Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND

Bài 2: Xác định cơ cấu, thành phần chính xác, hợp lý

- Thứ Sáu, 05/02/2021, 07:22 - Chia sẻ
Số lượng các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương cũng như ở địa phương là rất lớn, trong khi số lượng đại biểu dân cử được bầu lại không nhiều nên hiệp thương để chuẩn xác lại cơ cấu, thành phần cho thật hợp lý là công việc tất yếu, phải tiến hành nhiều lần (theo quy định của Luật Bầu cử hiện hành là 3 lần).

Về lý thuyết, nếu ở công đoạn dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng mà được thực hiện tốt (chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn, đúng cơ cấu, thành phần hợp lý) thì sang công đoạn hiệp thương và các công đoạn tiếp theo sẽ “nhẹ nhàng”, đỡ vất vả hơn. Nhưng trên thực tế các cuộc bầu cử gần đây cho thấy, công đoạn hiệp thương là khá phức tạp. Trong Báo cáo Tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 số 695/BC-HĐBCQG đã nhận định, “Một số cơ cấu, số lượng phân bổ đại biểu chưa được như định hướng, dự kiến ban đầu, nhất là tỷ lệ nữ, tỷ lệ người ngoài đảng; nhiều người do Trung ương giới thiệu không trúng cử ở một số tỉnh, thành phố... Việc đưa ra khỏi danh sách một số ứng cử viên tự ứng cử đại biểu Quốc hội trong hiệp thương lần thứ ba mà được cử tri nơi cư trú, cử tri ở cơ quan tín nhiệm chưa hoàn toàn được dư luận đồng tình”. Bài học này gián tiếp nói rằng, ở những nơi đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo có phần lơi lỏng, hạn chế.

Do đó, cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND để bảo đảm chuẩn xác lại cơ cấu, thành phần cho thật hợp lý.

Đối với hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, có mấy cơ cấu, thành phần đáng lưu ý:

Một là, cơ cấu số lượng và tỷ lệ giữa đại biểu ở Trung ương và đại biểu ở địa phương. Ở nhiều khóa thường là 1/3 đại biểu ở Trung ương và 2/3 là đại biểu ở địa phương. Tuy nhiên đang có xu hướng tăng đại biểu ở Trung ương (từ Khóa XI đến Khóa XIV lần lượt là 30,92%; 31,03%; 33,4% và 36,04%), cũng có nghĩa là giảm số lượng và tỷ lệ đại biểu ở địa phương. Theo chúng tôi, giữ ở mức 30% và 70% như nhiều khóa trước đây là hợp lý. Muốn vậy, phải thống nhất cao và có sự lãnh đạo sát sao, chỉ đạo cụ thể của Đảng đoàn Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cấp ủy ngành, địa phương.

Hai là, cơ cấu đại biểu nữ: Đã có một số khóa tỷ lệ đại biểu nữ đạt trên 30% (Khóa V tới 32%). Những khóa sau này chỉ đạt từ 18 đến hơn 27%. Có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng hai nguyên nhân mà cuộc bầu cử tới đòi hỏi sự lãnh đạo quyết liệt của các cấp ủy để khắc phục tình hình này. 

Trước hết là, nguyên nhân về tính đặc thù của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị ít phụ nữ mà số người ứng cử lại tương đối nhiều như quốc phòng, an ninh, Thường trực các cơ quan của Quốc hội... Những cơ quan này không thể áp dụng tỷ lệ cao người ứng cử là nữ được. Ngược lại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là ở địa phương có nhiều phụ nữ, nhưng trong thực hiện người ta có thiên hướng cố gắng đạt tỷ lệ trung bình là được. Vì vậy Đảng đoàn Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia phải chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tính toán tỷ lệ nữ ứng cử cho từng loại cơ quan, tổ chức, đơn vị thật tương thích. Và trong chỉ đạo phải kiên quyết giữ vững tỷ lệ đó. 

Tiếp theo là, mấy khóa gần đây trong cơ cấu không còn đại biểu là nông dân, công nhân - hai thành phần có tầm quan trọng nhiều mặt trong xã hội. Nhiều khóa trước các đại biểu thuộc cơ cấu này chiếm tỷ lệ khá cao (Khóa IV công nhân 23,3%, nông dân 21,4%; Khóa V công nhân 22%, nông dân 21%; Khóa VI công nhân 16,2%, nông dân 20,3%...). Riêng Khóa IX thì lại đổi tỷ lệ đại biểu công nhân thành công nghiệp, nông dân thành nông nghiệp. Bốn khóa gần đây lại có tỷ lệ đại biểu của khối doanh nghiệp (có từ 3 - 7%), nhưng trong đó doanh nghiệp nhà nước cũng chiếm phần đáng kể.

Như vậy, trên thực tế, dần dần các đại biểu Quốc hội hầu như đều là cán bộ, công chức nhà nước, mà cơ cấu cán bộ, công chức nhà nước nhất là ở Trung ương thì tỷ lệ nữ không cao. Trong khi cơ cấu của khối cử tri có tỷ lệ nữ không cao, lại đặt yêu cầu phải nâng cao tỷ lệ nữ được giới thiệu ứng cử thì thật là khó, dù lãnh đạo, chỉ đạo cực tốt cũng khó đạt được. Do đó, phải xác định cơ cấu, thành phần thật hợp lý ngay từ khi phân bổ và chuẩn xác lại trong ba lần hiệp thương. Trong đó có vấn đề lớn là cần xem xét để có đại biểu là những người lao động bình thường (công nhân, nông dân, lao động khu vực phi chính thức...) đại diện cho phần lớn Nhân dân và cử tri cả nước.

Ba là, sự “cọ xát” căng thẳng về số lượng. Tâm lý chung là, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương nào cũng mong muốn có số lượng người được giới thiệu ứng cử nhiều hơn. Ở địa phương thì có “công thức” tính gồm 3 đại biểu “gốc” cộng số lượng đại biểu tăng thêm theo số dân, còn ở Trung ương thì “ngầm hiểu” là tầm quan trọng của mỗi loại cơ quan, tổ chức, đơn vị, mà “định tính” về tầm quan trọng thì thảo luận vô cùng căng thẳng, khó phân định. Chính đây là vấn đề đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, cụ thể của tổ chức Đảng trên cơ sở Hiến pháp và tính chất, hiệu quả hoạt động của mỗi lĩnh vực (cụ thể là các quy định tại Điều 4 Hiến pháp về Đảng; Điều 6 Hiến pháp về Nhân dân, Điều 8 Hiến pháp về Nhà nước, Điều 9 Hiến pháp về Mặt trận, Điều 10 Hiến pháp về công đoàn...).

Bốn là, bám sát tiêu chuẩn đại biểu để “cọ xát” về chất lượng người được giới thiệu ứng cử. Chất lượng (đức và tài) là vấn đề hàng đầu trong hoạt động của đại biểu. Ngoài học vấn thể hiện qua cấp độ được đào tạo thì trong lãnh đạo nên kết hợp với việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi làm việc, địa bàn hoạt động, nơi cư trú để nắm bắt được tinh thần, thái độ công tác, kết quả công việc cụ thể, mức độ gắn kết với Nhân dân, đạo đức, tư cách của người được giới thiệu ứng cử (hết sức tránh hình thức, "ngợp" về bằng cấp, những lời nói hoa mỹ... mà không biết rõ thực hư công việc, đạo đức, lối sống ra sao). Trong giai đoạn hiện nay có vấn đề cần được quan tâm đặc biệt là, người được giới thiệu ứng cử phải là người không tham nhũng, không có liên quan đến tham nhũng và phải kiên quyết đấu tranh quyết liệt với tham nhũng.

Đối với hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND các cấp: ngoài những vấn đề tương tự như giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội thì cần lưu ý tới cơ cấu nữ ở HĐND cấp xã. Thực tế cho thấy, kết quả các cuộc bầu cử gần đây chưa bao giờ tỷ lệ đại biểu nữ HĐND cấp xã đạt được định hướng, và bao giờ cũng thấp hơn tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh và cấp huyện, (nhiệm kỳ 2007 - 2011, cấp tỉnh 23,9%, cấp huyện 23,0%, cấp xã 19,5%; nhiệm kỳ 2011 - 2016, cấp tỉnh 25,2%, cấp huyện 24,6%, cấp xã 21,7%; nhiệm kỳ 2016 - 2021, cấp tỉnh 26,7%, cấp huyện 27,5%, cấp xã 26,5%). Vì sao có tình hình này? Vì việc vận dụng tiêu chuẩn. 4 tiêu chuẩn đại biểu HĐND là thống nhất, nhưng đối với đại biểu HĐND cấp xã thì tiêu chuẩn thứ 3 “Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của HĐND”, đối với phụ nữ ở cấp xã nói chung và phụ nữ ở xã bản miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng là vô cùng khó khăn. Trình độ văn hóa thấp, chuyên môn, khoa học kỹ thuật yếu; một số nơi do tập tục, lối sống lạc hậu... nên khó có điều kiện tham gia hoạt động chính trị, xã hội. Một số chị em lại không tự tin, không muốn tham gia hoạt động. Có lẽ các tổ chức Đảng ở những địa bàn này phải căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế để lựa chọn, giới thiệu (theo phương pháp “so đũa”) chứ không thể rập khuôn theo khu vực đồng bằng hay thành phố, thị xã.

TS Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội