Quản lý việc cấp mã số vùng trồng nông sản

Bài 2: Không chỉ xuất khẩu mới cần mã số vùng trồng

- Thứ Tư, 29/09/2021, 06:30 - Chia sẻ
Việc thiết lập và quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói hiện mới triển khai chủ yếu đối với các mặt hàng xuất khẩu, theo yêu cầu cụ thể của nước nhập khẩu. Tại cuộc làm việc mới đây với Cục Bảo vệ thực vật, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan yêu cầu không phân biệt xuất khẩu hay tiêu dùng trong nước, phải xây dựng được các vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản.

Để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích mã số vùng trồng

Những lợi ích của mã số vùng trồng đã được chứng minh trên thực tế. Khi được cấp mã số vùng trồng, các sản phẩm sẽ đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, độ an toàn và giúp người bán tiêu thụ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung, so với tiềm năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam thì việc cấp mã số vùng trồng cho các loại rau, hoa, quả... còn quá thấp.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có số lượng vùng trồng được cấp mã số lớn nhất, chiếm hơn 36% tổng mã số đã cấp trên toàn quốc. Tuy nhiên, nếu mỗi mã số vùng trồng tương ứng với khoảng 6 - 10ha thì số lượng vùng trồng được cấp mã số vẫn còn khiêm tốn so với tổng diện tích khoảng 300.000ha trồng cây ăn quả của vùng. Các địa phương của đồng bằng sông Cửu Long chưa thật sự quan tâm xây dựng vùng trồng đạt yêu cầu cấp mã số mà chỉ chú trọng mở rộng quy mô, diện tích sản xuất. Cùng với đó, tập quán canh tác tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư của người nông dân cũng chưa phù hợp cho việc cấp mã số vùng trồng.

Lý giải về thực trạng diện tích cây trồng được cấp mã vùng thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu thực tế, Giám đốc Hợp tác xã Hòa Lộc (huyện Cái Bè, Tiền Giang) Nguyễn Văn Thực cho rằng, người dân và doanh nghiệp nhiều nơi chưa hiểu rõ những lợi ích mã số vùng trồng mang lại. Bên cạnh đó, không có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm nên nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức tới giám sát, quản lý mã vùng trồng.

Ngoài ra, theo Cục Bảo vệ thực vật, việc triển khai cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu gặp nhiều vướng mắc vì những lý do khác. Về khách quan, để hoàn thành mở cửa thị trường và cấp mã số vùng trồng thường kéo dài 3 - 15 năm tùy theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, sản phẩm phải được đóng gói và xử lý chiếu xạ hoặc xử lý hơi nước nóng (tùy theo quy định của từng thị trường)… không phải người dân, doanh nghiệp nào cũng đủ nguồn lực để thực hiện. Đó là chưa kể việc này còn liên quan đến nhiều khâu, đòi hỏi sự phối hợp giữa nông dân, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu… cũng là rào cản.

Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, cơ quan quản lý cần đặt vào vị trí người nông dân, làm cho họ thấy được lợi ích của việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi. Từ đó triển khai theo phương châm đơn giản làm trước, để nông dân dễ tiếp cận, làm theo. “Có thể bắt đầu từ các tổ hợp tác đơn giản nhưng có người đứng đầu để có thể thống nhất quy trình sản xuất, sau đó nâng cấp thành các hình thức hợp tác quy mô hơn. Quan trọng là để họ thấy được lợi thế, lợi ích, nâng cao được thu nhập từ việc tham gia”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan kiểm tra tại vùng trồng vải thiều xuất khẩu của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang)

Ưu tiên các sản phẩm chủ lực

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang mở rộng cấp mã số trên cả cây trồng và vật nuôi, gắn với việc xây dựng các vùng nguyên liệu lớn để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường khác nhau. Việc cấp mã số vùng trồng cho tiêu thụ nội địa được giao cho Cục Trồng trọt; cấp mã số vùng nuôi thủy sản được giao cho Tổng cục Thủy sản.

Là đơn vị có kinh nghiệm cấp mã số vùng trồng cho các sản phẩm xuất khẩu, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung kiến nghị, ưu tiên cấp mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực của địa phương, có sản lượng lớn, phục vụ cả xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Ông Hoàng Trung nhấn mạnh, trước khi mở rộng ra các đối tượng cây trồng khác thì cần tập trung cho các cây trồng chủ lực lâu nay, đây sẽ là cơ sở để các địa phương xây dựng vùng sản xuất cho phù hợp.

Kinh nghiệm từ Cục Bảo vệ thực vật cho thấy, để phát triển vùng trồng bền vững, có sản phẩm tốt đưa ra thị trường thì việc trước tiên cần làm là các địa phương rà soát, quy hoạch vùng trồng, vùng xuất khẩu để cấp mã số vùng trồng. Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương tiến hành tập huấn và xây dựng bộ tài liệu cho từng cây trồng cụ thể ở các địa phương mang tính chất cây trồng đặc thù. Từ đó, tổ chức thực hiện xây dựng và kiểm tra, đánh giá và xây dựng mã số vùng trồng. Việc mã số vùng trồng của địa phương sẽ chuẩn hóa và chuyển cho các nước nhập khẩu các hàng hóa nông sản.

Việc cấp mã số đã khó, giám sát việc tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm tại các vùng trồng đã được cấp mã số còn khó hơn nhiều. Cục Bảo vệ thực vật lưu ý các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh hiện tượng các cơ quan chuyên môn xuống kiểm tra thì làm tốt, sau đó không tuân thủ quy định. Cục cũng đề nghị các doanh nghiệp chủ động các biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo cho các cơ quan quản lý khi phát hiện các vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để cùng phối hợp xử lý. Thông tin thường xuyên với các cơ quan quản lý về vùng trồng, nhà đóng gói cũng như quản lý hàng hóa xuất khẩu từ những mã số của mình.

Chi An