Khen thưởng đại biểu dân cử

Bài 2: Có phù hợp và bảo đảm khách quan?

- Thứ Sáu, 15/10/2021, 05:44 - Chia sẻ
Chính phủ/UBND là cơ quan chấp hành của Quốc hội/HĐND, Thủ tướng Chính phủ/Chủ tịch UBND là chức danh do Quốc hội, HĐND bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thì việc Thủ tướng Chính phủ khen thưởng ĐBQH; Chủ tịch UBND cấp tỉnh khen thưởng các đại biểu HĐND chuyên trách có phù hợp và bảo đảm khách quan? Những vướng mắc xuất phát từ mối quan hệ giữa hai hệ thống cơ quan dân cử và cơ quan hành chính có thẩm quyền quản lý không những gây khó khăn trong quá trình thực hiện và còn tạo tâm tư cho chính các đại biểu, cơ quan dân cử.

Việc khen thưởng đại biểu dân cử đã được trực tiếp và gián tiếp quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, các quy định pháp luật vẫn còn có một số bất cập, gây ảnh hưởng đến công tác khen thưởng của đại biểu dân cử.

Đoàn giám sát thực hiện kế hoạch đầu tư công của HĐND tỉnh Điện Biên kiểm tra công trình nước sinh hoạt trên địa bàn xã Nậm Nèn, huyện Mường Chà
Ảnh: Văn Tâm

Chưa bao quát tới các nhóm đại biểu dân cử

Trước hết, pháp luật chưa bao quát việc khen thưởng tới các nhóm đại biểu dân cử. Công tác khen thưởng đại biểu dân cử được thực hiện chung như đối với các chính sách khác về công tác cán bộ. Khi đó, việc khen thưởng luôn gắn với một chức danh, một vị trí việc làm cụ thể trong các cơ quan nhà nước, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở Việt Nam. Như vậy, nhóm đại biểu dân cử không giữ chức danh, không xác định vị trí việc làm tại các cơ quan trong hệ thống chính trị Việt Nam (thường là nhóm đại biểu dân cử của các doanh nghiệp hoặc các hiệp hội nghề nghiệp) đang nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của các quy định pháp luật về khen thưởng vì không xác định được cơ quan có thẩm quyền trình và khen thưởng.

Nếu xác định khen thưởng là một chính sách tạo động lực nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các đại biểu dân cử thì cần bình đẳng trong khen thưởng đối với tất cả đại biểu. Khi đó, cần lấy căn cứ hoàn thành nhiệm vụ để làm tiêu chí xác định việc khen thưởng. Như đã nói, nội dung này đã được đề cập từ Nghị quyết số 310 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau hơn 10 năm gián đoạn nay đã được thể hiện tại Nghị quyết số 1206 với đối tượng và phạm vi áp dụng là khen thưởng đối với đại biểu HĐND.

Quy trình chưa cụ thể, bất cập

Bên cạnh đó, quy trình khen thưởng chưa cụ thể. Hiện nay, quy trình khen thưởng luôn gắn với cơ quan có thẩm quyền quản lý đại biểu dân cử để xác định tiến trình và chủ thể có quyền khen thưởng. Theo Luật Thi đua, khen thưởng, các danh hiệu thi đua và bằng khen cấp bộ, UBND cấp tỉnh là căn cứ để xét khen thưởng những hình thức cao hơn (Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động…). Tuy nhiên, đối với ĐBQH chuyên trách ở Trung ương công tác tại các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội không thực hiện khen thưởng (bằng khen cấp bộ), đồng thời cũng cũng chưa rõ chủ thể thực hiện việc trình bằng khen của UBND cấp tỉnh đối với ĐBQH chuyên trách ở địa phương.

Đối với đại biểu HĐND, Nghị quyết số 1206/2016/NQ-UBTVQH13 có quy định đại biểu HĐND thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được xem xét khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng. Tuy nhiên, Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành chỉ giới hạn đối tượng khen thưởng là đại biểu HĐND chuyên trách, cơ quan có thẩm quyền khen thưởng hoặc trình khen thưởng là Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Các hình thức khen thưởng cao hơn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc đề nghị. Thẩm quyền này bảo đảm sự thống nhất với nguyên tắc quản lý công tác khen thưởng được quy định tại các văn bản pháp luật như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương về chức năng nhiệm vụ của Chính phủ, UBND.

Vấn đề đặt ra là Chính phủ/UBND là cơ quan chấp hành của Quốc hội/HĐND, Thủ tướng Chính phủ/Chủ tịch UBND là chức danh do Quốc hội, HĐND bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thì việc Thủ tướng Chính phủ khen thưởng ĐBQH, Chủ tịch UBND cấp tỉnh khen thưởng đại biểu HĐND chuyên trách có phù hợp và bảo đảm khách quan khi đối tượng được khen thưởng là người bầu ra chủ thể có thẩm quyền khen thưởng. Từ những vướng mắc xuất phát từ mối quan hệ giữa hai hệ thống cơ quan dân cử và cơ quan hành chính có thẩm quyền quản lý đã gây khó khăn trong quá trình thực hiện và tâm tư cho chính các đại biểu, cơ quan dân cử.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần thiết lập một cơ chế khen thưởng đối với tất cả đại biểu dân cử, lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ dân cử làm tiêu chí đánh giá khen thưởng. Đây đồng thời là giải pháp cho những vướng mắc, bất cập để giải quyết mối quan hệ giữa cơ quan quyền lực và cơ quan hành chính khi xác định cơ quan có thẩm quyền và quy trình khen thưởng.

Ts. Hoàng Thị Lan