Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XVIII

Đón đầu làn sóng đầu tư mới

- Thứ Ba, 14/07/2020, 01:17 - Chia sẻ
Làm thế nào để đón bắt được những cơ hội mới nhằm khôi phục nền kinh tế của tỉnh sau tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19? Giải pháp nào để nâng cao sức đề kháng của nền kinh tế, tháo gỡ những điểm nghẽn giúp Bắc Giang vững bước, bước vào chặng đường mới? Đó là những trăn trở của rất nhiều đại biểu HĐND tỉnh khi bàn phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm.

Tập trung phát triển công nghiệp

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống, song Bắc Giang vẫn đạt tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức 6,4%. Nếu đối sánh với tốc độ trung bình của cả nước (1,81%) và con số 12/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mức tăng trưởng âm, thì đây là kết quả kết sức đáng ghi nhận. Theo nhận định của các đại biểu: Một trong những yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn duy trì ở “top” cao so với cả nước chính là trụ cột công nghiệp vẫn giữ được vai trò là động lực.

Kết quả này là hết sức đáng ghi nhận. Tuy nhiên, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Đặng Hồng Chiến và nhiều đại biểu vẫn tỏ ra lo lắng, bởi khu vực các khu công nghiệp của tỉnh đang nổi lên tình trạng một số băng, nhóm có dấu hiệu hoạt động bảo kê, cản trở, thậm chí dọa dẫm, chiếm đoạt tài sản doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp dù không muốn nhưng vẫn phải ký hợp đồng với các nhóm bảo kê về các phương tiện máy móc, nguyên liệu, nhân công để “êm chuyện”. Để chấm dứt tình trạng này, tỉnh cần những biện pháp xử lý mạnh tay để “thanh lọc” những “con sâu” gây ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, làm méo mó hình ảnh của Bắc Giang trong mắt các nhà đầu tư.  

Trước ý kiến của đại biểu, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh cho rằng, cấp ủy các cấp, chính quyền, doanh nghiệp, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm. Với trách nhiệm của mình, Công an tỉnh sẽ phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tiến hành đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Đồng thời, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin cùng phối hợp trong giải quyết các vụ việc phức tạp…

Trên bản đồ đầu tư cả nước, Bắc Giang đang là điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ: Hạ tầng công nghiệp của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu; công tác quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp (CCN) còn chưa có tầm nhìn dài hạn; năng lực của các nhà đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn hạn chế về kinh nghiệm, tài chính; công tác tổ chức quy hoạch, đầu tư và thu hút doanh nghiệp còn nhiều bất cập… Do đó, để các KCN, CCN trên địa bàn đón làn sóng đầu tư mới, cần có chiến lược phát triển dài hơi.

Đưa ra giải pháp, nhiều ý kiến đề nghị, tỉnh phải chú trọng đồng bộ hóa hạ tầng các KCN, CCN với hạ tầng điện, nước, giao thông, viễn thông và gắn với xây dựng đô thị, dịch vụ thương mại, nhà ở công nhân; các thiết chế như y tế, văn hóa, giáo dục… Đặc biệt, cần nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo môi trường hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh… nhằm đón đầu làn sóng đầu tư mới trong bối cảnh dòng chảy của các vốn từ các tập đoàn kinh tế mạnh trên thế giới đang có xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ sang các nước khu vực châu Á…

Đại biểu thảo luận tại kỳ họp

Quy hoạch đi trước một bước

Bắc Giang hướng đến tầm nhìn dài hạn là xây dựng tỉnh ngày càng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, theo nhận định của một số đại biểu thì sẽ khó có một hình ảnh Bắc Giang hiện đại, năng động, xanh sạch, đẹp nếu công tác quy hoạch không đi trước một bước, không mang tính “dẫn đường”. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thu Hồng chỉ rõ: Hiện nay, công tác quy hoạch chưa thực sự được triển khai bài bản, đồng bộ. Vì vậy, cần sớm thành lập tổ tư vấn vững vàng chuyên môn, khảo sát kỹ địa bàn, có sự so sánh, nắm bắt thông tin quy hoạch của các vùng lân cận, từng bước nâng cao chất lượng quy hoạch tổng thể, vùng, lĩnh vực phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm sự phát triển bền vững.

 Trong khi đó, Phó Giám đốc phụ trách Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Cường cho rằng, để làm tốt công tác quy hoạch, cần thực hiện tốt 2 bước: Lập quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch. Khi xây dựng quy hoạch cần phải thể hiện được những điểm lớn, nội dung quan trọng, nổi bật và điểm mới của Luật Quy hoạch; phải hướng tới mục tiêu phát triển nhanh, bền vững theo 3 trụ cột: Tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; tăng trưởng kinh tế thúc đẩy tiến bộ xã hội; tăng trưởng kinh tế gắn với sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Quá trình xây dựng quy hoạch, phải thường xuyên có sự trao đổi ý kiến giữa các sở, ngành, địa phương để bảo đảm sự thống nhất, tránh chồng chéo giữa các ngành, địa phương. Cần tham khảo các nhà khoa học, các chuyên gia để xây dựng được bản quy hoạch có chất lượng. Đặc biệt, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cơ sở đến cấp tỉnh và sự giám sát chặt chẽ của các cấp, ngành.

Ngoài hai nội dung nêu trên, các đại biểu cũng tập trung luận bàn các nội dung liên quan đến vấn đề phát triển nông nghiệp; dịch vụ, du lịch; chất lượng nguồn lao động; vấn đề ô nhiễm môi trường; quản lý hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật… Đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu giúp UBND tỉnh hoàn thiện kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm.

Với 75 đại biểu phát biểu tại tổ và 23 đại biểu đăng ký thảo luận tại hội trường, phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn và mang đậm tính xây dựng. Các đại biểu nhấn mạnh: Bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp theo kịch bản tăng trưởng của UBND tỉnh đưa ra, cần sớm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trên từng trụ cột, từng ngành, lĩnh vực. Vừa phát huy nội lực, vừa chủ động tìm kiếm, đón đầu thêm những động lực mới cho tăng trưởng. Khơi dậy khát vọng xây dựng quê hương giàu đẹp trong lòng mỗi người dân. Có như vậy, Bắc Giang mới nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng. Đồng thời tạo sức bật để tỉnh phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

Nguyễn Ánh