Nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề của HĐND cấp huyện ở tỉnh Lai Châu

Bài 3: Không lệ thuộc nhiều vào báo cáo giám sát

- Thứ Tư, 02/12/2020, 08:48 - Chia sẻ
Để có thông tin chân thực, chính xác, đoàn giám sát HĐND, Thường trực, các Ban HĐND huyện Mường Tè căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương tiến hành khảo sát, kiểm tra một số nội dung hồ sơ, vấn đề, vụ việc thuộc lĩnh vực giám sát tại những nơi được giám sát để phát hiện nội dung không thống nhất giữa báo cáo và tình hình thực tế của địa phương. Kết quả phân tích, xem xét hồ sơ và trực tiếp khảo sát tại cơ sở giúp đoàn giám sát nhìn nhận, đánh giá vấn đề khách quan, chính xác để không lệ thuộc nhiều vào báo cáo giám sát.

Phát hiện nội dung không thống nhất giữa báo cáo và thực tế

Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, ngoài giám sát thường xuyên, HĐND, Thường trực, các Ban HĐND huyện Mường Tè đã tiến hành 27 cuộc giám sát chuyên đề. Quá trình triển khai giám sát tại các địa phương được các cơ quan liên quan, địa phương phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi. Để có thông tin chân thực, chính xác, đoàn giám sát căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương khảo sát, kiểm tra một số nội dung hồ sơ, vấn đề, vụ việc thuộc lĩnh vực giám sát tại những nơi được giám sát để phát hiện nội dung không thống nhất giữa báo cáo và tình hình thực tế của địa phương. Kết quả của việc phân tích, xem xét hồ sơ và trực tiếp khảo sát tại cơ sở giúp đoàn giám sát nhìn nhận, đánh giá vấn đề khách quan, chính xác để không lệ thuộc nhiều vào báo cáo giám sát.

Bên cạnh chỉ rõ những hạn chế, yếu kém của các địa phương, cơ quan, tổ chức, giám sát chuyên đề của Thường trực và các Ban HĐND huyện đã nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, điều hành dẫn đến những hạn chế, yếu kém. Sau mỗi cuộc giám sát, Thường trực, các Ban HĐND huyện có thông báo kết luận gửi đến đối tượng được giám sát và các tổ chức, cơ quan liên quan để đánh giá ưu điểm, chỉ rõ khuyết điểm, tồn tại và nguyên nhân, trên cơ sở đó kiến nghị những biện pháp khắc phục.

Nhiều nội dung giám sát chuyên đề của Thường trực, các Ban HĐND huyện đã được thảo luận và chất vấn tại kỳ họp HĐND huyện, tạo hiệu ứng rất mạnh mẽ. Đơn cử, tại Kỳ họp thứ 10 diễn ra tháng 7.2020, nhiều vấn đề liên quan đến tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ kế hoạch 6 tháng cuối năm; các nội dung liên quan đến trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại báo cáo giải quyết và trả lời của UBND huyện (chủ yếu là liên quan đến nguồn vốn, kinh phí thực hiện, xử lý khắc phục công trình, dự án thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản) và một số nội dung khác... đã được đưa ra thảo luận, chất vấn. Thường trực, các Ban HĐND luôn tăng cường giám sát, đôn đốc việc thực hiện các kết luận được ban hành sau giám sát. Đối với những kiến nghị sau giám sát chậm được giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng sẽ được tổ chức tái giám sát hoặc đưa ra chất vấn tại kỳ họp.

Các đại biểu tham dự kỳ họp

Ảnh: Bảo Trâm 

Tận dụng các kiến nghị giám sát

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song công tác phối hợp giữa Thường trực, các Ban HĐND huyện Mường Tè với các tổ chức chính trị - xã hội, các ban Đảng thuộc Huyện ủy trong hoạt động giám sát còn hạn chế, chưa tận dụng được kết quả giám sát của nhau. Một số thành viên trong đoàn giám sát chưa dành nhiều thời gian, tâm huyết cho hoạt động giám sát chuyên đề. Hoạt động tái giám sát với thực hiện các kiến nghị sau giám sát còn hạn chế.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, muốn giám sát đạt chất lượng, hiệu quả, trước hết phải chuẩn bị kỹ các điều kiện cho cuộc giám sát. Cần lựa chọn vấn đề giám sát phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương, tránh dàn trải. Trong đó, cần tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc như: Các chương trình, dự án, chính sách ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đa số Nhân dân; các vấn đề liên quan đến quản lý tài chính, đất đai, ô nhiễm môi trường; các nguồn vốn, kinh phí thực hiện, xử lý khắc phục công trình, dự án thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản... Xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng được giám sát báo cáo phải cụ thể, rõ ràng, giới hạn mốc thời gian. Xem xét kỹ các báo cáo để phát hiện những hạn chế, bất cập hoặc mâu thuẫn trong báo cáo; cần thiết phải thu thập nguồn thông tin từ nhiều kênh khác nhau để tiến hành giám sát, không lệ thuộc vào báo cáo giám sát.

Các thành viên trong đoàn giám sát cần dành thời gian thỏa đáng nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật, tài liệu liên quan, ý kiến cử tri, thông tin qua báo chí và dư luận xã hội. Tùy từng nội dung giám sát cụ thể, có thể tiến hành làm việc với cơ quan quản lý nhà nước trước, đi thực tế đơn vị, cơ sở sau và ngược lại. Trên cơ sở đối chiếu các quy định của pháp luật, chức năng nhiệm vụ của đơn vị; so sánh kết quả, các số liệu, nhận định đánh giá của từng đơn vị được giám sát để kiểm tra hay thẩm định kỹ những nội dung từng cơ quan đơn vị đã báo cáo.

Một vấn đề lưu ý nữa là chủ động phối hợp giữa Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh với các tổ chức chính trị - xã hội, các ban Đảng thuộc Huyện ủy trong hoạt động giám sát để tận dụng được kết quả giám sát của nhau. Chú trọng lựa chọn các kiến nghị sau giám sát cụ thể, có trọng tâm, đúng thẩm quyền và khả thi. Đặc biệt, phải xem hoạt động theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát là nội dung quan trọng. Để tăng hiệu quả công tác giám sát, những nội dung chất vấn tại kỳ họp nên xoay quanh những kết quả, kiến nghị giám sát của Thường trực và các Ban HĐND huyện; đồng thời, đưa các kết quả giám sát lên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và Nhân dân cùng theo dõi, giám sát.

THỦY NGUYỄN