Kinh tế Nhà nước: Vì sao chủ đạo và để xứng đáng vai trò chủ đạo?

Bài 2: Không bỏ mặc thị trường

- Thứ Ba, 17/11/2020, 06:50 - Chia sẻ

Từ thực tiễn hiện nay, tối thiểu phải giải quyết ba loại công việc cần kíp về nhận thức luận. 

Từ nắm lấy và không bỏ mặc thị trường… 

Một là, nắm lấy nguyên lý thị trường. Lâu nay, nhiều người nói đến kinh tế thị trường nhưng ít thấy những luận giải dễ hiểu chỉ ra tầng sâu bản chất nguyên lý vận hành của thị trường giúp Nhân dân thấy được nguyên lý thị trường đó thực ra gần gũi và phổ quát với những cảm nhận của con người về lẽ công bằng. Từ đó làm rõ vấn đề: Khi kinh tế thị trường vận hành với nguyên lý như thế thì vai trò quản lý kinh tế của Chính phủ sẽ như thế nào? 

Dễ hiểu nhất, nguyên lý thị trường thực chất là lẽ công bằng, cụ thể hơn đó là công bằng trong địa hạt kinh tế. Theo đó, thành quả sẽ phụ thuộc vào nỗ lực, phát triển dựa trên những đầu tư, các tố chất con người được đề cao và vinh danh. Dựa theo nguyên lý thị trường, một cá nhân hay doanh nghiệp muốn thành công bao nhiêu thì phải bỏ ra nỗ lực tương xứng, đó chính là động lực khiến mọi người cùng cố gắng vì họ biết mình sẽ đạt thành tựu. Động lực khiến từng con người cố gắng cũng chính là động lực khiến cả nền kinh tế phát triển. Nguyên lý phổ quát đó phải được bảo vệ, vì nếu bị xâm phạm sẽ triệt tiêu động lực phát triển kinh tế của con người. Khi một doanh nghiệp thành công hơn doanh nghiệp khác nhưng không phải từ những cố gắng chính đáng của họ mà do thủ lợi từ các chính sách can thiệp hay bất cứ điều gì gọi là “ngoại lệ”... thì vô hình bóp chết động lực của sự phát triển. Pháp luật bị “khoanh vùng”, thì đó là điều tối kỵ, nếu không nói là tạo ra “huyệt tử” trong sự phát triển thị trường. V.I. Lenin gọi đó là “sự man rợ”. 

Khi Chính phủ ban hành một chính sách điều tiết kinh tế nặng về can thiệp hay bảo trợ thiên lệch, nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thì thực chất là xâm phạm vào sự vận hành của nguyên lý thị trường trên nền tảng công bằng. Điều đó chẳng khác nào cho doanh nghiệp một “phao cứu hộ”, một “sợi dây bảo hiểm" thất bại, làm đổ vỡ kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Vô hình trung, chính sách đã thủ tiêu tính công bằng, làm nản lòng và triệt tiêu động lực phát triển của doanh nghiệp. Khi đó sẽ xảy ra tình trạng các doanh nghiệp được o bế, bảo hộ chỉ lo bằng mọi cách, kể cả thủ đoạn, đeo bám quan chức và mua chuộc Chính phủ, thay vì nỗ lực chủ động sản xuất, kinh doanh; tạo nên sự bất bình đẳng trong các loại hình doanh nghiệp, các khu vực của nền kinh tế chỉnh thể và thống nhất của đất nước, vốn như nó cần phải có. Cải cách doanh nghiệp đang là khâu đột phá theo nguyên tắc thị trường mà chúng ta kiên quyết thực thi. Chúng ta cần và nhất định phải xây dựng một Chính phủ điều hành sáng tạo và liêm chính trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chính là ở chỗ này. 

Hai là, từ nắm lấy nguyên lý thị trường dẫn tới điều tối thiểu không thể không làm: Không thể bỏ mặc thị trường. Nguyên lý thị trường có bản chất là hệ giá trị của lẽ công bằng. Nhưng nếu để nó phát triển đến tận cùng sẽ dẫn đến tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, mạnh được yếu thua, “kinh tế vị kinh tế”, gây phương hại đối với đời sống không chỉ chính kinh tế mà cả đời sống chính trị và xã hội. Để khắc chế tình trạng ấy, luật pháp sẽ có mặt: Quy định, uốn nắn, điều chỉnh nhằm hạn chế những mặt trái phát tác của thị trường. Để kinh tế phát triển thì phải duy trì động lực cố gắng của các doanh nghiệp, đồng nghĩa với bảo vệ lẽ công bằng cũng tức là tôn trọng các nguyên lý thị trường. Theo đó, việc cần làm là, Chính phủ không thể can thiệp vào thị trường bằng các quyết sách cụ thể, thậm chí vụn vặt vốn thuộc các cơ quan khác thuộc Chính phủ. Chính phủ cần đứng đúng ở vị trí cần đứng là cơ quan hành chính hoặc cơ quan hành pháp có vai trò quản lý tổng thể và dẫn định các định chế vĩ mô, kiểm soát các quy định của pháp luật trong thực tiễn và kiểm tra, giám sát việc tuân thủ thực hiện. Định hướng xã hội chủ nghĩa ở bình diện này chính là vậy, vì đơn giản là, không được bỏ mặc thị trường!

… đến can dự và chế ước thị trường

Ba là, từ nắm lấy thị trường, không bỏ mặc thị trường tất yếu phải can dự và chế ước thị trường theo chủ kiến chính trị. Cho tới hiện giờ, khi nhiều người nhìn một cách phiến diện và cho rằng, kinh tế Việt Nam chậm phát triển là do xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN và đổ lỗi cho DNNN đã làm méo mó nền kinh tế thị trường, chứ họ chưa hiểu hoặc do chưa nắm trúng vai trò cần có của Chính phủ, như vừa trình bày. Lỗi nằm ở chính phương diện tổ chức thực tiễn. Và sự thật, chúng ta đã có lúc có nơi chỉ đạo chưa phù hợp, thậm chí chủ quan, có phần làm thay chức năng doanh nghiệp, trong khi thực chất cần chỉ rõ nhân tố định hướng XHCN bị lạm dụng, vô hình tạo ra thẩm quyền quá lớn cho Chính phủ trong việc can thiệp vào thị trường, DNNN, trong khi đây chỉ là một trong số các công cụ do Chính phủ nắm giữ để dẫn dắt và khắc chế những lệch lạc của sự vận hành nền kinh tế thị trường. Đó là tình trạng “nhảy cực” trong nhận thức và “lạm dụng” trong thực thi vai trò điều tiết, thậm chí bị chi phối cả “lòng tốt thân hữu”, “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích”, “khu biệt đối xử” khác nhau giữa các loại hình doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp... đã làm rối loạn thị trường, cần phải chỉnh đốn. Hiến pháp năm 2013 đã khắc phục một bước rất cơ bản điều đó, và định chế rất nhiều công việc chính lý, chính pháp theo chức năng, vị trí, vai trò và trọng trách của Chính phủ.

Nếu Nhân dân tham gia xây dựng chính sách, phản biện chính sách và giám sát quá trình thực hiện thì sẽ hỗ trợ khắc phục những hạn chế của thị trường và sự quan liêu của Nhà nước nhằm xây dựng và đổi mới thể chế kinh tế, để nó không dừng lại ở mong muốn chủ quan và nền kinh tế thị trường mà chúng ta xây dựng không trở nên hoang dại ngay ở những bước sơ khởi, thể chế nhà nước sẽ khó có nguy cơ sa vào quan liêu, tham nhũng, lạm quyền và lộng quyền, như chúng ta lo ngại. Nghĩa là, càng xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại và hoàn bị, càng cần một Nhà nước mạnh và hiệu quả. Không có Nhà nước mạnh và điều tiết hiệu quả thì không có nền kinh tế thị trường nhằm bảo vệ Nhân dân; và càng không thể nói tới một hệ thống luật pháp tốt khi nó còn khập khiễng và một chính quyền bảo vệ Nhân dân theo nghĩa là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân với một bộ máy cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả, thậm chí yếu đuối và tham nhũng, lợi ích nhóm, cục bộ... trong nền kinh tế thị trường. Đến lượt mình, Nhân dân là người trực tiếp giám sát, kiểm soát những tật bệnh nảy sinh trong quá trình vận động của nền kinh tế mà những người được ủy quyền điều hành nền kinh tế quốc gia tất dễ phạm phải. Lúc này, đối với chúng ta, kinh tế là chính trị, là văn hóa và là đạo đức, chính là bản chất của sự phát triển kinh tế quốc gia, thông qua sử dụng và phát triển kinh tế thị trường.

Đó là ba điều cần thiết tối thiểu trong việc “đối xử” với kinh tế thị trường, mà chúng ta phải nắm lấy, cái mà chúng ta không thể không cảnh giới. Ở khía cạnh này, có thể xem nó là “con dao hai lưỡi” hay “con ngựa bất kham”, trên lộ trình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, phải chủ động tiên liệu và khắc chế.

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản