“Đấu tranh phòng, chống tham nhũng - quyết tâm và hành động”

Bài 2: Kiên quyết, nghiêm minh và nhân văn

- Thứ Ba, 22/12/2020, 08:20 - Chia sẻ
Từ sau khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo), nhất là từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm, rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình.

Đây là một trong những kết quả quan trọng nữa được khẳng định tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020 vừa qua. Kết quả này một lần nữa minh chứng cho quyết tâm chính trị cao, nói đi đôi với làm của Đảng và Nhà nước ta.

Đúng người, đúng tội, đúng pháp luật

​​​​“Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng có nhiều chuyển biến tích cực; việc kê biên, thu giữ tài sản trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, thì bình quân giai đoạn 2013 - 2020, đạt 32,04%. Công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"; nhiều địa phương, bộ, ngành đã chú ý ngăn chặn, xử lý tệ "tham nhũng vặt"".

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng

Một trong những "khâu khó" làm chậm tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nhiều lần được Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo chỉ ra, đó là mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng có chức năng phòng, chống tham nhũng còn yếu, chưa hiệu quả, thì hiện đã cơ bản được khắc phục. Và không dừng ở kết quả, sự chuyển biến này được tổng kết thành kinh nghiệm, bài học. Đúng với tinh thần “cái nào đã rõ, đã chín, đã thống nhất rồi, thì đưa ra xét xử sớm, không chờ, rõ đến đâu làm đến đấy - đây là kinh nghiệm đã làm, đã nói nhiều lần rồi”, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước lưu ý.

Thống kê cho thấy, từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ (ở cấp độ Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo là 133 vụ án, 94 vụ việc; cấp độ Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc là 31 vụ án, 5 vụ việc; cấp độ tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng bộ, ngành chỉ đạo xử lý là hơn 600 vụ án, vụ việc). Trong số 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm thuộc diện Ban chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (một Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...).

Thực tế cho thấy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng quyết tâm chính trị cao của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chỉ đạo, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo, công tác phối hợp đã được triển khai sớm và dưới nhiều hình thức, nhiều cấp độ một cách hệ thống, bài bản giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các cơ quan tiến hành tố tụng, các bộ, ngành, địa phương có liên quan. Điều này đã giúp hình thành một cơ chế phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ. Qua đó, kịp thời lựa chọn những vụ án, vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, dư luận quan tâm đưa vào diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; đồng thời tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc. 

Các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán và cơ quan tố tụng đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng. Sau khi thanh tra, kiểm toán, phát hiện các vụ việc nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm, các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán… đã kịp thời chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra. Đặc biệt, công tác kiểm tra, xử lý kỷ luật đảng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương được thực hiện trước, đã tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng xử lý các bước tiếp theo, nhất là đối với người từng có chức vụ cao trong Đảng, Nhà nước.

Cùng nhìn lại công tác phối hợp giữa Tòa án và Viện kiểm sát qua một vụ án cụ thể để thấy rõ hơn những chuyển động từ thực tế: Vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và đồng phạm “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Đây là vụ án dư luận xã hội rất quan tâm, diễn biến phức tạp, phải giải quyết ở nhiều giai đoạn. Ngay sau khi Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ban hành cáo trạng truy tố theo đúng tiến độ của Ban Chỉ đạo thì chỉ 2 ngày sau, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Kết quả giải quyết vụ án này đã đáp ứng các yêu cầu về chính trị, pháp luật và bảo đảm đúng tiến độ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo, đáp ứng được sự kỳ vọng của dư luận xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự công minh, chính trực và hiệu quả của bộ máy Nhà nước.

“Truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả vùng”

Từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua cũng cho thấy, trong quá trình điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng phải bảo đảm yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ. Cơ quan điều tra phải xây dựng kế hoạch và các giải pháp, bước đi phù hợp, theo đúng phương châm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Trưởng ban Chỉ đạo, đó là: Làm từng bước vững chắc, kết luận điều tra từng phần, điều tra rõ đến đâu kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị truy tố, xét xử đến đó, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu, không để vụ án kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân. Những vấn đề phức tạp khác, cần có thời gian thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ sẽ được tiếp tục điều tra mở rộng và đề nghị xử lý trong giai đoạn tiếp theo của các vụ án; không vì lý do vướng mắc về áp dụng pháp luật và phối hợp trong hoạt động tư pháp để vụ án kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Kinh nghiệm quá trình điều tra cũng cho thấy, hành vi phạm tội có sự đan xen, gắn kết giữa hành vi vi phạm trật tự quản lý kinh tế, chức vụ và hành vi tham nhũng; đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, có cả cán bộ cấp cao, cả cán bộ trong lực lượng chống tham nhũng, có kiến thức và kinh nghiệm, dùng mọi thủ đoạn đối phó, né tránh, che giấu sai phạm, tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản do phạm tội mà có... gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Tuy nhiên, cũng có nhiều người là cán bộ, công chức, người lao động phụ thuộc chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của đối tượng phạm tội là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, bị ràng buộc bằng cơ chế hành chính, mệnh lệnh, chưa nhận thức rõ hành vi phạm tội. Do vậy, kinh nghiệm từ Bộ Công an cho thấy, quá trình điều tra xử lý phải xem xét đánh giá đúng bản chất của vụ án, phân hóa vai trò, trách nhiệm của từng đối tượng để quyết định xử lý phù hợp, “thấu tình, đạt lý”, “rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn”, “truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả vùng”; xử lý nghiêm những người chủ mưu cầm đầu có hành vi sai phạm vì động cơ vụ lợi, cá nhân, đồng thời bảo vệ khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, bứt phá, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung, lợi ích chung.

Đúng người, đúng tội, đúng pháp luật - đây là một trong những kết quả rất lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua. Đúng như tổng kết của Người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta tại phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo mới đây nhất (tháng 11.2020), đó là “vừa qua không vướng gì về luật pháp, tất cả là chúng ta đều làm theo đúng luật pháp, cho nên không ai cãi được”. Minh chứng là hầu hết các đối tượng bị xử lý đều nhận thức rõ sai phạm của mình, tâm phục khẩu phục, ăn năn, hối lỗi, xin lỗi Đảng, Nhà nước; có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. Đã xử lý dứt điểm nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, cả những vụ tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm trước, với nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự, cả Ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang.

Những kết quả và kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn cho thấy hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng vốn làm chậm tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo ráo riết, quyết liệt từ Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, Trưởng ban chỉ đạo, đã và đang được tập trung khắc phục triệt để. Điều này tạo chuyển biến lớn mang tính bước ngoặt trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta, khẳng định quan điểm “biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế”. Đúng như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo từng nói: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”.

Lam Giang