Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của cơ quan dân cử

Bài 2: “Nút thắt” đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin

- Thứ Sáu, 27/08/2021, 06:55 - Chia sẻ
Hạ tầng số hiện đại và niềm tin số chính là không gian mới để phát triển nhanh và bền vững. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong tổ chức kỳ họp trực tuyến, công khai dữ liệu trên hệ thống trang, cổng thông tin điện tử (TTĐT) chuyên ngành, thực hiện kỳ họp không giấy, TXCT trực tuyến... đã được Quốc hội, nhiều tỉnh, thành phố áp dụng hiệu quả. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn, nhất là khi đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đã vấp phải một số bất cập nhất định, nhất là đối với cấp huyện và xã. “Nút thắt” cơ bản ở đây chính là hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đồng bộ.

Thiếu nguồn lực nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin

Không phải khi xảy ra đại dịch Covid-19, việc phát triển công nghệ số trong hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan dân cử nói riêng mới được quan tâm. Những nội dung này đã được đề cập từ rất lâu và được luật hóa bằng Luật Công nghệ thông tin; năm 2019, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Những chuyển biến mạnh mẽ từ trong chính đời sống kinh tế - xã hội đã hình thành khá rõ nét những dấu hiệu của nền kinh tế số, xã hội số và đặc biệt là công nghệ số, dữ liệu số đã thẩm thấu trong chính hoạt động của Chính phủ và chính quyền các cấp thông qua các dịch vụ công trực tuyến, qua việc người dân sử dụng điện thoại thông minh và truy cập vào các dịch vụ số…

Đối với cơ quan dân cử, việc ứng dụng công nghệ số trong tổ chức kỳ họp trực tuyến, công khai dữ liệu trên hệ thống trang, cổng TTĐT chuyên ngành, thực hiện kỳ họp không giấy, TXCT trực tuyến... đã được Quốc hội và nhiều tỉnh, thành áp dụng hiệu quả. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn, nhất là khi đại dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của HĐND các cấp vẫn vấp phải một số bất cập nhất định, nhất là đối với cấp huyện và xã.

Để đồng bộ hóa phòng họp trực tuyến của huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã đầu tư kinh phí 3,5 tỷ đồng. Ở tỉnh Hà Tĩnh, số huyện, thị đầu tư phòng họp trực tuyến về tận tuyến xã rất ít, phần lớn chỉ mới triển khai đến cấp huyện; việc trang bị máy tính và cấp tài khoản cho đại biểu HĐND vào phần mềm dùng chung của HĐND chỉ có HĐND cấp tỉnh mới triển khai được đồng bộ. Do vậy, đối với HĐND cấp tỉnh, việc triển khai kỳ họp trực tuyến, kỳ họp không giấy đã được áp dụng, nhưng đối với cấp huyện thì đây quả là vấn đề khá khó khăn do hạ tầng chưa đồng bộ.

Ở thị xã Hồng Lĩnh, chỉ mới có 1 phòng họp trực tuyến chung cho cấp ủy, chính quyền đặt tại UBND thị xã; nếu cùng một thời điểm phát sinh thì phải nhờ phòng họp của Chi nhánh viễn thông Viettel, còn 100% phường, xã trên địa bàn chưa đủ nguồn lực để đầu tư. Do đó, để HĐND thị xã triển khai kỳ họp trực tuyến rất khó khăn. Để tiện trao đổi công việc trong phòng, chống dịch, HĐND thị xã đang tận dụng việc trao đổi qua mạng xã hội là chủ yếu. Cấp huyện là vậy, cấp xã càng khó khăn hơn. Theo tính toán, để đầu tư đồng bộ cả hệ thống máy móc, phần mềm cũng như hệ thống phòng họp trực tuyến về tận phường, xã ở thị xã Hồng Lĩnh ước tính cần nguồn lực khá lớn. Trong khi hiện nay, thu ngân sách thị xã và các phường, xã chỉ đủ để cân đối chi thường xuyên, một phần cho đầu tư phát triển, chủ yếu là chỉnh trang đô thị nên rất khó khăn trong đầu tư các hạng mục này.

Không chỉ ở Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh mà hầu như nhiều HĐND cấp huyện, xã trong cả nước, nhất là các địa phương vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nâng cấp hạ tầng CNTT đang là vấn đề khó khăn, chưa đủ nguồn lực để đầu tư đồng bộ.

Đại biểu HĐND tỉnh Long An biểu quyết thông qua nghị quyết trên máy tính bảng sử dụng phần mềm VNPT eCabinet tại Kỳ họp thứ 2 được tổ chức trực tuyến
ẢNH: HỒNG ANH

Tương tác, liên hệ trên nền tảng số còn ít

Một hình thức ứng dụng công nghệ số vào hoạt động của cơ quan dân cử, vừa là diễn đàn của đại biểu, đồng thời cũng là của cử tri và Nhân dân, đó chính là xây dựng hệ thống các cổng TTĐT, trang TTĐT của riêng cơ quan HĐND. Trên đó, ngoài các thông tin hoạt động thì đăng tải hệ thống dữ liệu mở để cử tri và Nhân dân có thể truy cập, khai thác và tương tác với đại biểu, giữa đại biểu với cơ quan Thường trực HĐND và bộ phận Văn phòng để khai thác thông tin, dữ liệu phục vụ cho chính hoạt động của đại biểu; cho ý kiến qua môi trường mạng về một số vấn đề HĐND tham vấn. Có những địa phương, cổng TTĐT của cơ quan dân cử phát huy rất tốt, như Cổng TTĐT của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hải Dương, đại biểu Nhân dân tỉnh Khánh Hòa… Ở nhiều cổng TTĐT của HĐND cấp tỉnh mở chuyên mục: Đại biểu với cử tri; cử tri hỏi - cơ quan nhà nước trả lời thu hút khá nhiều lượt tương tác như trên Trang Đại biểu Nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

Tuy nhiên, bên cạnh những cổng, trang thông tin cập nhật thường xuyên, có tương tác thì vẫn còn có những trang, cổng lượng thông tin chưa phong phú, cập nhật thiếu kịp thời các văn bản, đặc biệt chưa có sự tương tác hai chiều giữa cơ quan dân cử với cử tri, số lượt truy cập ít… Ở cấp huyện, cấp xã, hoạt động của HĐND hầu như không có trang tin riêng mà tích hợp chung trong Cổng TTĐT của huyện, phường, xã, thị trấn… Dùng chung nên thông tin chuyên môn chưa rõ nét, hầu hết chỉ điểm một số tin tức hoạt động nổi bật, việc đăng tải hệ thống văn bản, dữ liệu của cơ quan dân cử hầu như ít hoặc không có.

Bên cạnh đó, một hệ thống công nghệ số cần phải trang bị cho đại biểu dân cử đó là hệ thống điều hành công việc và quản lý văn bản dành riêng cho đại biểu dân cử hầu như chỉ dừng lại ở Quốc hội và HĐND cấp tỉnh, còn ở cấp huyện và xã chưa được đầu tư đồng bộ. Cuối cùng, để công nghệ số hoạt động của cơ quan dân cử, bản thân đại biểu phải có máy tính, laptop hoặc điện thoại thông minh, biết sử dụng, khai thác internet và làm chủ được công nghệ. Trên thực tế, ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhiều nơi vẫn còn có những đại biểu HĐND trang thiết bị chưa được bảo đảm. Vì vậy, cần lắm việc quan tâm đầu tư hạ tầng CNTT cho đồng bộ, không chỉ khai thác dữ liệu, tương tác qua mạng mà đại biểu dân cử cũng có thể tận dụng lợi thế của mạng xã hội để cung cấp những thông tin chính thống, đúng, đủ, kịp thời của cơ quan nhà nước, cơ quan dân cử tới các cử tri.

HỒNG HẠNH - PHƯƠNG NHUNG