyện. Các cơ sở đạt sao đã đầu tư hạ tầng, thiết bị, công nghệ mới để nâng cao giá trị sản phẩm; các sản phẩm bước đầu đã được thị trường tin dùng và cho giá trị cao hơn 15 - 20% so với khi chưa tham gia Chương trình OCOP…

Đoàn khảo sát tại Chè Tây Sơn -sản phẩm OCOP gắn với xây dựng điểm du lịch cộng đồng, xã Sơn Kim II, huyện Hương Sơn

Ảnh: Lê Trang 

Dự kiến hơn 160 sản phẩm đạt chuẩn

Với những cách làm sáng tạo và kết quả bước đầu sau 2 năm thực hiện, Hà Tĩnh được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh tổ chức thực hiện tốt Chương trình. Cụ thể, năm 2019, đã có 72 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Năm 2020, dự kiến có hơn 90 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, nâng tổng số sản phẩm đạt chuẩn OCOP lên trên 162 sản phẩm. Chương trình đã tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu, được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn. Với việc tham gia Chương trình OCOP, các tổ chức kinh tế đã từng bước được củng cố và phát triển. Đến nay, đã có 102 tổ chức kinh tế và 69 hộ có đăng ký sản xuất kinh doanh tham gia Chương trình. Các sản phẩm OCOP đã được bày bán tại 13 cửa hàng trên địa bàn các huyện, thành phố; nhiều sản phẩm bước đầu được khách hàng đánh giá cao và lựa chọn tin dùng.

Đáng chú ý, trước khi thực hiện Chương trình, Hà Tĩnh có rất nhiều sản phẩm có thế mạnh, tuy nhiên chất lượng sản phẩm không đồng đều, tiêu chuẩn chất lượng và quy trình sản xuất chưa được quản lý chặt chẽ; logo, bộ nhận diện thương hiệu chưa đồng bộ, nhãn mác sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn... Sau khi tham gia Chương trình OCOP, các sản phẩm đã được xây dựng quy trình sản xuất niêm yết tại cơ sở, đã xây dựng hồ sơ quản lý chất lượng, định kỳ kiểm nghiệm sản phẩm theo quy định; xây dựng hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu, bao bì nhãn mác bảo đảm hợp quy và có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhờ đó, doanh thu sản phẩm OCOP tăng cao, thị trường tiêu thụ đã được mở rộng.

THÀNH LÊ