Các nghị viện thành viên AIPA - Liên bang Malaysia

Cơ cấu của Quốc hội Malaysia

- Chủ Nhật, 12/07/2020, 08:04 - Chia sẻ
Quốc hội Malaysia đại diện cho cấu trúc dân chủ của Nhà nước và phản ánh nguyện vọng của người dân thông qua các đại diện được bầu. Đây là cơ quan lập pháp cao nhất của đất nước bao gồm ba thành phần chính gồm: Yang di-Pertuan Agong (Quốc vương), Dewan Rakyat (Hạ viện) và Dewan Negara (Thượng viện).

Dewan Rakyat

Dewan Rakyat bao gồm 222 thành viên được bầu từ các khu vực bầu cử một thành viên. Chủ tịch Quốc hội đồng thời là Chủ tịch Hạ viện, được bầu trong số các nghị sĩ trúng cử. Các nghị sĩ Hạ viện làm việc chuyên trách, một số ít kiêm nhiệm. Các đại biểu kiêm nhiệm thường là luật sư.

Tổng tuyển cử được tổ chức 5 năm một lần hoặc khi Hạ viện bị Yang di-Pertuan Agong giải tán theo lời khuyên của Thủ tướng. Việc bầu cử ở Malaysia có tính chất tự do, nhiều ứng cử viên có thể ứng cử vào một ghế. Lãnh thổ được chia thành nhiều đơn vị bầu cử và mỗi đơn vị bầu cử được chọn 1 nghị sĩ. Thông thường đảng nào giành được đa số phiếu trong Quốc hội thì đảng đó nắm quyền lãnh đạo Chính phủ và được phép thành lập Nội các.

Khi một thành viên của Hạ viện qua đời, từ chức hoặc không đủ tư cách để giữ ghế, một cuộc bầu cử phụ được tổ chức tại khu vực bầu cử của thành viên đó. Trong trường hợp nhiệm kỳ của Quốc hội hiện tại chưa đầy hai năm, vị trí này sẽ được để trống cho đến cuộc tổng tuyển cử tiếp theo.

Một phiên họp của Hạ viện ​​​

Dewan Negara

Dewan Negara bao gồm 70 thượng nghị sĩ. Trong số đó, 26 người được bầu bởi 13 hội đồng bang (2 thượng nghị sĩ mỗi bang); 4 thượng nghị sĩ do Yang di-Pertuan Agong chỉ định để đại diện cho 3 lãnh thổ liên bang (2 cho Kuala Lumpur , 1 cho Putrajaya và Labuan ). 40 thành viên còn lại được bổ nhiệm bởi Yang di-Pertuan Agong theo đề cử của Thủ tướng.

Các thượng nghị sĩ phải từ 30 tuổi trở lên, có nhiệm kỳ 3 năm với tối đa hai nhiệm kỳ. Việc giải tán Hạ viện không ảnh hưởng đến Dewan Negara. Thượng viện hoạt động dưới sự chủ trì của Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Thượng viện. Những chức danh này được Thượng viện bầu trong số các thành viên của mình. Chủ tịch hay Phó chủ tịch Thượng viện sau khi trúng cử 3 tháng mà vẫn tiếp tục giữ ghế trong Ban giám đốc, Ban quản trị hay tham gia vào công việc kinh doanh của bất kỳ tổ chức nào dù có hay không nhận tiền lương, thưởng, lợi tức từ tổ chức đó thì theo luật đều không còn đủ tư cách và phẩm chất là Chủ tịch hay Phó chủ tịch Thượng viện. Chủ tịch Thượng viện nếu là thành viên của Hội đồng lập pháp một bang thì phải từ chức trước khi trở thành Chủ tịch Thượng viện.

Tuy vai trò của Thượng viện không quan trọng bằng Hạ viện nhưng cơ quan này không thể thiếu trong quy trình lập pháp vì các dự luật muốn được ban hành đều phải được thông qua tại Thượng viện sau khi được Hạ viện biểu quyết. Trong trường hợp là những luật về tài chính thì quyền của Thượng viện càng bị giới hạn. Thượng viện có thể trì hoãn thời gian ban hành luật của Hạ viện. Tuy không có thực quyền, nhưng quá trình tham gia của Thượng viện vào sửa đổi luật không bị chi phối bởi các cuộc tranh luận về chính trị, điều thường diễn ra ở Hạ viện.

Quốc hội được triệu tập bởi Yang Di-Pertuan Agong (Quốc vương Malaysia), thông thường 6 tháng một lần. Nếu Quốc hội bị giải tán thì tổng tuyển cử phải được tổ chức trong vòng 60 ngày và Quốc hội mới sẽ được triệu tập không trễ hơn 120 ngày sau đó.

Quốc Đạt