Chống tham nhũng và chọn nhân tài

Bài 2: Chống tham nhũng: Quyết tâm và kiên định

- Thứ Ba, 22/09/2020, 08:23 - Chia sẻ
Bảy trăm năm trước, khi bàn về việc chọn tướng, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn nói: Lấy của mà thử xem có giữ được sự trong sạch không. Hai trăm năm sau đó, thế kỷ XV, Vua Lê Thánh Tông, một ông vua rất sáng suốt và tạo nên sự thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, đã có một câu nói, đúng hơn đó là lời cảnh báo xương máu, ngay giữa buổi thịnh trị lúc bấy giờ, rằng: Nếu có cái gì đó làm cho triều đình đổ vỡ, làm cho muôn dân bại hoại, thì đó chính là nạn quan tham lại nhũng. Năm, sáu thế kỷ qua, điều đó, hôm nay thiển nghĩ, còn nguyên nóng bỏng.

Chặn “đại án” từ mầm mống

Quyền lực chính trị là của Nhân dân. Nhân dân trao nó, ủy quyền cho những người làm công bộc của dân. Nếu bằng mọi thủ đoạn, những kẻ hủ bại mưu chiếm đoạt nó, biến quyền được giao, được ủy quyền đó thành quyền sở hữu, trở thành mục tiêu hành động của họ và phe nhóm, dòng tộc họ thì rất nguy hiểm, thậm chí làm băng hoại cả dân tộc. Khi thế lực kim tiền liên kết với quyền lực chính trị bị tha hóa, thoái hóa thì tai họa khủng khiếp, hậu họa khôn mà tiên lượng. Bởi, nó liên quan đến chế độ và rộng hơn là lòng dân, mệnh hệ tới sự sinh tử của dân tộc. Lúc ấy, thì còn đâu là vị thế, là sức mạnh và uy tín quốc gia nữa; còn đâu là danh dự giống nòi, thanh danh mỗi người chân chính nữa. 

 Nhìn vào thực tiễn cho thấy: Hễ ai có và nắm giữ quyền lực dù kinh tế hay chính trị, nếu quyền lực ấy bị lạm dụng, bị tha hóa, bị thoái hóa, bị đánh cắp là kẻ đó có thời cơ và nảy nòi tham nhũng, là nạn trộm cắp phát sinh khắp nơi, thao túng và hoành hành. Do đó, bất cứ ai nắm giữ quyền lực, dù mức độ cao hay thấp… nếu không được kiểm soát cũng có thể có nguy cơ trở thành kẻ tham nhũng, nếu dục vọng cá nhân không được khắc chế, nếu tự kỷ không có liêm sỉ, nếu đạo đức cá nhân kém nát hay hủ bại, nếu luật pháp quốc gia lỏng lẻo hay suy bại.

Tham nhũng đã tích tụ từ rất lâu rồi, đủ phương diện, hình thái, đủ quy mô, đủ mức độ và vô cùng nguy hiểm về tính chất.      

Chúng ta nếu không kiểm soát được, không khắc chế hữu hiệu, thì mọi thứ chết người, theo đó, sẽ bùng ra. Những vụ “đại án” mà Đảng ta và pháp luật xử lý trong mấy năm vừa qua là một minh chứng về sự nguy hiểm trong cuộc cấu kết giữa quyền lực chính trị tha hóa và quyền lực kinh tế lũng đoạn. Những vụ gian lận bằng cấp, học vị, tuổi tác… vừa qua cho thấy sự băng hoại nhân phẩm cán bộ, xâm hại tổ chức khôn lường, khi lòng dạ con người, nhất là những ai được giao trọng trách không trong sáng nữa. Mầm mống của những “liên minh ma quỷ” theo đó mà mọc ra và lũng đoạn, tai họa của những trò “độc tôn dòng họ” theo đó mà phát tác và tác oai, tác quái. Cổ nhân nói: “Quần thần thông qua hối lộ để giành được danh vị, người dân chịu oan khuất mà không có nơi kêu oan, quân vương không nghe tới, không hỏi đến về những việc trên”. Đó là loại đen tối thứ nhất, một trong năm loại đen tối, sẽ làm quốc gia sụp đổ. 

Từ sự phức tạp của các vụ “đại án” ở các phương diện mà chúng ta đã xử, sắp xử và đang lẩn khuất càng cho thấy nạn tham nhũng biến ảo khôn lường, nạn ăn cắp biến hóa, câu kết chằng chịt như “ma hồn trận” đang hiện hữu và tác họa khôn lường. 

Không do dự, cầu toàn

Xin một lần nữa nhắc lại Quốc lệnh (1946): “Ăn cắp của công sẽ bị xử tử”. Nhớ ngày 19.8.1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Kẻ thù hằng ngày nói xấu chúng ta, đồng bào ta không mắc lừa. Người của ta làm hại cách mạng là nguy hiểm nhất”. 

Vì thế, giờ là lúc không phải bàn thêm về quyết tâm chính trị của Đảng hay của Nhà nước nữa. Vấn đề cần nói quyết liệt là, làm gì và thế nào để chuyển quyết tâm ấy thành quyết tâm và hành động của toàn thể cán bộ, đảng viên và đồng bào. Và, cũng phải hỏi, còn có ai trong đội ngũ ấy nghểnh ngảng, thờ ơ, chiếu lệ cho phải phép, rồi “nghe ngóng tùy thời”, “chọc gậy xuống nước” hoặc “a dua”, “hò voi bắn súng sậy” không? Đấy chính là sự đồng lõa với sai trái!

Điều trước hết, tất cả mỗi người trong bộ máy, dù ở cấp nào, cần đối diện với chính mình, tự răn mình. Sự giác ngộ không phải chỉ lời nói, mà ở kết quả của việc làm. Lại chẳng phải chỉ ở nơi thuộc, hiểu dù trăm câu kinh câu kệ mà cốt yếu là buộc ở nơi hành xử của mình. Cái khó khăn của nó chẳng phải tại nơi giảng dạy mà cốt ở chốn thực hành. 

 Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa”. Dục vọng và sự tham lam, nếu không bị khắc chế, luôn đẩy người ta vào chỗ hủ bại và tội lỗi.

Xin nói gọn ở đây về hành động để thực thi quyết tâm chính trị kiên định, kiên trì chống tham nhũng. Rằng, đã sợ tham nhũng và hệ lụy của nó thì không bàn chuyện chống; và, khi đã chống tham nhũng thì quyết không sợ, tất nhiên tất cả những gì thuộc về nó. Vấn đề không chỉ ở quyết tâm chống: không sợ sệt; đối tượng chống: rõ ràng, đúng, trúng; phương châm chống: kiên định, không dao động, nửa vời; mà còn là ở nghệ thuật chống: bước đi phù hợp, hiệu quả và lực lượng chống: mạnh mẽ, kiên quyết, kiên tâm và đông đảo!... Không có sự lựa chọn nào khác, nếu không muốn rước họa đất nước bạc nhược và chuốc lấy sự thất bại của quốc gia trong công cuộc phát triển. Sinh tử thì phải tử sinh. Không do dự, cầu toàn. Đó là tất yếu!

Nên chăng bắt đầu từ đó để tất cả không trừ một ai đều cùng nhau thấu rằng, (bất liêm, vô sỉ sinh ra) trộm cắp, tức tham nhũng, là điều thậm xấu hổ, là mắc tội với Dân, với Nước, thậm chí tạo ra nguy cơ mất nước!  

TS Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản