Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử

Bài 2: Tạo các cách thức liên hệ với cử tri

- Thứ Tư, 29/09/2021, 06:06 - Chia sẻ
Giữ mối liên hệ với cử tri thường xuyên và chặt chẽ là trách nhiệm và yêu cầu không thể thiếu đối với đại biểu dân cử. Trong thời đại công nghệ hiện nay, ngoài tiếp xúc với cử tri, mỗi đại biểu có thể chủ động tạo ra các cách thức hữu hiệu liên hệ với cử tri như: Lập riêng trang thông tin cho mình, cung cấp địa chỉ cho những cử tri ở khu vực ứng cử để họ phản ánh, kiến nghị những vấn đề ở địa phương đến đại biểu, hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin từ hoạt động của đại biểu đến cử tri. Đại biểu cũng có thể lập các nhóm Zalo, Viber, chọn, mời một số cử tri tham gia nhóm (cử tri đại diện) để thường xuyên trao đổi...

Từ trách nhiệm phải làm tốt...

Giữ mối liên hệ với cử tri vừa là trách nhiệm, vừa là phương thức hoạt động của đại biểu dân cử. Hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp có hiệu lực, hiệu quả khi và chỉ khi mỗi đại biểu ý thức được rằng, "cái ghế" mình ngồi là do cử tri, Nhân dân tạo ra; lời mình nói là đại diện cho Nhân dân, cho cử tri; và vì thế, hành động mình làm là phải vì dân, vì cử tri. Cử tri và Nhân dân đã tin tưởng trao cho đại biểu quyền đó, đại biểu phải có trách nhiệm làm thật tốt.

Tiêu chuẩn để lựa chọn đại biểu cũng như trách nhiệm của đại biểu khi được bầu đã được quy định cụ thể: Đại biểu phải liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân; chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan. 

Sự liên hệ chặt chẽ, thường xuyên và lắng nghe đó, chính là "sợi dây" gắn kết, gắn bó với Nhân dân của chính quyền Nhà nước, của đại biểu dân cử - đây cũng là biểu hiện thực tế nhất khái niệm: Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Thực tế, không ít đại biểu sau khi được bầu, tự coi mình có "cái quyền", "cái ghế" mà thiếu gắn bó, liên hệ với Nhân dân, không lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, của cử tri, vin vào bận việc nọ, việc kia ít đến với dân, thậm chí chẳng còn nhớ mình đã hứa gì trong chương trình hành động khi vận động bầu cử trước cử tri.

Là đại biểu do dân bầu, đại diện quyền làm chủ của Nhân dân, mỗi đại biểu cần tự ý thức trách nhiệm của mình trước Nhân dân, gắn bó với Nhân dân, các quyết sách của cơ quan dân cử mà đại biểu có trách nhiệm tham gia cũng đều nhằm phục vụ lợi ích của Nhân dân, của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác”. “Tất cả đường lối, phương châm, chính sách... của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân...”. Xây dựng mối liên hệ gắn bó máu thịt với Nhân dân luôn là vấn đề thuộc bản chất của một đảng cách mạng. Đảng ta đã khẳng định: “Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân”.

Đại biểu cần có nhiều thông tin từ phía cử tri, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân

... đến yêu cầu không thể thiếu

Với hai chức năng chính của cơ quan dân cử là quyết định và giám sát, mọi hoạt động để thực hiện chức năng này đều phải xuất phát từ Nhân dân, vì Nhân dân và dựa vào Nhân dân. Vì thế, liên hệ, gắn bó với cử tri chính là để thu nhận thông tin từ Nhân dân, từ cử tri giúp cho đại biểu thực hiện nhiệm vụ của mình, và chính "nó" trở lại phục vụ lợi ích của Nhân dân.

Để có đầy đủ thông tin thực hiện quyền quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của mỗi địa phương, đại biểu cần có nhiều thông tin từ phía cử tri, cần biết tâm tư, nguyện vọng cử tri, Nhân dân đang mong chờ gì; những điều gì đang bức xúc, khó khăn ở địa phương, cơ sở. Một trong những yêu cầu của chính sách (thông qua nghị quyết của Quốc hội, HĐND các cấp) là phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.

Trong giám sát cũng vậy, để có thông tin, dữ liệu đối chiếu với những hoạt động/hành động của đối tượng giám sát lại càng không thể thiếu thông tin từ cử tri, Nhân dân (kể cả thông tin chính thống cũng như dư luận xã hội). Nếu đại biểu chỉ có thông tin một chiều từ phía đối tượng giám sát (qua các báo cáo, giải trình) thì không thể giám sát hiệu quả được, không thể biết được "góc khuất" của vấn đề.

Chính vì thế, việc giữ mối liên hệ với cử tri thường xuyên và chặt chẽ là yêu cầu không thể thiếu đối với đại biểu dân cử. Trong thời đại công nghệ hiện nay, ngoài TXCT, mỗi đại biểu có thể chủ động tạo cho mình các cách thức liên hệ với cử tri như: Lập riêng trang thông tin cho mình, cung cấp địa chỉ cho những cử tri ở khu vực ứng cử để họ phản ánh, kiến nghị những vấn đề ở địa phương đến đại biểu, hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin từ hoạt động của đại biểu đến cử tri. Đại biểu cũng có thể lập các nhóm Zalo, Viber, chọn, mời một số cử tri tham gia nhóm (cử tri đại diện) để thường xuyên trao đổi với đại biểu, từ những cử tri đó, tự nó sẽ lan tỏa đến cử tri khác và Nhân dân.

Cũng có thể lựa chọn một nhóm (số ít) cử tri là các chuyên gia, những người có kinh nghiệm hoạt động để trao đổi, hỏi ý kiến khi cần thiết về những vấn đề mà đại biểu quan tâm. Tận dụng cơ hội gặp gỡ Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình, để "tranh thủ" thông tin đến cử tri, hoặc gợi mở những vấn đề đại biểu quan tâm để trao đổi, tiếp nhận thông tin từ cử tri.

        

Lương Anh Tế - Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương