Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Dựa vào Nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Bài 2: Phụng sự Tổ quốc, Nhân dân - nguồn gốc sức mạnh nội sinh của Đảng

- Thứ Bảy, 17/04/2021, 06:14 - Chia sẻ

Muốn được Nhân dân yêu thương, bảo vệ và tin theo, tự Đảng phải “chính” trước, phải tự xây dựng, tự chỉnh đốn mình ngang tầm lịch sử và khát vọng của Nhân dân. Được lịch sử giao phó và Nhân dân lựa chọn dẫn dắt đất nước, một cách tự nhiên, Đảng tự mình xây dựng, tự chỉnh đốn mình, phải trở nên hùng mạnh, tự nguyện phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Đó là nguồn gốc sức mạnh nội sinh của Đảng.

Phải thật sự “chân chính, cách mạng”

Với tư cách là người lãnh đạo - cầm quyền, hiện nay, Đảng tiếp tục tiên phong cùng dân tộc thực hiện sứ mệnh lịch sử đổi mới đất nước, tiến tới mục tiêu cao cả: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước là mối quan hệ giữa lãnh đạo chính trị và quản lý đất nước, giữa định hướng chính trị và quản trị quốc gia, thông qua các đảng viên, các tổ chức đảng trong bộ máy nhà nước. Vì vậy, hơn lúc nào hết, vai trò của Nhà nước, lúc này có thể nói là, kiến tạo phát triển và quản trị quốc gia, trên nền tảng pháp luật không ngừng được hoàn thiện phù hợp với đất nước, với thông lệ và luật pháp quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo đó, Nhà nước đổi mới không ngừng nền hành chính và công vụ quốc gia phụng sự Nhân dân, phục vụ công cuộc phát triển toàn diện đất nước. Xây dựng bộ máy công quyền ưu tú luôn đề cao tính công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm hoạt động hiệu lực, hiệu quả và trực tiếp nâng tầm nhìn và lòng tin của nhân dân trên hành trình đi đến tương lai. Và, đó cũng chính là đòi hỏi của Nhân dân đối với Nhà nước của mình. Đồng thời, hết sức cảnh giác, ngăn chặn bằng pháp luật nguy cơ cấu kết giữa một bộ phận các nhà chính trị suy thoái trong bộ máy nhà nước với giới chủ và những người nắm tài chính quốc gia, hình thành các nhóm lợi ích làm khuynh đảo nền chính trị, kinh tế và xã hội đất nước. 

Để đáp lại sự gửi gắm tin cậy đó, Đảng không ngừng chủ động nỗ lực sửa mình, để tiếp tục hoàn thành trọng trách to lớn và thiêng liêng ấy. Nhớ ngày 30.7.1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Ý dân là ý giời”. Do đó, nếu “không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”. “Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng”. Người chỉ rõ: “Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng phải bàn với dân; dân sẽ có ý kiến hay”. Vì vậy, Người nói tiếp: “Đối với dân ta đừng có làm điều gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy”.

Lòng dân đồng thuận và ủng hộ Đảng, Nhà nước là tài sản vô giá của cách mạng!

Thời kỳ phát triển mới của đất nước, hơn lúc nào hết, đòi hỏi tư duy về phát triển, hoạch định chính sách phát triển đều phải tự nó hàm chứa và thấm đẫm yếu tố đạo đức và văn hóa; mọi quyết sách của Đảng về sự phát triển đất nước tự nó phải mang tính chính trị và văn hóa trước khi là một quyết sách về kinh tế hay phát triển công nghệ đơn thuần. Phát triển kinh tế - xã hội vừa phải được định hướng chính trị, vừa được bảo đảm bởi sức mạnh đạo đức và văn hóa, nhất là đạo đức, văn hóa của Đảng trong điều kiện của một đảng lãnh đạo - cầm quyền. Đó là yêu cầu tất yếu của mục tiêu phát triển đất nước bền vững. Đạo đức là yếu tố làm nên sức mạnh chính trị của Đảng, tạo ra sự hấp dẫn của Đảng đối với Nhân dân, bạn bè, đồng chí quốc tế và làm cho Đảng trở thành một Đảng chân chính, nhân văn.

Trong thực tiễn, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp... do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân không chỉ do chưa nhận thức rõ, không thấy hết tầm quan trọng của ý thức đạo đức, tri thức đạo đức, tình cảm đạo đức mà còn chưa đặt vấn đề đạo đức hành động và quyết định là hành động đạo đức một cách xứng đáng và ngang tầm trong toàn bộ và chỉnh thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Như thế chính là buông lỏng, thậm chí xa rời chính trị. Vì, kinh nghiệm lịch sử cho thấy, không bao giờ có một người thực sự vĩ đại mà lại không phải là một người thực sự đạo đức. Và vì, lúc này chính trị là đạo đức và đạo đức chính lại là chính trị hơn hết lúc nào.

Đặt đúng tầm “hành động đạo đức” và “đạo đức hành động”

Cùng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, hiện nay, vấn đề đạo đức của Đảng và trong Đảng nổi lên là vấn đề vừa cấp thiết, vừa hệ trọng, lâu dài có quan hệ tới sự tồn vong của chế độ. 

Hiện vẫn không ít người cho rằng, khi đề cập đến việc xây dựng Đảng về tư tưởng cũng đã bao hàm vấn đề đạo đức, và như thế là đủ. Nhưng, từ thực tiễn, nhiều ý kiến khẳng định: Nếu như vậy, mới chỉ dừng lại là ý thức đạo đức, trong khi vấn đề quan trọng và quyết định nhất của đạo đức là hành động đạo đức và đạo đức hành động lại chưa đặt đúng tầm. Hơn nữa, nhận thức về vấn đề đạo đức chưa trở thành một nội dung độc lập nhưng thống nhất hữu cơ với tất cả các lĩnh vực khác trong công tác xây dựng Đảng, chưa nói tới tổ chức đạo đức hành động của Đảng. Nếu lơ là hoặc xem nhẹ xây dựng Đảng về đạo đức hoặc đồng nhất một cách giản đơn xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng với đạo đức là chưa đủ tầm, thậm chí sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lườngsự suy thoái về đạo đức, lối sống, phong cách… của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng tới một mức độ nào đó có thể làm băng hoại về chính trị, hỗn loạn về tư tưởng, rệu rã về tổ chức.

Trên tầm vĩ mô, càng nhìn lại chặng đường sau 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng nhìn thẳng vào thực tế, càng thấy những yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng đang đặt ra rất nhiều vấn đề đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Khi yêu cầu phát triển đất nước mạnh mẽ và bền vững phải là lợi ích cốt lõi, lợi ích dân tộc phải trở thành tối cao; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trở thành mệnh lệnh thiêng liêng, sinh tử… thì không thể không yêu cầu sự phát triển về đạo đức trong Đảng và của Đảng. Đó là thước đo sự phát triển không chỉ đạo đức, sự trưởng thành về chính trị, sự thống nhất về tư tưởng và sự tương dung về tổ chức của Đảng trong thực hiện sứ mệnh cầm quyền ngang tầm yêu cầu trọng trách lịch sử dân tộc giao phó.

Bởi vậy, để hoàn thành trọng trách và nhiệm vụ hết sức nặng nề nêu trên, vấn đề đặt ra, cũng chính là sự đòi hỏi cấp thiết là Đảng phải được xây dựng thực sự trong sạch về đạo đức, tầm nhìn xa rộng về chính trị, sâu sắc về trí tuệ, vững mạnh về tổ chức nhằm nâng cao không ngừng năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và bản lĩnh cầm quyền của Đảng. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đòi hỏi phải được tiến hành toàn diện, đồng bộ, với nhiều chủ trương, giải pháp, trong đó xây dựng Đảng về đạo đức là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng. Nếu chỉ dừng lại ở nhận thức, tri thức về đạo đức, tự thân nó không bao hàm đầy đủ các vấn đề đạo đức trong Đảng và trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cái cần thiết và bảo đảm quan trọng thực thi mục tiêu chính trị không thể chỉ dừng lại ở tình cảm đạo đức, đạo đức suông, mà quyết định ở đạo đức hành động và hành động đạo đức, phải trở thành lẽ sống và nếp sống hằng ngày.

TS Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản