Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững - từ góc độ cơ quan dân cử địa phương

Bài 2: Những bài học đắt giá

- Thứ Tư, 15/09/2021, 07:39 - Chia sẻ
“Từ thực tế, chúng ta đã chứng kiến và rút ra rất nhiều bài học đắt giá về ô nhiễm môi trường đất, không khí, nguồn nước, thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, dịch bệnh lan tràn. Đại dịch Covid-19 chính là một lời cảnh tỉnh sâu sắc nhắc nhở tất cả chúng ta phải quan tâm đến môi trường sống và sức khỏe con người…”. Khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 mới đây cũng chính là những vấn đề cấp bách, là thách thức lớn đặt ra hiện nay, từ quy mô toàn cầu đến quốc gia, dân tộc, ở góc độ vi mô là từng địa phương.

Không chỉ ở diễn đàn Quốc hội mà ở diễn đàn các kỳ họp HĐND các địa phương, nhất là cấp tỉnh, vấn nạn ô nhiễm môi trường luôn luôn được đặt ra để bàn thảo, chất vấn tìm giải pháp khắc phục. Trong hoạt động giám sát chuyên đề, nhất là giám sát việc giải quyết các kiến nghị chính đáng của cử tri, giải quyết ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề được đặc biệt quan tâm tìm giải pháp khắc phục… Mặc dù chính quyền địa phương nhiều nhiệm kỳ qua đã có nhiều nỗ lực nhưng không ít vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để, trở thành điểm “nóng” từ kỳ họp này đến kỳ họp khác, từ cuộc TXCT này đến cuộc TXCT khác, cử tri vẫn kiến nghị, bức xúc… đồng nghĩa với việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, hiệu quả trên thực tế.

Hậu quả tất yếu của tình trạng ô nhiễm môi trường sống kéo dài, khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, nhất là tình trạng phá rừng chính là biến đổi khí hậu, là thiên tai, dịch bệnh hoành hành, đe dọa sinh mạng và tác động sâu sắc đến sinh kế của người dân. Theo Ngân hàng thế giới, Việt Nam nằm trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng (Theo phân tích so sánh, Tác động của nước biển dâng tại các nước đang phát triển (World Bank, 2007). Riêng trong năm 2020, thời tiết cực đoan đã gây thiệt hại gần 1% GDP, xóa sạch thành quả hàng chục năm về giảm nghèo của nhiều vùng. Và thực tế đã có những bài học cảnh tỉnh đắt giá.

Thiên tai khó lường

Không chỉ đến đêm Giao thừa Tết Canh Tý 2020 xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa rào, mưa đá và sấm sét, người ta mới nghĩ đến các hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ và bắt đầu có những cảnh báo, mà biến đổi khí hậu đã diễn ra âm thầm, lặng lẽ từ rất nhiều năm về trước đến nay mới ồn ào, bùng nổ. Tác hại của biến đổi khí hậu có thể thấy rõ nhất hiện nay là nước biển dâng, tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ngày càng phức tạp, nhất là tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Xâm nhập mặn không chỉ làm chết rừng ngập mặn mà còn khiến cơ sở hạ tầng giao thông, đê điều bị hư hại, dịch bệnh diễn biến phức tạp trên người và cây trồng, vật nuôi. Từ những tác động đó dẫn tới ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng - an ninh và cụ thể hơn nữa là cuộc sống của hàng chục triệu người dân nơi đây bị xáo trộn.

Ngoài vấn đề trái đất đang nóng lên, nước biển dâng, xâm nhập mặn, 2020 cũng là một năm đầy đau thương bởi ảnh hưởng của các trận bão lũ. Các đợt lũ lụt ở miền Trung năm 2020 được ví là các đợt lũ lụt lịch sử với hàng trăm người chết, mất tích, mất mát, đau thương về tinh thần, thiệt hại không thể đong đếm hết về vật chất, hạ tầng mà cho đến bây giờ hậu quả của nó vẫn chưa thể khắc phục được… Nhiều công nhân bị nạn tại Công trình Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) đến nay vẫn chưa tìm được thi thể. Tại các diễn đàn đại biểu dân cử, một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo. Vấn đề chính được đưa ra nghị trường chủ yếu là lũ lụt, sạt lở ở miền Trung là vấn đề thiên tai hay là “nhân tai”? Và điều nhiều đại biểu bàn đến đó chính là trách nhiệm của chính quyền trong việc cấp phép đầu tư các công trình, dự án... mà trên hết, trước hết là trách nhiệm của chính HĐND trong việc quyết định chủ trương đầu tư. Đã tận tâm trách nhiệm vì mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân hay chưa; hay là vì mục tiêu kinh tế mà đã chọc giận “mẹ thiên nhiên”?…

Lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm nạn nhân tại thủy điện Rào Trăng 3 sau khi hoàn thành đập dâng

 Ảnh: P. Đạt

Dịch bệnh phức tạp

Thiên tai thường đi kèm với dịch bệnh. Biến đổi khí hậu càng sâu sắc thì dịch bệnh càng nguy hiểm, khó lường. Dịch bệnh diễn biến phức tạp không chỉ đối với con người mà ngay cả với cây trồng vật nuôi. Điều dễ nhận thấy nhất đó là các đợt dịch mang quy mô lớn diễn ra trên đàn gia súc gia cầm những năm gần đây, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống của rất nhiều hộ dân, trong đó phải kể đến là dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu bò… Đến hàng loạt các loại thủy sinh, thủy hải sản chết dày đặc tại các kênh rạch, hồ chứa, sông suối và thậm chí là tại một số vùng biển.

Đối với con người, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đã để lại hậu quả khôn lường. Do ô nhiễm môi trường mà số lượng những ngôi làng ung thư ngày càng nhiều lên, trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng cho bao thế hệ người dân nơi đó. Bao trùm ở đó chính là nỗi sợ môi trường sống và cách mà chính quyền phản ứng với những vấn đề môi trường. Điểm chung của những ngôi làng này hầu hết là ở gần các nhà máy, xí nghiệp, phân xưởng… Và vấn đề được bàn đến nhiều nhất chính là làm sao cải thiện môi trường sống, đặc biệt là nguồn nước sạch. Đã có nhiều đoàn giám sát chuyên đề của cơ quan dân cử tại địa phương có làng ung thư như tại Chương Mỹ, Hà Nội. Thế nhưng, kết quả giám sát và các kiến nghị đưa ra vẫn chưa thể giải quyết được tận gốc vấn đề… Và đến nay, làng ung thư vẫn là nỗi ám ánh và là minh chứng sống cho những hậu quả mà con người hủy hoại chính môi trường sống của mình để đánh đổi bằng kinh tế.

Nếu như những năm gần đây có nhiều hiện tượng thiên tai phức tạp thì đây cũng là những năm chứng kiến những căn bệnh lạ, lúc âm ỉ lúc bùng phát, trỗi dậy thành đại dịch. Và biểu hiện rõ nét nhất hiện nay không chỉ nước ta mà cả nhân loại đang căng mình, nỗ lực để khống chế, vượt qua đó là đại dịch Covid-19 - một lời cảnh tỉnh sâu sắc nhắc nhở tất cả chúng ta phải quan tâm đến môi trường sống và sức khỏe con người; và bài toán tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường để bảo đảm sự phát triển bền vững đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết. Không chỉ ở tầm vĩ mô ở phạm vi quốc tế và quốc gia mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng ở từng địa phương. Trong đó, có vai trò của các đại biểu, cơ quan dân cử địa phương.

PHƯƠNG NHUNG - HỒNG HẠNH