Bộ máy giúp việc của HĐND cấp tỉnh

Bài 2: Thiếu ổn định về địa vị pháp lý và cơ cấu tổ chức

- Thứ Ba, 25/08/2020, 06:29 - Chia sẻ
Sơ lược về lịch sử hình thành cho thấy, cùng với yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp tỉnh, vị trí bộ máy giúp việc của HĐND được quan tâm hơn trước. Tuy nhiên, tính ổn định về địa vị pháp lý và cơ cấu tổ chức của bộ máy này là vấn đề luôn được đặt ra trong mỗi lần sửa đổi bổ sung các văn bản về HĐND, hoặc để thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng về tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.

Lịch sử hình thành cơ quan tham mưu, phục vụ của HĐND gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của HĐND từ Sắc lệnh số 63/SL của Chủ tịch Nước về HĐND và Ủy ban hành chính, Luật số 110-SL/L năm 1958 về tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức HĐND và Ủy ban hành chính các cấp năm 1962, Luật Tổ chức HĐND và UBND các năm 1989, 1994. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy giúp việc của HĐND chưa được đề cập trong các văn bản pháp luật trên. Lịch sử hình thành bộ máy giúp việc của HĐND cấp tỉnh có thể chia thành các giai đoạn.

Trước năm 2001

Ngày 17.12.1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 156-HĐBT quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và quan hệ công tác của Văn phòng UBND cấp tỉnh. Theo đó, Văn phòng UBND cấp tỉnh là bộ máy làm việc của UBND, có chức năng phục vụ sự quản lý tập trung thống nhất, chỉ đạo điều hành mọi mặt công tác của UBND tỉnh. Nghị định số 156-HĐBT quy định giao Văn phòng UBND cấp tỉnh chức năng, nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho HĐND. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên quy định về một cơ quan có chức năng tham mưu, giúp việc HĐND cấp tỉnh. Tuy nhiên, cũng chỉ là một trong những nhiệm vụ của Văn phòng UBND và được xác định địa vị pháp lý là một cơ quan của UBND.

Ngày 27.3.2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2001/NĐ-CP về việc tổ chức lại một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố thuộc Trung ương và UBND quận, huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh. Theo đó, Văn phòng UBND được đổi tên thành Văn phòng HĐND và UBND. Trước thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định số 12, nhiều tỉnh, thành đã thực hiện chủ trương tách Văn phòng UBND cấp tỉnh thành Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND. Khi thực hiện Nghị định số 12, thì hợp nhất thành một Văn phòng với tên gọi là Văn phòng HĐND và UBND.

Từ năm 2001 đến năm 2007

Năm 2003, Quốc hội ban hành Luật Tổ chức HĐND và UBND. Yêu cầu về chuyên nghiệp hóa cơ quan tham mưu, phục vụ HĐND các cấp được đặt ra để phù hợp với vị trí, vai trò của HĐND, Thường trực, các Ban của HĐND và với xu hướng tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách.

Ngày 9.6.2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 133/2004/NĐ-CP về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của Văn phòng HĐND tỉnh, thành trực thuộc Trung ương. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên xác định vị trí, vai trò của Văn phòng HĐND với tư cách là một cơ quan độc lập có chức năng tham mưu, phục vụ cho HĐND, là bộ máy giúp việc của HĐND và Thường trực HĐND cấp tỉnh; có nhiệm vụ phục vụ các hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, các đại biểu HĐND và tham mưu một số công việc do Thường trực HĐND cấp tỉnh giao.

Trước thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định 133, ngày 25.9.2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 416/NQ – UBTVQH11 về việc “Quy định chức năng nhiệm vụ, tổ chức biên chế của Văn phòng Đoàn ĐBQH”. Tuy cùng có hiệu lực từ năm 2004 nhưng theo thống kê, đến năm 2007 chỉ có 41 địa phương thành lập Văn phòng HĐND, 22 Văn phòng thực hiện mô hình Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, thành phố Hồ Chí Minh giữ mô hình Văn phòng HĐND và UBND. Điều này cho thấy tính thiếu thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật về tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc cho HĐND cấp tỉnh.

Từ năm 2007 đến năm 2016

Thực hiện Nghị quyết số 10- NQ/TW Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về đổi mới bộ máy nhà nước có quy định về việc hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương. Ngày 11.12.2007, UBTVQH ban hành Nghị quyết 545/NQ- UBTVQH11 về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Khi đó, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND được khẳng định trong hệ thống tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước ở địa phương, là cơ quan tham mưu, phục vụ cho Đoàn ĐBQH và HĐND.

Theo Nghị quyết 545, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND có 3 phòng: Phòng Công tác ĐBQH, phòng Công tác HĐND, Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị. Căn cứ vào tình hình thực tế và yêu cầu thực sự cần thiết, sau khi thống nhất với Trưởng đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND quyết định thành lập thêm phòng. Số lượng và tên gọi các phòng được thành lập thêm tùy thuộc vào sự kết hợp hoặc để riêng lẻ theo các mảng công việc của dân nguyện, thông tin, lưu trữ… Tổng công chức, nhân viên của Văn phòng khoảng 30 - 40 người. Bộ máy giúp việc của HĐND cấp tỉnh do Phòng Công tác HĐND và 1 phần công tác việc của Phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị đảm nhận. Biên chế của Phòng Công tác HĐND từ 6 - 8 người, số biên chế của Phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị khoảng từ 5 - 7 người.

Việc hợp nhất bộ máy giúp việc của HĐND cấp tỉnh với Đoàn ĐBQH là giải pháp tinh giản bộ máy và hội tụ sự tham mưu, giúp việc của đội ngũ công chức phục vụ hệ thống các cơ quan dân cử. Tuy nhiên, cũng bộc lộ nhiều hạn chế về công tác tham mưu, phục vụ cũng như các vấn đề về tuyển dụng, sử dụng kinh phí…

Từ năm 2016 đến nay

Để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định việc HĐND có cơ quan tham mưu, phục vụ. Ngày 27.5.2016, Chính phủ ban hành Nghị định 48/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức và biên chế của Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ngày 4.10.2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh.

Sau hơn 1 năm thí điểm tại 12 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, quá trình xem xét, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội đã quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm mô hình Văn phòng tham mưu, phục vụ chung của 3 cơ quan để quy định việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh. Một lần nữa, bộ máy tham mưu, phục vụ của HĐND cấp tỉnh được sắp xếp theo hướng vừa bảo đảm chủ trương tinh giản bộ máy, vừa kết hợp yếu tố đặc thù của cơ quan dân cử trong phạm vi hoạt động tại cấp tỉnh.

HOÀNG LAN