Quản lý, bảo vệ động vật hoang dã

Bài 2: Ẩn họa từ nuôi nhốt trái phép

- Thứ Bảy, 21/08/2021, 05:41 - Chia sẻ
Dù đã có nhiều cảnh báo cũng như quy định cấm, hạn chế nhưng không ít người vẫn bất chấp rủi ro pháp lý, nguy hiểm tính mạng, lén lút nuôi động vật hoang dã trái phép. Bằng chứng là ngay cả khi dịch Covid-19 bùng phát, một số vụ việc về nuôi nhốt động vật hoang dã bất hợp pháp trong nhà dân đã được phát hiện, gây xôn xao dư luận.
Hổ tại các cơ sở nuôi nhốt không những không có giá trị về bảo tồn mà còn làm hủy hoại những nỗ lực bảo tồn và thực thi pháp luật

Nguy cơ lây lan mầm bệnh nguy hiểm

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cả nước có trên 150 loài động, thực vật hoang dã đang được nuôi tại hàng chục nghìn cơ sở gây nuôi, trong đó có nhiều loài quý, hiếm như trăn đất, trăn vàng, cá sấu nước ngọt, khỉ đuôi dài, một số loài rắn với kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng năm ước đạt khoảng trên 100 triệu USD. Tuy nhiên, hoạt động gây nuôi động vật hoang dã cũng tiềm ẩn các nguy cơ về dịch bệnh, gây nguy hiểm cho con người và môi trường.

Thực tế ngoài các cơ sở có đăng ký vẫn còn nhiều trường hợp lén lút nuôi động vật hoang dã dưới hình thức lợi dụng việc gây nuôi để buôn bán trái phép động vật hoang dã; nuôi dưới dạng “thú cưng” trong nhà. Từ một vài cá thể ban đầu, người nuôi đã tự tìm hiểu, âm thầm nhân giống và bán lại cho nhiều người có cùng sở thích. Chủ yếu là các động vật có kích thước tương đối nhỏ như: nhện, bọ cạp, lớn hơn thì có kỳ đà, khỉ…; không ít trong số đó là loài ngoại lai, được nhập lậu vào nước ta và rao bán tại các nhóm kín trên mạng xã hội.

Giám đốc PanNature Trịnh Lê Nguyên cho biết: “Rất nhiều dịch bệnh trong quá khứ đã được chứng minh do lây nhiễm từ động vật hoang dã. Trong khi đó, tình trạng chăn nuôi không bảo đảm điều kiện kỹ thuật cũng được ghi nhận khi các trang trại gây nuôi hỗn hợp các loài động vật hoang dã với điều kiện chăm sóc thú y rất kém và hầu như không biết về nguồn bệnh tiềm ẩn luôn đe dọa vật nuôi”.

Nhiều ý kiến khác cũng nêu thực tế, không ít người đã rước họa vào thân từ lây nhiễm bệnh tật đến mất mạng do nhiều vi khuẩn, virus chết người ẩn chứa trong động vật hoang dã. Ngay tại thời điểm này, chúng ta đang gồng mình chống chọi dịch bệnh Covid-19, một chủng virus được cho là truyền từ động vật hoang dã sang người.

Không chỉ vậy, việc gây nuôi động vật hoang dã còn có nhiều rủi ro khác ảnh hưởng đến sức khỏe của chính người nuôi chúng. Theo các chuyên gia về bảo tồn động vật hoang dã, các động vật hoang dã (bất kể loại thông thường hay nguy cấp, quý hiếm) dù nuôi nhốt từ lâu hoặc sinh ra trong môi trường nhân tạo nhưng vẫn rất dễ bị “căng thẳng” trước con người. Từ đó dẫn tới việc động vật hoang dã tấn công con người là khó tránh khỏi. Đơn cử, vụ việc ngày 21.10.2020, 2 người đàn ông tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã bị 1 con khỉ nặng 12kg nuôi trong nhà xổng chuồng tấn công, phải đưa vào viện cấp cứu. Hay trước đó, 1 người đàn ông đã bị cọp trong Khu du lịch T.C. (tỉnh Bình Dương) tấn công làm 2 cánh tay bị đứt rời…

Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới cũng đưa ra số liệu cho biết tính đến tháng 12.2020, có 343 con hổ đang bị nuôi nhốt tại Việt Nam, trong đó 284 con bị nuôi nhốt tại 21 trang trại và sở thú tư nhân. Số còn lại thuộc sở hữu của các vườn thú và những trung tâm cứu hộ của Nhà nước. Hầu hết số lượng hổ tại các cơ sở gây nuôi hổ tư nhân đều có nguồn gốc bất hợp pháp.

Bất chấp rủi ro

Từ lâu, việc nuôi nhốt, mua bán, vận chuyển các loài động vật hoang dã (cả bản địa hoặc ngoại lai) đã có quy định cấm hoặc hạn chế. Theo Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, danh mục động vật rừng thông thường và động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đã được Chính phủ quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Đồng thời, các hành vi liên quan đến động vật rừng (quảng cáo để bán, mua bán, săn bắt, nuôi nhốt… trái phép) cũng được quy định phạt hành chính bằng các điều khoản của Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25.4.2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Dẫu vậy, bất chấp quy định cấm và rủi ro pháp lý, việc buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm vẫn là chủ đề được bàn nhiều, bởi thường xuyên các vụ vi phạm được phát hiện, bắt giữ. Mới đây, ngày 4.8, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An phát hiện tại hai nhà dân ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành nuôi nhốt 17 con hổ.

Bình luận về vấn đề trên, các chuyên gia luật cũng như bảo tồn động vật hoang dã cho biết: Việc nuôi nhốt này là vi phạm pháp luật vì nguồn gốc hổ không hợp pháp (nhập lậu từ nước ngoài); điều kiện chuồng trại không đúng quy định; trốn tránh sự quản lý của chính quyền và các cơ quan chức năng... Các cá thể hổ phải sống trong lồng chật hẹp nên mất khả năng săn mồi, sinh tồn ngoài tự nhiên, vì vậy hầu như không có cơ hội sống sót khi thả về rừng. Đặc biệt, trong trường hợp nuôi nhốt, hổ chỉ có thể sinh trưởng chứ không sinh sản và mục đích của việc nuôi nhốt là để giết thịt nấu cao, lấy răng, móng... hoàn toàn không vì mục đích bảo tồn.

Ngoài 17 cá thể hổ mới chỉ bước đầu khám phá, hiện nay theo nguồn tin của ENV còn hàng trăm cá thể hổ vẫn đang được nuôi nhốt trái phép trong nhà dân tại các huyện Yên Thành, Diễn Châu... Do đó, người dân nên sớm tự nguyện chuyển giao cho nhà nước để tránh hậu quả pháp lý”- Phó Giám đốc ENV Bùi Thị Hà nhắn nhủ.

Bài và ảnh: H.Thanh- D.Thúy