Sửa Luật Đất đai và tích tụ ruộng đất nông nghiệp

Bài 2: Còn nhiều vấn đề phải xử lý thấu đáo

- Thứ Tư, 22/09/2021, 06:37 - Chia sẻ
TS. BÙI NGỌC THANH - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Thực ra việc tích tụ, tập trung ruộng đất nông nghiệp tuy chậm chạp nhưng đã diễn ra từ sau khi có Luật Đất đai đầu tiên năm 1987, sau này tốc độ có sự tăng tiến nhất định, nhất là từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành (1.7.2014). Có thể nói rằng, tích tụ, tập trung ruộng đất nông nghiệp là vấn đề cực kỳ phức tạp, chưa có điều kiện đánh giá đầy đủ, toàn diện. Bài viết này chỉ “chấm phá” đôi nét về vấn đề này nhằm góp phần thực thi tích cực quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII về “tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp...”.

Điều kiện hàng đầu của nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn

Báo cáo tổng hợp đề tài “Đánh giá việc thực hiện chính sách tập trung, tích tụ đất nông nghiệp trong Luật Đất đai 2013 và đề xuất các giải pháp” của Hội khoa học Đất Việt Nam, thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cuối năm 2020 đã đánh giá bước đầu về kết quả tích tụ, tập trung ruộng đất tại một số địa phương, theo vùng miền trong cả nước.

Đối với vùng trung du và miền núi phía Bắc, cụ thể là hai tỉnh Phú Thọ và Bắc Giang cho thấy: tính đến năm 2019, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có 77 xã, thị trấn của 8 huyện với 32.000 hộ tiến hành dồn điền, đổi thửa cho nhau trên diện tích 4.800ha. Tổng số thửa trước khi dồn, đổi là 190.380 thửa, sau khi dồn, đổi còn 61.000 thửa; diện tích mỗi thửa từ 225m2/thửa  tăng lên 780m2/thửa. Đã hình thành 21 vùng sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô mỗi vùng khoảng 30ha. Việc tạo ra các vùng nguyên liệu đã thu hút nhiều doanh nghiệp liên kết, bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị. Còn tại Bắc Giang, một số doanh nghiệp đã thuê ruộng đất ở một số huyện (Tân Yên, Việt Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Yên Dũng) hình thành các vùng sản xuất, chế biến khoai tây; vùng trồng rau màu hàng hóa với quy mô từ 5ha đến vài chục héc ta. Có doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm triệu đồng áp dụng công nghệ cao trong sản xuất (làm khung nhà màn, nhà lưới bao kín xung quanh diện tích canh tác; lắp hệ thống vòi phun tự động tưới cho cây trồng và áp dụng quy trình chăm sóc VietGAP...). Kết quả là doanh thu hàng trăm triệu đồng/ha/vụ, cao hơn nhiều so với sản xuất nhỏ lẻ. Ngay từ năm 2017, giá trị thu nhập mỗi héc ta đã đạt trên 92 triệu đồng.

đồng bằng sông Hồng, tỉnh Thái Bình có hơn 17.400ha ruộng đất tích tụ, tập trung để sản xuất hàng hóa nông nghiệp quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản, trong đó có hơn 6.600ha được tích tụ, tập trung theo hình thức thuê đất, góp đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; gần 10.800ha diện tích gieo trồng có hợp đồng liên kết vớí 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tại 236 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các hình thức tích tụ, tập trung đều được đánh giá có hiệu quả hơn từ 1,5 đến 2 lần so với sản xuất thông thường khi chưa tích tụ, tập trung.

Tại tỉnh Hà Nam, từ năm 1997 đến nay đã 2 lần dồn điền, đổi thửa, hiện nay mỗi hộ chỉ có 1,2 - 1,7 thửa ruộng. Tỉnh đã quy hoạch 6 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 650ha; tích tụ trên 375ha đất cho doanh nghiệp thuê, thu hút 5 doanh nghiệp đầu tư vào khu quy hoạch. Các khu nông nghiệp công nghệ cao đi vào sản xuất, đã trở thành hạt nhân liên kết chuỗi giá trị với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch. Hiện nay có 81 xã tổ chức tích tụ, tập trung liên kết sản xuất trên diện tích hơn 1.600ha của hơn 5.270 hộ, với 151 mô hình sản xuất lúa, rau, củ, quả tham gia chuỗi liên kết. Tỉnh đã thành lập 13 hợp tác xã, 12 tổ hợp tác, 24 cửa hàng giới thiệu, tiêu thụ nông sản phẩm, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất, sử dụng sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Tại tỉnh Ninh Bình, toàn tỉnh đã tập trung được 800ha ruộng đất, chủ yếu là đất 2 vụ lúa và đất màu chuyển sang sản xuất lúa hàng hóa, cây dược liệu và rau, quả. Sau khi thuê mượn, liên kết ruộng đất, chủ sử dụng (cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã) đều đã tổ chức trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động. Tổng công ty giống, cây trồng và vật nuôi của tỉnh đã tập trung hơn 200ha ruộng đất để sản xuất lúa, khoai tây, đậu tương, khoai sọ, dưa lê theo chuỗi khép kín. Doanh thu đạt từ 200 - 300 triệu đồng/ha/năm. Nhiều lao động đã trở thành công nhân của Tổng công ty với mức lương 5 - 6 triệu đồng/tháng.

bắc miền Trung, cụ thể là tỉnh Thanh Hóa - địa phương có đặc điểm như cả nước thu nhỏ, có đủ các vùng miền (từ vùng núi, trung du bán sơn địa đến đồng bằng, vùng bãi ngang ven biển...) đã có nhiều mô hình hiệu quả. Trong đó huyện Nga sơn (thuộc vùng biển) đã tích tụ, tập trung được 500ha ruộng đát. Các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã đã đầu tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, có nhiều mô hình đem lại hiệu quả cao như: mô hình thâm canh cây dưa hấu tại xã Nga Trung đem lại lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng/ha/vụ; mô hình trang trại nuôi thủy sản tại xã Nga Tiến có lợi nhuận 400 - 500 triệu đồng/ha/năm... Còn tại huyện Yên Định (trung du), nông dân và doanh nghiệp liên kết duy trì sản xuất 500ha lúa, 1.200ha ớt xuất khẩu, 40=ha rau, 60ha bưởi Diễn, 150ha ngô ngọt... Đồng thời chuyển đổi 529,9ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao và xây dựng mô hình trang trại tổng hợp.

Trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 51 doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp với diện tích ruộng đất tích tụ, tập trung được 3.317,9ha; 11 hợp tác xã sản xuất rau màu các loại thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; có 5.861 hộ gia đình, cá nhân xây dựng các mô hình trang trại và nuôi trồng thủy sản. Trong trồng trọt hiệu quả tăng 1,5 - 1,7 lần so với sản xuất thông thường; sản xuất thủy sản lợi nhuận tăng 30% so với khi chưa tích tụ, tập trung ruộng đất. Các sản phẩm nói chung có sức cạnh tranh trên thị trường.

 đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể là tỉnh Kiên Giang đã diễn ra 3 hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất: Một là, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa các hộ gia đình, cá nhân với nhau, chủ yếu ở các huyện vùng tứ giác Long Xuyên, nơi có diện tích đất nông nghiệp tương đối lớn, tuy nhiên chưa được nhiều. Hai là, cho thuê quyền sử dụng đất. Đây là hình thức khá phổ biến; hộ có nhiều ruộng đất cho thuê đã đành, nhiều hộ có ít đất, thu nhập thấp cũng cho thuê rồi đi tìm kiếm việc làm ở miền Đông Nam Bộ. Ba là, hợp tác, liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Doanh nghiệp ký hợp đồng với nhiều hộ nông dân, hợp tác xã cung ứng vật tư, giống cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng.

Trong quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, cho đến nay Kiên Giang đã xây dựng được 279 hợp tác xã, 2.224 tổ hợp tác; có 15 công ty tham gia liên kết cung ứng vật tư đầu vào và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trên diện tích 47.683ha ở 11 huyện, thị, đã tạo ra nhiều cánh đồng mẫu lớn.

Kiên Giang có 2 mô hình sản xuất chủ yếu trên ruộng đất nông nghiệp, đó là chuyên canh hai vụ lúa (có một số nơi có thể làm 3 vụ) và mô hình sản xuất lúa - tôm. Năm 2017, 1ha lúa 2 vụ/năm cho lợi nhuận 35,5 triệu đồng, tuy chưa lớn lắm, nhưng cũng hơn hẳn so với sản xuất lẻ tẻ (hơn khoảng 5 triệu đồng). Còn mô hình một vụ lúa, một vụ tôm thì vụ lúa cho lợi nhuận 21 triệu đồng và vụ tôm cho lợi nhuận 29 triệu đồng, cả 2 vụ lợi nhuận là 50 triệu đồng. Kết quả này cho thấy, tích tụ, tập trung ruộng đất nông nghiệp của Kiên Giang là một tất yếu khách quan để phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, tăng thu nhập cho nông dân.

Còn nhiều trở ngại

Từ thực tế ở các địa phương nói trên, có thể rút ra một số điểm chung nhất sau đây:

Kết quả của việc tích tụ, tập trung ruộng đất là một trong những điều kiện hàng đầu để hình thành một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy lợi thế quy mô lớn, khắc phục một bước ruộng đất manh mún, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học công nghệ, trước hết là cơ giới hóa; nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

 Tích tụ, tập trung ruộng đất là giải pháp đầu tiên để chuyển từ sản xuất nhỏ, kém hiệu quả lên một nền sản xuất lớn, công nghệ cao và thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn đã tác động mạnh mẽ đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, do đó làm chuyển dịch cơ cấu dân cư, lao động theo hướng từng bước phân công lại lao động nông nghiệp, nông thôn. Một bộ phận dân cư, lao động nông nghiệp chuyển sang khu vực công nghiệp, dịch vụ. Đó là hướng chuyển dịch tích cực.

 Xã hội nông thôn đã có những biến đổi sâu sắc. Chủ trương “ly nông bất ly hương” đang từng bước được thực hiện. Việc làm mới đang từng bước được tạo ra khá phong phú. Cuộc sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn đang từng bước được cải thiện, nâng cao, tiến bộ, văn minh hơn...

Song song với những thành tựu bước đầu đã đạt được thì tích tụ, tập trung ruộng đất nông nghiệp cũng đang tồn tại những hạn chế, khó khăn và trở ngại.

Trong quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất đã xuất hiện hai trạng thái trái ngược nhau. Có những nơi ở đồng bằng sông Hồng nông dân bỏ ruộng (giao lại ruộng đất cho chính quyền) để đi tìm việc làm khác. Vì vài ba sào ruộng, dù có thâm canh cao độ cũng không đủ bảo đảm cuộc sống của gia đình (trong khi thuần nông thì không có việc gì khác để có thêm thu nhập). Lại có những nơi, nông dân nhất thiết phải giữ lấy ruộng đất, “người cày phải có ruộng”, một thứ tài sản không thể thiếu, không giao, không bán cho ai cả.

Ngay cả các Luật Đất đai từ năm 1987 đến năm 2013, ở những thời gian đó việc quy định “hạn mức giao đất nông nghiệp” như tại Điều 129 và “hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân” tại Điều 130 của Luật Đất đai năm 2013 cũng thiên về giữ đất, chia việc đều cho lao động nông nghiệp, nông thôn. Điều đó dẫn đến hiện nay gọi là “cánh đồng mẫu lớn”, “trang trại, nông trại”, “vùng sản xuất hàng hóa”... nhưng phần lớn cũng chỉ có 5ha cho đến 30ha.

Việc tích tụ, tập trung ruộng đất phải tuân theo một nguyên tắc quan trọng là bảo đảm lợi ích hài hòa giữa hộ nông dân có ruộng đất và người tích tụ, tập trung ruộng đất. Nhưng vừa qua nguyên tắc này có những nơi chưa được tuân thủ đầy đủ, mà phần thiệt là thuộc về hộ nông dân. Ở một vài nơi đã xuất hiện hiện tượng đầu cơ ruộng đất, làm méo mó thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Một bộ phận nông dân sau khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chưa tìm được việc làm mới đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống...

Tất cả những vấn đề trên đây và nhiều việc khác đã làm cho tốc độ tích tụ, tập trung ruộng đất chậm lại, ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn theo chuỗi giá trị. Trong thời gian tới phải được xử lý cặn kẽ, thấu đáo hơn trong từng việc để thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất nhanh hơn nữa theo chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Bùi Ngọc Thanh