Nhật Bản

Xem xét sửa luật để đối phó tốt hơn với các bệnh truyền nhiễm

- Chủ Nhật, 06/12/2020, 06:47 - Chia sẻ
Trong bối cảnh mùa cúm đã đến và các trường hợp nhiễm virus Corona mới vẫn liên tục ở mức cao hoặc tăng trở lại ở một số thành phố, lo ngại về một cuộc khủng hoảng lớn gấp hai lần, khiến nhiều người Nhật Bản kêu gọi sửa đổi luật để phân bổ quyền lực tập trung vào chính quyền trung ương và xoa dịu các nhà lãnh đạo thành phố đòi hỏi có thêm thực quyền trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.

Cần luật mạnh hơn

Mặc dù theo Thủ tướng Yoshihide Suga, sửa đổi luật pháp là một quá trình chính trị gian khổ, nên được gác lại cho đến khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, đây là việc cần làm ngay và hoàn toàn có thể đạt được trong vòng vài tháng. Giáo sư Shuya Nomura tại Đại học Luật Chuo nhận xét: “Thà có công cụ mà chưa sử dụng còn hơn là chẳng có công cụ nào và phải gánh chịu mọi hậu quả”. Theo ông, đúng là Nhật Bản đã tránh được thương vong nặng nề mà không phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt như đóng cửa các thành phố, nhưng đó có thể là do gặp may. Và ông đặt câu hỏi là liệu những phương pháp trên có tiếp tục hiệu quả hay không.

Nguồn: Asia Nikkei
Nguồn: Asia Nikkei

Theo Japan Times, ở Nhật Bản, các biện pháp đối phó với virus bắt nguồn từ 3 luật: Luật về bệnh truyền nhiễm, Luật Kiểm dịch và Luật Các biện pháp đặc biệt mới về cúm mới. Điều đáng nói là, tất cả các văn bản pháp lý này đều được ban hành nhiều năm trước khi virus SARS-Cov-2 bắt đầu tàn phá toàn cầu vào đầu năm nay. Theo giáo sư Nomura, xét về tốc độ lây truyền, thiếu thường xuyên các triệu chứng và tỷ lệ cá nhân tiến triển các triệu chứng nghiêm trọng, virus SARS-Cov-2 mới khác xa so với các bệnh truyền nhiễm được dùng làm cơ sở cho các luật về virus hiện hành của Nhật Bản.

Mặc dù mỗi luật đều riêng biệt và khác biệt nhưng chúng cho phép chính phủ áp đặt các yêu cầu nhập viện nghiêm ngặt hơn đối với những người có kết quả xét nghiệm dương tính, các biện pháp kiểm soát biên giới và phân bổ lại kinh phí để nâng cao năng lực xét nghiệm, hỗ trợ các cơ sở chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ nhân viên y tế. Tuy nhiên, theo các luật này, Chính phủ hay bất kỳ chính quyền đô thị nào trong nước không thể phạt tiền, buộc tội hình sự hoặc các biện pháp trừng phạt dưới bất kỳ hình thức nào đối với những cá nhân vi phạm các biện pháp đối phó với virus. Do đó, Nhật Bản hầu như dựa hoàn toàn vào sự tuân thủ của người dân, thông qua việc sử dụng biện pháp phong tỏa “mềm”, và yêu cầu đóng cửa kinh doanh một cách tự nguyện để nỗ lực ngăn chặn virus.

Vì vậy, đầu tháng 11 vừa qua, Hiệp hội Thống đốc quốc gia đã soạn thảo một tuyên bố mà một trong những nội dung của nó là yêu cầu luật pháp quốc gia phải được sửa đổi để các nhà lãnh đạo thành phố có thể yêu cầu doanh nghiệp địa phương tạm thời đóng cửa theo cách hiệu quả hơn. Trước đó, vào tháng 3, Thủ tướng Shinzo Abe khi ấy đã chỉ rõ virus SARS-Cov-2 là “bệnh truyền nhiễm loại 2” theo Luật Các biện pháp đặc biệt về cúm mới, cho phép ông ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, kéo dài một tháng từ ngày 7.4 - 5.6 nhưng được gia hạn đến ngày 25.5. Sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, các thống đốc thành phố có thể yêu cầu người dân tự nguyện ở trong nhà và tránh những chuyến đi chơi không cần thiết, tạm dừng sử dụng một số phương tiện công cộng và yêu cầu các doanh nghiệp địa phương tạm ngừng hoạt động.

Bản chất của luật là, trong thời kỳ nguy cấp, Chính phủ có thể hạn chế một số quyền tự do và quyền hiến định để bảo vệ cuộc sống của nhiều người. Nó được lấy cảm hứng từ các luật khác đề cập đến thiên tai và các cuộc tấn công quân sự từ các đối thủ nước ngoài.

Ở hình thức hiện hành, luật cho phép các quan chức kêu gọi người dân và doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ các biện pháp đối phó. Tuy nhiên, những người ủng hộ việc sửa đổi luật nói rằng, điều đó không đủ để ngăn chặn đợt bùng phát dịch Covid-19 lớn hơn, trong đó các biện pháp bắt buộc hoặc trừng phạt sẽ trở nên cần thiết.

Đối mặt với ý kiến đa chiều

 Tuy nhiên, theo ông Hiroshi Kasanuki, chuyên gia về luật y tế đồng thời là giáo sư và cố vấn của Viện Khoa học điều tiết y tế của Đại học Waseda, để sửa luật như vậy là vấn đề tự do cá nhân và quyền cá nhân.

Nguồn: Financial Times
Nguồn: Financial Times

Thực tế, có vẻ như mọi nỗ lực sửa đổi luật sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Còn nhớ vào tháng 3, động thái chỉ định Covid-19 là một bệnh truyền nhiễm theo Luật Các biện pháp đặc biệt về cúm mới đã được thông qua thành công, nhưng không phải là không có sự phản đối gay gắt từ đảng Cộng sản Nhật Bản cũng như Liên đoàn Luật sư Nhật Bản, vốn là nhóm vận động hành lang lớn.

Việc cho phép các quan chức công quyền triển khai các biện pháp đối phó bắt buộc sẽ đòi hỏi một sự sửa đổi đáng kể hơn đối với luật, điều chắc chắn sẽ gây ra những phản ứng chính trị trái chiều theo tỷ lệ ngang nhau. Nhưng các chuyên gia lo ngại, nếu tình hình bệnh dịch leo thang, nước này có thể không được chuẩn bị trước.

Dù là do may mắn hay do các biện pháp ngăn chặn hiệu quả, đất nước mặt trời mọc chưa phải hứng chịu một đợt bùng phát kinh hoàng nào, số ca nhiễm và tử vong vẫn chỉ là con số nhỏ so với Mỹ, Brazil và một số nước phương Tây. Dẫu vậy, các chuyên gia Nhật vẫn cảm thấy bối rối về việc làm thế nào để đất nước có thể xoay xở tránh thảm họa tiếp tục. Vì vậy, những phản ứng chậm trễ và các biện pháp đối phó có vẻ thiếu thận trọng của Nhật Bản đã hứng chịu nhiều chỉ trích trong và ngoài nước.

Những người chỉ trích cho rằng, sự thiếu chuẩn bị, thông điệp mơ hồ từ các quan chức, năng lực xét nghiệm thấp và sự xích mích giữa các nhà lãnh đạo quốc gia và từng vùng đã cho thấy nhiều thiếu sót của “Mô hình Nhật Bản”. Một cuộc phỏng vấn độc quyền với Bộ trưởng Nội các phụ trách ứng phó với virus Corona Yasutoshi Nishimura tiết lộ rằng, những hoang mang bắt nguồn từ việc Thống đốc Tokyo Yuriko Koike sử dụng thuật ngữ “đóng cửa” hồi tháng 3 đã trì hoãn quyết định của Chính phủ trong ban bố tình trạng khẩn cấp.

Giáo sư Nomura nhận định, việc tập trung quyền lực vào chính quyền Trung ương có thể gây ra xích mích, khiến các thống đốc, thị trưởng và nhiều lãnh đạo thành phố khác gặp khó khăn trong việc cố gắng chủ động ngăn chặn virus hoặc ứng phó linh hoạt với các tình huống bất ngờ.

Còn giáo sư Kasanuki gợi ý, về lý thuyết, các luật về virus của Nhật Bản có thể được thay đổi để giới chức có thể chỉ định các khu vực cách ly, giống như các khu vực sơ tán hoặc “khu vực cấm đi” được thành lập ra sau trận đại động đất ở  Đông Nhật Bản năm 2011 mà sau đó là thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.

Sử dụng phương pháp tương tự có thể là cách nặng nề nhưng hiệu quả để niêm phong các cơ sở đã xuất hiện những cụm lây nhiễm. Nhưng để những điều đó được pháp điển hóa thành luật, các nhà lập pháp trong đảng Dân chủ Tự do cầm quyền có thể sẽ vấp phải sự phản kháng từ nhiều đảng đối lập, chưa kể nhiệm vụ khó khăn là phải thu hút sự ủng hộ của công chúng để tăng cường một luật mới, vốn có thể hạn chế quyền tự do cá nhân trong thời kỳ khủng hoảng. Nói như luật sư Akihisa Shiozaki, các biện pháp đối phó với virus trong đại dịch phải vượt qua chính trị lưỡng đảng.

Ngọc Minh