Phòng chống tội phạm mua bán người trong mùa dịch

Bài 2: Vướng quy định và khó thực thi

- Thứ Năm, 12/08/2021, 06:52 - Chia sẻ
Mặc dù đã có nhiều giải pháp, song việc đấu tranh ngăn ngừa tội phạm mua bán người còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm mỏng; pháp luật về vấn đề này còn những bất cập, vướng mắc khiến trong nhiều trường hợp không thể xử lý...
	Cục Cảnh sát Hình sự ( Bộ Công an) giải cứu thành công vụ mua bán trẻ sơ sinh hồi tháng 2.2021
Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an giải cứu thành công vụ mua bán trẻ sơ sinh hồi tháng 2.2021

Nhiều khó khăn, thách thức

Trước những thủ đoạn của tội phạm mua, bán người, Chính phủ đã có những chính sách pháp luật để phòng, chống, đấu tranh trấn áp loại tội phạm này. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tầng lớp Nhân dân; khắc phục những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm, giảm nguy cơ mua bán người...

Dẫu vậy, theo các lực lượng chức năng, công tác phòng, chống mua bán người đã và đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, bởi thực tiễn, tội phạm mua bán người có tỷ lệ ẩn ngầm rất cao. Các đường dây tội phạm hoạt động có tổ chức chặt chẽ, các đối tượng cầm đầu thường ở sâu trong nội địa hoặc ở nước ngoài, chủ yếu dùng điện thoại, mạng xã hội để chỉ đạo, điều hành đường dây nên việc phát hiện rất khó khăn. Phần lớn các đối tượng được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ là đối tượng đưa dẫn. Trong khi đó, nước ta có đường biên giới dài, địa hình hiểm trở, lực lượng chức năng còn mỏng, các đối tượng đưa dẫn thường là dân bản địa, rất thông thạo địa bàn, nắm được quy luật hoạt động của lực lượng chức năng nên đã lợi dụng sơ hở để tìm cách đưa nạn nhân ra nước ngoài.

Đại tá Tô Cao Lanh - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều quốc gia đã đóng cửa biên giới, nhu cầu tìm việc để ổn định đời sống của một bộ phận quần chúng nhân dân gặp khó khăn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các đối tượng triệt để lợi dụng lừa gạt, dụ dỗ nạn nhân ra nước ngoài để mua bán. Trong khi đó, công tác quản lý hành chính ở nước ta còn nhiều bất cập, nhất là quản lý lưu trú của người nước ngoài; quản lý về lĩnh vực hợp tác lao động, kết hôn với người nước ngoài, cho - nhận con nuôi... nên số người bị lừa ra nước ngoài rồi bị bán có nguy cơ tiếp tục tăng nhanh. 

Vướng vì quy định pháp luật  

Bên cạnh những khó khăn do đặc thù của loại tội phạm này, lực lượng chức năng cũng gặp không ít vướng mắc từ thực tiễn áp dụng pháp luật. Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, nêu vướng mắc: Thực tế, khó chứng minh mục đích “để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác” của các hành vi “Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao và tiếp nhận”, bởi, đa số các hành vi “chuyển giao và tiếp nhận” trong vụ án mua bán người chủ yếu được thực hiện ở nước ngoài nên việc thu thập chứng cứ không dễ. 

Hơn nữa, theo Đại tá Phạm Long Biên, các hành vi “tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp” thì phải chứng minh được mục đích “kép” là “để chuyển giao” và “nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác”. Trong khi đó, hầu hết hành vi “chuyển giao” được thực hiện ở nước ngoài, nên mặc dù các đối tượng có hành vi “tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp” người trong nước nhưng không xử lý được về tội mua bán người.

Từ góc độ xây dựng pháp luật, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, qua rà soát cho thấy có một số quy định chưa thống nhất giữa pháp luật Việt Nam và quốc tế. Đơn cử, theo định nghĩa về “buôn bán người” quy định tại Điều 3, Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước về phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia của Liên Hợp Quốc, thì chỉ cần một trong các hành vi vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc tiếp nhận người nhằm mục đích bóc lột sẽ cấu thành tội buôn bán người.

Tuy nhiên, theo quy định tại các Điều 150, 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), để cấu thành tội “mua bán người”, “mua bán người dưới 16 tuổi” cần phải có hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người; việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người chỉ cấu thành tội “mua bán người", “mua bán người dưới 16 tuổi” nếu như nhằm thực hiện các hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người.

Như vậy, khái niệm “mua bán người” theo quy định của pháp luật Việt Nam và Nghị định thư nêu trên còn khác biệt dẫn đến khó khăn trong việc xác định nạn nhân trong các vụ án. Nhiều trường hợp phía nước ngoài xem là nạn nhân bị mua bán (theo phán quyết của tòa án) nhưng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì chưa đủ cơ sở xác định nạn nhân (ví dụ như các trường hợp ngư dân Việt Nam bị phía Thái Lan xem là nạn nhân bị mua bán trên tàu cá).

Bên cạnh đó, việc xác định nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn thi hành để họ hưởng các chế độ hỗ trợ hiện chưa phù hợp với thực tiễn. Có nhiều người bị hại bị mua bán xảy ra đã lâu, không thể nhớ chính xác sự việc nên không xác định được đối tượng chủ mưu, thực hiện hành vi mua bán và cơ quan có thẩm quyền không thể chứng minh họ là nạn nhân trong các vụ mua bán người.

B. Hân - H. Giang