Pháp luật về bầu cử: Quy định và thực thi

Bài 2: Tổng tuyển cử 1976 - Trọn niềm vui thống nhất

- Thứ Ba, 13/04/2021, 08:26 - Chia sẻ
Cách đây hơn 40 năm, ngày 25.4.1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung lần thứ 2 được diễn ra trên phạm vi cả nước. Cử tri đã lựa chọn và bầu 492 đại biểu Quốc hội Khóa VI. Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử 1976 có ý nghĩa chính trị to lớn tiếp theo chiến thắng vĩ đại về quân sự vào mùa Xuân năm 1975 khẳng định vị thế của một đất nước - một nhà nước độc lập, thống nhất; mở ra cơ hội cho quá trình hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế của Quốc hội Việt Nam.

Thắng lợi về chính trị

Cuộc bầu cử ngày 25.4.1976 được tiến hành nhanh, gọn và đạt kết quả tốt. Tỷ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%, trong đó miền Bắc 99,36%; miền Nam 98,59%. Cử tri đã lựa chọn và bầu đủ 492 đại biểu trong vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm; trong đó có 80 đại biểu là công nhân, 100 đại biểu là nông dân, 54 đại biểu là quân nhân cách mạng, 141 đại biểu là cán bộ chính trị, 98 đại biểu là trí thức và nhân sĩ dân chủ, 13 đại biểu tôn giáo và 6 đại biểu làm nghề thủ công. 

Trích Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1976 - 1992

Sau khi miền Nam được giải phóng, một trong những nguyện vọng thiết tha nhất của Nhân dân là hai miền Nam - Bắc là sớm được thống nhất. Từ xuất phát đó, ngày 25.4.1976, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất diễn ra trên phạm vi cả nước. Theo đó, những nguyên tắc: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín tiếp tục được áp dụng, kế thừa từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam cách đó đúng 30 năm. Công tác bầu cử đã được thực hiện dân chủ, theo Pháp lệnh Bầu cử ĐBQH ngày 20.2.1976 của Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Luật Bầu cử ĐBQH nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 13.1.1960. Trong đó, Mặt trận Dân tộc Thống nhất cùng với các đoàn thể quần chúng đóng vai trò quan trọng.

Nhớ lại ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước, cụ bà Nguyễn Thị Đức, 79 tuổi, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội bồi hồi kể lại: tôi là người tham gia phục vụ ở đường Trường Sơn, hết chiến tranh được về quê Nam Định để bầu cử nên thấu hiểu nỗi gian khổ, hy sinh, mất mát để có được hòa bình, thống nhất đất nước, người dân được đi bầu cử trong hòa bình trên quê hương mình. Không có niềm vui nào bằng được bầu cử trong hoàn cảnh quê hương đất nước thống nhất sau chiến tranh. Còn nhớ hôm đó, cờ hoa rợp trời, mọi người đều rất vui, bởi niềm vui non sông đã liền một dải hòa cùng với niềm nô nức đây là cuộc tổng tuyển cử lấy lá phiếu của cử tri trên toàn quốc chứ không phải chỉ riêng miền Nam, miền Trung hay miền Bắc.

Cùng chung cảm xúc ấy, Đại tá Nguyễn Vinh Dũng - nguyên cán bộ Nhà máy A45 - Quân chủng Phòng không - Không quân nhớ lại: Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, một trong những nhiệm vụ hàng đầu được đặt ra với đất nước lúc đó là nhanh chóng thống nhất về mặt Nhà nước, để nhân dân ta tập trung xây dựng, phát triển đất nước sau chiến tranh. Chính vì vậy, cuộc Tổng tuyển cử chung trong cả nước vào ngày 25.4.1976 được nhân dân cả nước háo hức đón chờ. Mặc dù công việc ở đơn vị rất bộn bề, nhưng trước ngày bầu cử, mọi hoạt động gần như tạm gác lại, tất cả tập trung cho bầu cử, công tác nhân sự được đem ra bàn bạc sôi nổi. Ai cũng nói đây là lần tổng tuyển cử chung trong cả nước sau 30 năm chiến tranh đất nước bị chia cắt nên phải trang trí đàng hoàng, rực rỡ hơn trước. Tôi còn nhớ hôm đó, anh em chúng tôi dậy rất sớm, quần áo chỉnh tề để đúng 8 giờ đi bỏ phiếu. Đối với cá nhân tôi, cảm giác tự hào, vinh dự, tự tin sâu sắc hơn bao giờ hết, bởi trong ngày hội của toàn dân hôm nay có sự đóng góp nhỏ bé của mình...

Kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Khóa I (6.1.1946), sau 30 năm, cuộc Tổng tuyển cử chung lại được tổ chức trên phạm vi cả nước. Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử 1976 có ý nghĩa chính trị to lớn tiếp theo chiến thắng vĩ đại về quân sự vào mùa Xuân năm 1975  khẳng định vị thế của một đất nước - một nhà nước độc lập, thống nhất; mở ra cơ hội cho quá trình hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế của Quốc hội Việt Nam. Kết quả cuộc tổng tuyển cử đưa đến sự ra đời của Quốc hội Khóa VI - Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Đó là sự kế thừa và phát triển liên tục từ Quốc hội Khóa I năm 1946, thể hiện sự nhất quán trong đường lối cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Bầu cử thống nhất đất nước 1976  

Ảnh: TL 

Từng bước đổi mới

Sau cuộc tổng tuyển cử năm 1976, những quy định của pháp luật liên quan đến bầu cử về cơ bản không thay đổi nhiều. Song có thể thấy một trong những đặc điểm chế định bầu cử thời kỳ này là luật hóa (toàn diện, ổn định hơn), lược bỏ nguyên tắc bầu cử tự do, bổ sung nguyên tắc bầu cử bình đẳng.

Cụ thể, ngày 18.12.1980, Quốc hội thông qua Hiến pháp 1980. Đó là Hiến pháp của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước. PGS.TS Vũ Văn Nhiêm - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh phân tích, Điều 7, Hiến pháp 1980 quy định các nguyên tắc bầu cử: “Việc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Luật Bầu cử ĐBQH năm 1980, Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 1983 quy định hiệp thương là một thủ tục trong việc lựa chọn, giới thiệu người ra ứng cử. Do đặc thù của thể chế chính trị nhất nguyên, vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên nên hiệp thương trong bầu cử có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm cơ cấu, tính đại diện cho cơ quan dân cử và là hình thức tham gia của các tầng lớp nhân dân vào hoạt động bầu cử thông qua các tổ chức của mình.

Trên cơ sở thấm nhuần tư tưởng "lấy dân làm gốc", thực hiện đúng đắn phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", chính sách, pháp luật giai đoạn này đã thể hiện được những tư tưởng, nguyên tắc đó. Chẳng hạn, ngày 20.1.1987, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH Khóa VIII. Chỉ thị nêu rõ: cuộc bầu cử ĐBQH Khóa VIII phải thể hiện sâu sắc tinh thần đổi mới của Đại hội lần thứ VI của Đảng, đổi mới về nhận thức và cách làm. Việc bầu cử phải đạt yêu cầu bầu được một Quốc hội thật sự có năng lực bảo đảm thực hiện được hai chức năng chủ yếu là lập pháp và giám sát, góp phần tích cực vào việc tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, bảo đảm quyền làm chủ bằng Nhà nước của nhân dân.

Giai đoạn từ 1992 đến nay, thể chế hóa đường lối đổi mới do Đảng đề xướng và lãnh đạo, Hiến pháp năm 1992 đặt cơ sở pháp lý cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Điều 7, Hiến pháp 1992 quy định bầu cử ĐBQH, bầu cử đại biểu HĐND tiến hành trên các nguyên tắc: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Các nguyên tắc này được cụ thể hóa trong các đạo luật về bầu cử, như Luật Bầu cử ĐBQH năm 1997 (sửa đổi năm 2001), Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 1994, Luật Bầu cử đại biểu HĐND 2003. Hiến pháp năm 2013 (Điều 7), Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 (Điều 1) tiếp tục khẳng định “Việc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”.

Bình luận về pháp luật bầu cử giai đoạn này, PGS.TS Vũ Văn Nhiêm cho rằng: các cuộc bầu cử trong trong giai đoạn này, nhất là các cuộc bầu cử những năm gần đây được đổi mới với nhiều tín hiệu và sắc thái mới, tạo điều kiện cho các giai tầng xã hội tham gia tích cực vào bầu cử, nhất là quyền tự do ứng cử.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH cũng cho rằng: pháp luật về bầu cử những năm qua đã thể hiện tính thể chế của chúng ta, thể chế này không đứng yên một chỗ mà từng bước đổi mới cho phù hợp với thời đại và phù hợp với lòng người. Nên pháp luật về bầu cử từng thời kỳ cũng có những đổi mới tương ứng.

Điều 7, Hiến pháp 1980 quy định các nguyên tắc bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Trong thời kỳ này, Quốc hội ban hành Luật Bầu cử ĐBQH năm 1980 và Luật Bầu cử đại biểu HĐND 1983 (sửa đổi năm 1989). Trong giai đoạn này, pháp luật bầu cử lần đầu quy định về hiệp thương - một quy trình đặc thù của hệ thống bầu cử được thiết lập và phát triển cho đến ngày nay.

__________

Căn cứ vào Điều 91, Hiến pháp 1992; Điều 12 Luật Bầu cử ĐBQH, ngày 17.4, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Nghị quyết số 558-NQ - HĐNN8 về việc tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH Khóa IX vào ngày chủ nhật 19.7.1992 và thành lập Hội đồng Bầu cử để phụ trách tổ chức việc bầu cử ĐBQH Khóa IX trong cả nước. 

 

Song Hương và Nhóm phóng viên