Nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND kiêm nhiệm

Bài 2: Giảm đại biểu công tác ở cơ quan hành chính

- Thứ Sáu, 23/10/2020, 23:55 - Chia sẻ
Trên thực tế, do chưa thực sự chú trọng về chất lượng đại biểu, vẫn còn nặng về cơ cấu nên nhiều đại biểu kiêm nhiệm còn nặng về nhiệm vụ chuyên môn ở cơ quan, đơn vị, chưa dành thời gian nghiên cứu, cập nhật thông tin cần thiết phục vụ hoạt động HĐND. Vì vậy, theo Thường trực HĐND huyện Bù Đăng, Bình Phước, cần giảm số lượng đại biểu công tác tại các cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp, tăng số lượng đại biểu thuộc khối đảng, đoàn thể, hội đặc thù; đại biểu ngoài Đảng nên bố trí là người có uy tín trong cộng đồng nhưng phải bảo đảm chất lượng…

Tạo điều kiện cho hoạt động của đại biểu

Đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND huyện Bù Đăng có 40 đại biểu, trong đó có 5 đại biểu chuyên trách và 35 đại biểu kiêm nhiệm, đến nay còn lại 32/37 đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, chiếm 86,5%. Trong đó, có 8 đại biểu đang công tác tại các cơ quan khối Đảng, MTTQ, đoàn thể, 20 đại biểu đang công tác tại các cơ quan chuyên môn của UBND huyện và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn… số đại biểu tham gia lần đầu chiếm 64,9%.

Một phiên chát vấn giữa 2 kỳ họp HĐND huyện Bù Đăng, Bình Phước
Ảnh: Mỹ Hiệp

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND huyện Bù Đăng luôn quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu. Ngoài tổ chức cho đại biểu HĐND huyện tham dự các lớp bồi dưỡng kỹ năng hoạt động do HĐND tỉnh tổ chức, các điều kiện, kể cả các chế độ, chính sách bảo đảm cho hoạt động của đại biểu HĐND huyện luôn được quan tâm, thực hiện đầy đủ. Các đại biểu đều được cung cấp tài khoản cá nhân truy cập vào trang tác nghiệp của HĐND huyện để lấy thông tin và tài liệu kỳ họp HĐND huyện được kịp thời, tạo điều kiện để đại biểu tra cứu tài liệu nhanh chóng, tiện lợi… Tại các kỳ họp, Thường trực HĐND huyện đều có báo cáo kết quả hoạt động của đại biểu HĐND huyện và các cơ quan hữu quan tham gia các hoạt động của HĐND huyện 6 tháng, cả năm.

Phải có điều kiện tham gia các hoạt động HĐND

Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng do phần lớn đại biểu HĐND huyện hoạt động kiêm nhiệm, một số đại biểu giữ cương vị lãnh đạo trong các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp huyện và cấp xã nên chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động của HĐND. Trong thực hiện quyền giám sát, nhiều đại biểu kiêm nhiệm vừa là chủ thể giám sát, vừa là đối tượng chịu sự giám sát nên chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình do ngại va chạm, còn né tránh trong chất vấn tại các kỳ họp, trong các đợt giám sát dẫn đến chất lượng, hiệu quả giám sát còn hạn chế.

Một số thành viên các Ban của HĐND huyện chưa nghiên cứu sâu về lĩnh vực ban phụ trách, do bận công tác ở cơ quan, đơn vị, chưa dành nhiều thời gian tham gia hoạt động của Ban, dẫn đến việc nghiên cứu, xem xét, đưa ra các giải pháp hiệu quả và quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, nhất là về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công... còn có nội dung chưa sâu, dẫn đến chất lượng thẩm tra, giám sát và hiệu quả hoạt động của Ban vẫn còn một số hạn chế nhất định.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, trước hết do chưa thực sự chú trọng về chất lượng đại biểu, vẫn còn nặng về cơ cấu. Một số đại biểu HĐND cấp huyện đang công tác hoặc cư trú ở cấp xã năng lực, kỹ năng hoạt động còn hạn chế, ít có điều kiện tiếp cận với các nguồn thông tin nên chưa thực hiện đầy đủ vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu Nhân dân. Nhiều đại biểu còn nặng về nhiệm vụ chuyên môn ở cơ quan, đơn vị chưa dành thời gian nghiên cứu, cập nhật thông tin cần thiết phục vụ hoạt động HĐND, do vậy, ít có đóng góp vào các hoạt động của HĐND. Công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND chưa thường xuyên, đa số đại biểu hoạt động theo kiểu vừa học vừa làm.

Thực tế cho thấy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND, trước tiên cần phải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu. Đặc biệt, bảo đảm đại biểu phải có điều kiện tham gia các hoạt động của HĐND; giảm số lượng đại biểu công tác tại các cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp, tăng số lượng đại biểu thuộc khối đảng, đoàn thể, hội đặc thù; đại biểu HĐND huyện ở cơ sở nên xem xét bố trí Chủ tịch HĐND cấp xã; đại biểu ngoài Đảng nên bố trí là người có uy tín trong cộng đồng nhưng phải bảo đảm về chất lượng. Mặt khác, hàng năm cấp ủy Đảng cần đưa tiêu chí đánh giá cán bộ đảng viên là đại biểu HĐND theo đề nghị của Thường trực HĐND để nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ đảng viên đối với hoạt động của HĐND.

Cùng với đó, Thường trực HĐND cần thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND; tổ chức trao đổi kinh nghiệm cho đại biểu HĐND với các địa phương khác để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ và kinh nghiệm hoạt động HĐND. Thường trực HĐND các cấp cần ban hành quy định về tiêu chí đánh giá, phân xếp loại hàng năm đối với đại biểu, Tổ đại biểu, Ban HĐND phù hợp với điều kiện thực tế làm căn cứ thực hiện và cũng là cơ sở để thực hiện công tác thi đua khen thưởng cho đại biểu hàng năm. Bên cạnh đó, cần giao thẩm quyền cho HĐND các cấp được khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân và đại biểu HĐND có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động của HĐND, có như vậy mới khích lệ tinh thần của các tổ chức, cá nhân và đại biểu HĐND tích cực tham gia hoạt động của HĐND.

LÊ PHƯỚC