Gỗ hợp pháp - một mục tiêu, nhiều lợi ích

Bài 2: Gợi ý nào cho Việt Nam?

- Thứ Năm, 01/07/2021, 06:10 - Chia sẻ
Mặc dù, thực hiện gỗ hợp pháp trong đấu thầu là vấn đề mới đặt ra ở Việt Nam cùng với quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định VPA-FLEGT và sửa đổi Luật Lâm nghiệp. Tuy nhiên, đây không phải vấn đề mới ở cả các nước phát triển và đang phát triển.

Từ kinh nghiệm quốc tế

Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định VPA-FLEGT ban hành kèm theo Quyết định số 1624/QĐ-TTg ngày 14.11.2019 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật về mua sắm công liên quan tới gỗ và sản phẩm gỗ.

Với các nước phát triển như EU, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản… yêu cầu về gỗ hợp pháp trong mua sắm công được đặt ra mạnh mẽ trong khoảng một hai thập kỷ trở lại đây cùng với sự xuất hiện của các chính sách lớn về gỗ hợp pháp ở các nước này. Chẳng hạn, ở EU là Kế hoạch hành động FLEGT năm 2003 và Quy định về gỗ năm 2013; Hoa Kỳ là Luật Lacey sửa đổi năm 2008; Australia là Luật Chống gỗ bất hợp pháp năm 2012; Nhật Bản là Luật Thúc đẩy phân phối và sử dụng gỗ khai thác hợp pháp năm 2016…

Với các nước đang phát triển, trong đa phần các trường hợp tương tự Việt Nam, vấn đề gỗ hợp pháp nói chung và gỗ hợp pháp trong mua sắm công nói riêng được đặt ra khi EU thực thi Quy định về gỗ 2013 và triển khai việc đàm phán, ký kết các VPA- FLEGT với các nước là nguồn cung gỗ chủ yếu vào EU. Trên cơ sở chính sách bao trùm về gỗ hợp pháp, nhiều nước đã ban hành và thực thi các chính sách về gỗ hợp pháp trong mua sắm công. 

Vương quốc Anh có một chính sách riêng về mua sắm công đối với gỗ, gắn liền với Quy định về gỗ của EU. Yêu cầu cốt lõi trong chính sách này là chỉ có gỗ, các sản phẩm gỗ từ các nguồn hợp pháp và bền vững mới được phép cung cấp và sử dụng bởi các cơ quan nhà nước ở Anh. Chính sách này cũng đòi hỏi phải có các bằng chứng chứng minh gỗ đáp ứng yêu cầu nói trên. So với nhiều nước, kể cả các nước phát triển, chính sách về gỗ của Anh có mức yêu cầu cao, không chỉ là “gỗ hợp pháp” (tuân thủ pháp luật) mà còn là “gỗ bền vững” (đòi hỏi thực hiện cả các yêu cầu từ góc độ xã hội - văn hóa, môi trường).

Hay, kinh nghiệm của Ghana - quốc gia này ký VPA-FLEGT với EU năm 2009, từ đó tới nay vẫn đang trong quá trình triển khai xây dựng Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp. Mặc dù trước đó đã có một số quy định liên quan, sau khi VPA-FLEGT có hiệu lực, hệ thống pháp luật nội địa của Ghana có thêm nhiều quy định về gỗ hợp pháp, gỗ bền vững và bảo vệ tài nguyên rừng. Đồng thời, Ghana thiết lập thêm nhiều thiết chế để kiểm soát thương mại gỗ, cùng rất nhiều loại giấy phép, chứng chỉ liên quan tới hoạt động kinh doanh gỗ cũng như xác nhận tính hợp pháp của gỗ.

Yêu cầu về gỗ hợp pháp trong mua sắm công ở Ghana là các cơ quan nhà nước, các nhà thầu và nhà thầu phụ của họ phải bảo đảm chỉ mua gỗ và các sản phẩm gỗ từ rừng được khai thác hợp pháp và/hoặc bền vững; từ các nguồn hợp pháp khác.

Gỗ hợp pháp là mối quan tâm của nhiều quốc gia - Nguồn: ITN

Đến thực tiễn của Việt Nam

Tại Khoản 1, Điều 13, Hiệp định VPA-FLEGT, Việt Nam cam kết sẽ bảo đảm tính hợp pháp của các sản phẩm gỗ được tiêu thụ tại thị trường trong nước. Với cam kết này, Việt Nam có nghĩa vụ bảo đảm toàn bộ gỗ, sản phẩm gỗ chế biến tiêu thụ tại thị trường nội địa, trong đó có sản phẩm gỗ mua sắm theo thủ tục đấu thầu phải là gỗ hợp pháp.

Hiệp định VPA-FLEGT không có cam kết cụ thể nào yêu cầu Việt Nam phải sửa đổi pháp luật đấu thầu để bổ sung các tiêu chí bảo đảm gỗ hợp pháp trong các gói thầu mua sắm sản phẩm gỗ. Đây cũng là cách thức bình thường trong các thỏa thuận quốc tế. Theo đó, thỏa thuận chỉ bao gồm các cam kết của các bên mà không can thiệp vào cách các bên sẽ thực thi các cam kết đó trong pháp luật nội địa. Mỗi bên sẽ căn cứ vào yêu cầu của cam kết, hiện trạng hệ thống pháp luật, cơ chế và tổ chức bộ máy nội bộ của mình để quyết định các vấn đề thực thi, trong đó có việc nội luật hóa cam kết, nếu cần.

Sau khi Hiệp định VPA-FLEGT có hiệu lực, pháp luật đấu thầu là một trong những hệ thống phải được rà soát để đánh giá mức độ tương thích với hiệp định và điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để thực thi hiệp định, nếu cần.

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, từ góc độ pháp lý, bên mời thầu chỉ có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật đấu thầu. Do hiện tại pháp luật đấu thầu không có yêu cầu nào về tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ nói chung và tính hợp pháp của gỗ, sản phẩm gỗ nói riêng, bên mời thầu trong các trường hợp mua sắm sản phẩm gỗ rủi ro cao về tính hợp pháp nói trên không vi phạm bất kỳ quy định pháp luật đấu thầu nào.

Vì vậy, để bảo đảm gỗ hợp pháp trong các gói thầu mua sắm sản phẩm gỗ, qua đó thực hiện đúng cam kết VPA-FLEGT, pháp luật đấu thầu của Việt Nam cần thiết phải quy định về gỗ hợp pháp như là tiêu chí bắt buộc trong hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu, trong quá trình lựa chọn nhà thầu, ký, thực hiện và thanh lý hợp đồng. Một khi có quy định “cứng” của pháp luật, bên mời thầu sẽ phải tuân thủ và đưa ra yêu cầu tương ứng với nhà thầu về gỗ hợp pháp; tương ứng với đó, bên dự thầu cũng sẽ phải bảo đảm gỗ hợp pháp để được lựa chọn, thanh lý hợp đồng.

Đình Khoa