Chuyển đổi số thư viện

Bài 2: Vượt rào cản để thành công

- Thứ Sáu, 19/11/2021, 07:01 - Chia sẻ
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các thư viện công cộng ở Việt Nam thời gian qua có thể coi là bước đi đầu tiên cho chuyển đổi số ngành thư viện trong tương lai. Đây là công việc tuy mới mẻ, song chúng ta đã rút được nhiều kinh nghiệm trong tổ chức, điều hành và phục vụ bạn đọc. Để thông tin/tri thức đến với độc giả nhanh hơn, hiệu quả hơn, so với cách phục vụ truyền thống, ngành thư viện cần thiết phải có các giải pháp cụ thể hơn.

Những bất cập căn bản

Cũng phải thừa nhận, các thư viện khi tiến hành ứng dụng chuyển đổi số còn gặp nhiều rào cản như: Thứ nhất, về vấn đề bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ (khi các thư viện tiến hành số hóa tài liệu toàn văn; khi các Trung tâm Thông tin - Thư viện trường đại học, học viện, cao đẳng xây dựng thư viện số; khi Việt Nam chưa có Luật Truy cập mở giống như một số nước trên thế giới, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển…).

	Các thư viện cần quan tâm thay đổi hình thức phục vụ bạn đọc, từ trực tiếp sang gián tiếp/trực tuyến - Ảnh: N.Linh
Các thư viện cần quan tâm thay đổi hình thức phục vụ bạn đọc, từ trực tiếp sang gián tiếp/trực tuyến
Ảnh: N.Linh

Thứ hai, chúng ta đang thiếu nhân lực công nghệ thông tin và số nhân lực đó không được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp về ứng dụng công nghệ thông tin trong thư viện, là những nguyên nhân gây khó khăn cho các đơn vị trong hệ thống thư viện công cộng Việt Nam trong xây dựng thư viện điện tử - thư viện số; dẫn đến hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin tại thư viện công cộng thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao. Điều này cũng làm cho việc xây dựng nguồn lực cán bộ có kỹ năng số diễn ra chậm chạp, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.

Thứ ba, thời gian qua, nhiều thư viện công cộng chủ yếu xây dựng cơ sở dữ liệu thư mục để phục vụ cho độc giả tra cứu tìm tin, việc đọc toàn văn tài liệu trong thư viện tuy đã được áp dụng ở khá nhiều thư viện, song vì cơ sở dữ liệu toàn văn chưa nhiều, nên còn hạn chế.

Thứ tư, do bị hạn chế bởi Luật Sở hữu trí tuệ, nên nhiều thư viện công cộng trong nước có tài nguyên thông tin, có các cơ sở dữ liệu toàn văn, mà không thể chia sẻ dữ liệu này cho nhiều thư viện bạn và cho các thư viện khác sử dụng chung.

Giải pháp thực hiện chuyển đổi số thành công

Chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big data) cho hệ thống thư viện Việt Nam, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong giai đoạn hiện nay, khi Chính phủ đang quyết tâm xây dựng xã hội số, kinh tế số và Chính phủ số (3 trụ cột của chuyển đổi số quốc gia).

Vì vậy, các bộ, ngành Trung ương cần xây dựng lộ trình, kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể cho việc chuyển đổi số trong hệ thống thư viện của mình. Đồng thời, các thư viện cũng cân nhắc: Việc gì làm trước, việc gì làm sau; tích hợp các tài nguyên thông tin (được phép truy cập) hoặc các tài liệu nội sinh (luận văn tốt nghiệp, luận án thạc sĩ, tiến sĩ trong/ngoài nước ở các học viện, nhà trường, cơ sở đào tạo…) cùng với các tài liệu khác trong các thư viện công cộng tỉnh được sử dụng không cần yếu tố bản quyền tác giả.

Có một lưu ý, khi xây dựng Big data, vận hành mạng liên kết, chia sẻ tài nguyên thông tin thư viện cả nước, chúng ta không thể cầu toàn, chờ đến khi làm xong cơ sở dữ liệu mới triển khai phục vụ, mà cân nhắc, tính toán hợp lý. Ví dụ, khi đã có được dữ liệu khá lớn, tài nguyên thông tin phong phú, là có thể triển khai ứng dụng/chia sẻ thông tin trong hệ thống (vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chỉnh sửa những gì chưa hợp lý trong quá trình vận hành).

Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin cũng là yếu tố quan trọng cho sự thành công của chuyển đổi số thư viện. Có thể nói, vài thập kỷ trở lại đây, các cơ quan trung ương và nhiều địa phương đã bước đầu quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất cho thư viện và các Trung tâm Thông tin - Thư viện như: máy chủ, máy vi tính, phần mềm thư viện, nối mạng internet... Các hạng mục này là tiền đề quan trọng để các thư viện tạo nên mạng liên kết trong cùng hệ thống/trong phạm vi cả nước, nâng cao khả năng phục vụ bạn đọc.

Không thể phủ nhận, nguồn nhân lực thư viện, gồm cán bộ thư viện và cán bộ công nghệ thông tin là những yếu tố quyết định cho chuyển đổi số. Cần lưu ý, cán bộ thư viện trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 phải là những cán bộ tinh thông nghiệp vụ, ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin, chuyển đổi số, để vận hành và duy trì mạng thông tin hiệu quả. Đặc biệt, cần thiết phải thay đổi tư duy làm việc cho đội ngũ cán bộ thư viện và cán bộ công nghệ thông tin trong toàn hệ thống, với phương châm: Chuyển từ hoạt động truyền thống sang hiện đại, từ tổ chức kho thư viện sang quản trị tri thức - tài nguyên thông tin. Đặc biệt, quan tâm thay đổi hình thức phục vụ bạn đọc: từ trực tiếp sang gián tiếp/trực tuyến, kể cả trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay.

Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam