Chọn nhân sự - Lựa nhân tài: Kiến tạo Chiến lược phát triển nhân tài quốc gia

Bài 2: Đổi mới tầm nhìn chiến lược

- Thứ Sáu, 02/10/2020, 10:03 - Chia sẻ
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói rằng, “Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc, không sợ khó khăn. Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật”.

Nói khái lược, người lãnh đạo, quản lý là người nhìn ra, nắm được chân lý, hành xử tất cả vì chân lý một cách kiên quyết, không gì cản nổi theo cách thật sự tràn đầy nhân nghĩa, vì lợi ích của cộng đồng, vì sự phát triển của quốc gia dân tộc. Họ nắm lấy và hành động hai điều đó một cách có chân lý. Nói như tiền nhân thì: Chân lý bất vong, nhân nghĩa vĩnh tồn (chân lý không chết, nhân nghĩa mãi còn). Đó cũng chính là tiêu chí để nhận ra, đồng thời là thước đo cao thấp, đúng sai… đối với nhân tài lãnh đạo, quản lý.

Vì thế, để có đội ngũ này, nhất định phải xây dựng chiến lược phát triển nhân tài mang tầm vóc quốc gia, với tầm nhìn dài hạn, tương dung với đất nước và thế giới đương đại. 

Trong rất nhiều việc, nổi bật trước mắt, có 4 loại việc lớn cần làm:

Một là, kiến lập Chiến lược Phát triển nhân tài quốc gia và đặt việc kiến tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong đó, để nắm lấy thời thế và dẫn dắt đất nước trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Sự bùng nổ của cách mạng thông tin - truyền thông và Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang thay đổi diện mạo và tốc độ phát triển toàn cầu trong thế giới “phẳng” và không phẳng. Đây là cơ hội mới cho Việt Nam, có thể nói, hoặc là chỉ là hôm nay hoặc là không biết khi nào. Nếu xem thời cơ là lực lượng hiện thực thì cuộc cách mạng công nghiệp mới này, là thời cơ trăm năm.

Các học viên tại Lễ bế giảng Lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch chiến lược khóa XIII, lớp thứ năm, tháng 9.2020

Không thể do dự, phải chủ động nắm lấy và thực thi một cách quyết liệt, với những đột phá, tạo những “cú nhảy” bứt phá trên con đường phát triển, nếu không muốn đứng ngoài thế giới hoặc tụt hậu vô phương cứu vãn. Nó là động lực đột phá to lớn để hội nhập và phát triển. Cố nhiên, cũng là thách thức khắc nghiệt, nếu chúng ta không tiên lượng và có được những cải cách tương ứng và kịp thời. Hơn hết bao giờ, không chỉ cần có khát vọng, niềm tin, mà phải cấp bách lựa chọn ưu tiên và quyết liệt xây dựng, thực thi Chiến lược Phát triển nhân tài quốc gia. Đây chính là động lực căn bản mang tầm đột phá chiến lược để nắm lấy và làm chủ thời cơ phát triển trăm năm.  

Lịch sử chứng minh, không một quốc gia nào có thể làm nên kỳ tích phát triển nếu không có bộ máy lãnh đạo quốc gia xứng tầm và bộ máy công quyền ưu tú. Những nơi ấy sẽ không chỉ là nơi tụ hội nhân tài mà còn là môi trường tương hợp để họ làm việc, thể hiện tư cách và tài năng một cách tin tưởng. Đổi mới mô hình tổ chức, cơ chế vận hành, trước mắt thanh lọc bộ máy lãnh đạo và công quyền sao cho thật sự trí tuệ, tinh hoa, tinh thông, nhân văn và liêm chính bảo đảm tương dung với công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, phải là việc cấp bách, thậm chí nóng bỏng hiện nay. Kinh nghiệm lịch sử cũng chỉ rõ rằng, nếu toàn xã hội và đến lượt mỗi người không đồng tâm vun đắp xây dựng một nền văn hóa cao cả về tầm nhìn, cao quý về nhân văn, uyên bác về trí tuệ, cao thượng về nhân cách, và luôn khắc sâu trong tâm khảm mình tình yêu thương đồng bào và trách nhiệm với Tổ quốc, thì không hy vọng có được đội ngũ nhân lực chất lượng cao như kỳ vọng. 

Do vậy, phải đổi mới tầm nhìn chiến lược nhằm kiến tạo cho kỳ được nền móng bảo đảm cho sự phát triển mới: Huy động nguồn nhân lực và đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao; không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước mà Việt Nam phải là nơi hội tụ được tài năng và nguồn nhân lực từ bên ngoài và thế giới. Vì thế, cần tìm kiếm tài năng từ mọi ngõ ngách, không kể nguồn gốc và điều kiện xuất thân; trân trọng sử dụng tinh hoa và kinh nghiệm quốc tế. Và, điều cần khắc sâu là, cả xã hội dành cho những người gánh vác sứ mệnh dẫn dắt dân tộc ngẩng đầu, với sự trân trọng thành tâm, sự ủng hộ nhiệt thành và tình yêu vô hạn. 

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản