Sứ mệnh và tiền đồ của chủ nghĩa xã hội Việt Nam - thách thức từ cuộc đấu tranh, phát triển tư tưởng, lý luận hiện nay

Bài 3: Chủ động tiên lượng, từng bước khắc chế hiệu quả sự chống phá

- Chủ Nhật, 13/12/2020, 08:44 - Chia sẻ

Hơn bất cứ một cuộc cách mạng nào khác trong lịch sử, chủ nghĩa xã hội muốn phát triển, tự nó phải đổi mới, phải cải cách, phải biết tự bảo vệ nó. Từ sự thất bại của chủ nghĩa xã hội vừa qua, chúng ta phải biết đoạn tuyệt với những gì bị đào thải và ra đi mãi mãi nhưng không được phép quên những bài học lịch sử, nhất là những bài học thất bại.

Nghiêm khắc tự chỉnh đốn, phát triển mình một cách toàn diện 

Chưa bao giờ như hiện nay, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đang đối mặt với không ít nguy cơ, thách thức mới và cả những gì chúng ta từng đối mặt, cố nhiên, ở mức độ nguy hiểm hơn và trong bối cảnh rất khác. Và, điều quan trọng nhất, kẻ thù của chủ nghĩa xã hội mang nhiều bộ mặt mới, rất khó phân định rạch ròi, bên cạnh những thủ đoạn hung bạo hơn, trắng trợn hơn và mức độ thâm hiểm và xảo trá lại ở một đẳng cấp mới còn có những kẻ “thân ở tại Thục nhưng tâm gửi bên Tào”, “ngoài khoác áo đỏ nhưng bên trong thì mang lòng bạch vệ” trong đội ngũ chúng ta.  

Toàn bộ điều đó cấp bách đòi hỏi công tác tư tưởng, lý luận phải tự vượt lên mình và những người làm công tác tư tưởng, lý luận nghiêm khắc tự chỉnh đốn mình một cách toàn diện, xứng đáng ngang tầm nhiệm vụ. 

Nhìn lại những bước ngoặt thăng trầm của chủ nghĩa xã hội thế giới 30 năm qua, kể từ năm 1991, và đặc biệt ở những khúc quanh của lịch sử đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, có thể nói, sự hoang mang, cơ hội về tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên; sự cùn mòn, lạc hậu và cũ kỹ về lý luận của một số bộ phận có nhiệm vụ đã chuốc lấy sự thất bại được báo trước đối với việc bảo vệ và phát triển tư tưởng XHCN và phát triển chủ nghĩa xã hội hiện thực ở không ít lĩnh vực. Không thể phủ nhận rằng, sự thờ ơ, lảng tránh, có phần sợ hãi ở không ít bộ phận, thậm chí hành động tự hạ vũ khí tư tưởng, lý luận, đổi gió trở cờ phản bội lý tưởng XHCN dưới mọi hình thức và mức độ của một số người từng xuất thân và trưởng thành từ nội bộ đã khiến chúng ta gặp không ít khó khăn trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa xã hội hiện thực. Và, những điều tệ hại đó đã và đang xâm hại một cách nguy hiểm vị thế, hạ thấp vai trò, thủ tiêu chức năng, vô hiệu hóa chính công tác tư tưởng, lý luận ở một số nơi và một số phương diện; và cuối cùng có nguy cơ tầm thường hóa tư tưởng, hạ thấp lý luận XHCN. 

Đó đang là thách thức đối với công tác tư tưởng, lý luận. Vì, có những người từng là cộng sản, đi theo bóng cờ XHCN lại đang hoang mang, thậm chí không ít kẻ cơ hội, phản bội không đủ tri thức và bản lĩnh chính trị. Khi gặp sự biến năm 1991 và hôm nay, họ như vậy thì không có gì lạ cả. Và, kẻ thù chưa đánh họ đã tự tan rã rồi. 

Gần 35 năm qua, các lực lượng chống đối, kẻ thù tư tưởng đã không từ một thủ đoạn nào, bỏ sót một phương diện nào, khi công khai, lúc ngấm ngầm bôi nhọ, xuyên tạc các phương diện, các cá nhân và tổ chức tiến hành sự nghiệp đổi mới. Hơn 20 năm nay, cùng với hàng núi sách báo chống cộng, tận dụng ưu thế của công nghệ thông tin, với sự tiếp sức của các lực lượng phản động và truyền thông ngoài biên giới, sự chống phá đó càng rộng khắp, quyết liệt và vô cùng thâm hiểm. Việt Nam là nước có số người dùng Internet và mạng xã hội thuộc tốp đầu trên thế giới, với hơn 64 triệu người dùng Internet (chiếm 67% dân số); hơn 55 triệu người dùng (chiếm 57% dân số) và 436 mạng xã hội đang hoạt động, đứng thứ 7 trong 10 nước có số người sử dụng mạng xã hội nhiều nhất thế giới. Cùng với những giá trị tích cực, mạng xã hội cũng bộc lộ những mặt trái và hệ lụy của nó đối với sự phát triển của đất nước. Những kẻ chống phá chủ nghĩa xã hội sử dụng các website, Blog, dịch vụ thư điện tử (e-mail) và các trang mạng xã hội (Facebook), Zalo (các dịch vụ chat, nhắn tin, hội thoại), truyền thoại (VoIP), diễn đàn (forum), Twitter, Youtube, My Space... để đăng tải, phát tán thông tin xấu độc, phản động. Sự chống phá của chúng, theo đó, càng rộng rãi và có sức công phá không thể lảng tránh hoặc xem thường. 

Trong thế giới phẳng (và cả chưa phẳng) hiện nay, quy mô và tính chất của những hành động chống phá cuộc cách mạng XHCN dù được che phủ một cách tinh vi dưới mọi tên gọi mỹ miều, thậm chí bị đánh tráo một cách ngụy trá và biến ảo, với tốc độ ngày càng khốc liệt. Do đó, cuộc đấu tranh này dù âm thầm hay sôi động vẫn chứa đầy sự khó khăn và nguy hiểm, mang ý nghĩa mất còn. Kẻ thù không bao giờ buông tha chúng ta đang đòi hỏi chúng ta không bao giờ tự cho mình lơ là cảnh giới và dung thứ bất cứ kẻ thù nào dù ngụy trá dưới mọi bộ mặt “chưa có tiền lệ”! Sự chuyển hóa giữa đối tác, đối trọng, đối thủ, đối đầu ở ngay trong chính chúng ta ngày càng phức tạp khôn lường và rất khó nhận diện. 

Chống phá ở 20 vấn đề chính yếu

Về hình thức và thủ đoạn của chúng, có thể hình dung, thứ nhất, chúng triệt để lợi dụng một số cá nhân cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất về phẩm chất, đạo đức, lối sống trong chúng ta, để thành lập các hội, nhóm “xã hội dân sự”; thông qua cái gọi là “diễn đàn dân chủ”, sử dụng các website và các trang mạng xã hội dưới danh nghĩa phản biện, để bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam, phát tán thông tin xấu độc xâm hại Tổ quốc XHCN, để dọn đường hòng lật đổ chế độ XHCN. Thứ hai, bằng con đường tổ chức, thông qua liên kết, hợp tác, dưới hình thức tài trợ của các tổ chức phi chính phủ (NGO) hoặc các tổ chức dưới danh nghĩa từ thiện, nhân đạo, chúng len lỏi, luồn sâu và thông qua các tổ chức này tạo lập chỗ đứng, với sự dọn đường, cổ xúy biểu tình và thúc đẩy bạo loạn của mạng xã hội. Thứ ba, không ít đối tượng có quan hệ khá mật thiết với tổ chức phản động nước ngoài; và, khi những đối tượng xuất hiện trên các trang mạng cá nhân thì lập tức được các trang tin hải ngoại dẫn lại và được các tổ chức phản động cổ xúy. Thứ tư, với sự phụ họa của các hãng truyền thông như VOA, RFA, RFI. Đặc biệt RFA - tổ chức không giấu giếm tôn chỉ, mục đích của mình đó là tấn công các nước đi theo mô hình XHCN - các thông tin xuyên tạc, bịa đặt này tiếp tục được thổi phồng, phát tán rộng rãi, tinh vi hơn, gây không ít ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội. 

Và, mặc dù vậy, chúng ta chủ động tiên lượng, từng bước khắc chế một cách hiệu quả những sự chống phá đó, dù trên không gian mạng và bất cứ hình thức và phương tiện nào khác. 

Nhìn tổng thể, về nội dung, từ toàn bộ sự phức tạp, nhiều hình vẻ trên, có thể hình dung trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận vừa qua và hiện nay, chúng tập trung công kích, chống phá chủ nghĩa xã hội thế giới và Việt Nam, ở 20 loại vấn đề chính yếu: 1- Công phá trực diện chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa Lenin; 2- Tách rời và đối lập chủ nghĩa Marx với chủ nghĩa Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh; 3- Thổi phồng bản ngã dân tộc, cổ vũ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tán dương chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, cô độc và hẹp hòi; khuếch trương chủ nghĩa tự do, vô chính phủ; núp bóng chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa dân túy; 4- Công kích nhập khẩu tư tưởng ngoại lai, bài trừ chủ nghĩa  Marx - Lenin, bôi nhọ Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh dưới mọi hình thức và mức độ; 5- Lật ngược và đánh tráo lịch sử, tạo nên những khoảng trống tư tưởng và đảo lộn gây nên tình trạng hỗn mang về tư tưởng chính trị và vô định về lịch sử; 6- Chỗ đứng nào cho chủ nghĩa xã hội và cái gọi là con đường XHCN Việt Nam; 7- Chủ nghĩa nào cũng được miễn rằng dân giàu, nước mạnh, văn minh; 8- Mọi con đường đều đưa dân tộc đi tới độc lập và phồn vinh; 9- Bôi nhọ và phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; 10- Kỳ thị, và phủ định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; 11- Thổi phồng kinh tế tư nhân, đòi kinh tế tư nhân thay thế vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế quốc dân; 12- Báng bổ và phủ nhận sở hữu toàn dân và sở hữu nhà nước, đòi tư hữu hóa về các tư liệu sản xuất chủ yếu của nền kinh tế - xã hội; 13- Bôi nhọ, phủ nhận vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; 14- Thổi phồng và cổ xúy tầng lớp trí thức thay thế vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; 15- Cổ xúy chủ nghĩa dân tộc và kêu gào trở lại xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân; 16- Thổi phồng tam quyền phần phân lập - con đường dân chủ tối cao và pháp trị phồn vinh?; 17- Xã hội dân sự sẽ sánh vai cùng nhà nước quản trị xã hội; 18- Độc đảng toàn trị sẽ dẫn tới vô dân chủ và phi pháp quyền; 19- Đa đảng - con đường tất yếu dẫn tới dân chủ; và 20- Đu dây hay nhất biên đảo - con đường nào dẫn tới độc lập, dân chủ và giàu mạnh?

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản