Hướng đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Sứ mệnh "soi đường cho quốc dân đi", vì một Việt Nam hùng cường:

Bài 3: Cốt cách và linh hồn văn hóa Việt Nam

- Thứ Hai, 22/11/2021, 06:19 - Chia sẻ
Độc lập là khát vọng của dân tộc Việt Nam từ khi khai sơn phá thạch, cháy bỏng trong tâm can đồng bào ta trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40, âm ỷ và sục sôi suốt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, bừng lên ở Bạch Đằng giang khi Ngô Quyền diệt Nam Hán mở lại nền độc lập năm 938. Rồi chống Tống bên bờ sông Như Nguyệt năm 1076, đạp Nguyên 3 lần suốt thế kỷ XIII, lại bình Minh năm 1427, diệt Thanh năm 1789 và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược thắng lợi suốt hơn tám mươi năm, đến giữa thế kỷ XX, để một ngày mùa Thu Ất Dậu, bản Tuyên ngôn Độc lập về một nước Việt Nam độc lập được bố cáo khắp trong gầm trời năm châu.

Quốc sỉ Việt Nam: Tinh thần phát triển dân tộc

Trên nền móng độc lập ấy - một nền độc lập được giành lại và bảo vệ bằng máu của lớp lớp đồng bào, dân tộc Việt Nam giữ vững và nêu cao tự quyết, quyền lựa chọn chế độ chính trị - xã hội và quyết định con đường phát triển của dân tộc mình mà không một dân tộc nào khác có quyền can thiệp, không một lực lượng nào có thể làm vấy bẩn. Đó là sự thống nhất quyền dân tộc - quyền tự quyết của dân tộc - quyền độc lập - tự do của dân tộc Việt Nam: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Không có con đường nào khác tối ưu hơn để đất nước phát triển hùng cường, Nhân dân hạnh phúc!

Nước Việt Nam không thể bạc nhược, tụt hậu. Vì, yếu hèn, nhược tiểu rất dễ rơi vào vòng khắc chế, phụ thuộc, thậm chí lâm vào vòng nô lệ của kẻ khác. Đất nước chỉ có tự mình trở nên hùng cường, Quốc thể mới có thể định vị chiến lược trong cõi hoàn cầu, sức mạnh của đất nước mới thực sự góp phần cùng nhân loại phát triển, uy tín và danh dự quốc gia mới không ngừng tỏa sáng. 

Đó là thách thức cương lĩnh phát triển Việt Nam hùng cường.  

Trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, các quốc gia, dân tộc ngày càng tùy thuộc lẫn nhau và quyền dân tộc, quyền độc lập tự do ngày càng phát triển không ngừng. Các quốc gia dân tộc đều có quyền quyết định thể chế chính trị và lựa chọn con đường phát triển của mình một cách phù hợp và tự do. Điều đó càng cho thấy giá trị thời đại tỏa sáng trong giá trị của mỗi quốc gia, dân tộc một cách tất yếu, thống nhất trong đa dạng của thế giới ngày nay mà tinh thần độc lập Việt Nam hàm chứa, dự báo, thể hiện sinh động và tự nhiên xu thế phát triển không thể gì đảo ngược của các quốc gia, dân tộc trên thế giới, không gì xâm phạm.

Việt Nam không thể không trong dòng chảy thời đại ấy.

Nhưng, nếu đất nước không có Độc lập, dân tộc không có Tự do, thì nhất định Nhân dân không bao giờ có Hạnh phúc! Do đó, hơn hết lúc nào, hiện nay, Tự chủ - Tự quyết - Tự lập với tinh thần, bản lĩnh, khí phách Việt Nam hòa quyện và thể hiện trong sứ mệnh mỗi con người Việt Nam!

Quốc bảo Việt Nam: Tâm lý phát triển quốc dân

Quyền con người, xét cho cùng đó là quyền dân tộc độc lập. Đó là chân lý thời đại ngày nay.

Ngay từ khi thành đất nước, dân tộc Việt Nam nối đời giữ gìn nền độc lập, chủ quyền dân tộc, lấy quyền lợi của dân tộc làm tiền đề để thực hiện quyền lợi của mỗi cá nhân, từng cộng đồng, từng dân tộc, nhưng quyền lợi dân tộc là tối thượng, cao hơn hết thảy. Nước Việt Nam là của người Việt Nam, vốn đã mấy nghìn năm: “Sông núi nước Nam vua Nam ở”, và khi bị xâm lăng, toàn dân tộc quyết “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng” một cách đầy bản sắc dân tộc của người Việt, để cuối cùng “Đánh cho lịch sử biết rằng, nước Nam anh hùng là có chủ”, như bất cứ dân tộc nào có chủ quyền bị nạn xâm lăng. Lịch sử Việt Nam sinh ra cùng với lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại nhằm bảo vệ đất nước, thống nhất giang san đồng thời với lịch sử trường kỳ xây dựng đất nước độc lập, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Đất nước là nơi quần tụ và phát triển của cộng đồng 54 dân tộc hợp lưu thành dân tộc Việt Nam. Với địa chiến lược riêng có, đất nước là nơi gặp gỡ, giao thoa và tiếp biến những dòng chảy về chính trị, kinh tế, nhất là văn hóa từ bốn phương, tám hướng: Bắc xuống, từ Nam lên, từ Đông sang, từ Tây vào… Và, qua trường kỳ lịch sử, điềm tĩnh vượt lên khi thăng trầm, can trường bước qua lúc còn mất, dân tộc Việt Nam không ngừng tự khẳng định mình và phát triển không ngừng.

Nói cách khác, lịch sử dựng nước và giữ nước Việt Nam cũng là lịch sử kiến tạo, tiếp biến, thâu hóa và phát triển phong phú tinh hoa, linh hồn, giá trị và bồi đắp tư chất văn hóa Việt Nam; là sự thâu thái, trầm tích, hội tụ, hiển hiện và tự biểu hiện vị thế, sức mạnh, uy tín dân tộc Việt Nam văn hiến, độc lập, thống nhất, bản sắc và hiện đại một cách toàn diện và độc đáo trong khu vực và trên toàn thế giới.

Vì thế, văn hóa Việt Nam là sự nhất thể tự nhiên bằng mồ hôi của văn hóa dựng nước và bằng máu của văn hóa giữ nước hòa quyện, xuyên thấm và hợp nên diện mạo, tư chất và sức mạnh tổng hòa văn hóa dân tộc Việt Nam thống nhất và đa dạng, bản sắc và hội nhập, Tổ quốc và thời đại.   

Trong 2.020 năm (tính từ công nguyên đến nay), Việt Nam có bao nhiêu năm hòa bình? Chỉ có hơn 700 năm, vì dân tộc Việt Nam đã phải đối mặt và trải qua mất hơn 1.300 năm chiến tranh và khởi nghĩa chống ngoại xâm, bài trừ nội xâm trong đại cuộc giữ nước.

Nhìn lại lịch sử nước nhà, chỉ trong hơn 1.300 năm ấy, dân tộc Việt Nam bước qua và kết liễu 13 cuộc đại chiến tranh vệ quốc, đánh bại đủ loại giặc ngoại xâm hung bạo nhất của mọi thời đại đến từ phương Bắc, phương Đông tới phương Tây và hơn 100 cuộc khởi nghĩa đủ quy mô chống lại mọi sự nô dịch ngoại bang, bảo vệ đất nước độc lập và bảo toàn Tổ quốc thống nhất. Và, lịch sử cũng đau lòng ghi nhận những bài học thất bại trong công cuộc giữ nước thiêng liêng, đặc biệt nghiêm khắc phê phán, lên án những vết nhơ khôn rửa của sự đầu hàng, phản bội, thậm chí bán nước một cách ô nhục, tăm tối, để cầu vinh của một số cá nhân, một số triều đại, làm hoen ố giống nòi, làm vấy bẩn thanh danh dân tộc, trong công cuộc giữ nước. Những bài học thất bại: An Dương Vương với nỏ thần và Mỵ Châu; sự đầu hàng, phản bội của Trần Ích Tắc thế kỷ XIII, sự thất bại của nhà Hồ về lòng dân đánh giặc Minh; của Lê Chiêu Thống thế kỷ XVIII, sự thất bại của Nguyễn Ánh cõng rắn cắn gà nhà và sự đầu hàng thực dân Pháp của nhà Nguyễn thế kỷ XIX… 

Đó là hai mặt của công cuộc giữ nước mệnh hệ tới sự sinh tồn và phát triển Việt Nam, xét về tính chất và từ hai chiều cạnh: bên trong và bên ngoài; nhìn từ hai phương diện: chống nội xâm và chống ngoại xâm của dân tộc trong toàn bộ công cuộc xây dựng quốc gia và giữ gìn Tổ quốc Việt Nam.

Theo đó, tiếp tục phát triển văn hóa giữ nước với sự tổng hòa các nhân tố về tầm nhìn thời và thế, về tư duy chiến lược và sách lược chung quanh ta và đối phương, về lực lượng tổng hợp và lòng Dân, về phương thức đánh giặc và nghệ thuật tác chiến, về hậu cần và xử lý hậu chiến, về những bài học thành công và không thành công, về sức mạnh trong nước và sức mạnh ngoài nước... hợp thành học thuyết giữ nước kết tinh tư chất, trí tuệ, bản lĩnh, khí phách, nghệ thuật và nhân văn làm nên bản sắc giữ nước Việt Nam. Nói cách khác, không ngừng tổng kết nghệ thuật ngăn chặn chiến tranh, nghệ thuật tiến hành và kết thúc chiến tranh, một cách thành công và thấm đẫm nhân đạo nhằm chống tái chiến tranh, duy trì và bảo vệ nền hòa bình đất nước hợp thành chủ thuyết giữ nước hoặc học thuyết giữ nước Việt Nam.

Phải chăng, thượng sách văn hóa giữ nước là tự mình trở nên hùng cường, trên nền móng khoan thư sức dân làm kế bền rễ sâu gốc và hóa giải mầm họa, nguy cơ chiến tranh và xung đột? Và, phải chăng khi đạt tới nghệ thuật hóa giải và tiễu trừ mọi mầm họa xảy ra chiến tranh, giữ nước từ khi nước còn chưa nguy, giữ nước từ sớm và từ xa, thì đó là thượng sách giữ nước làm nên và làm phong phú, độc đáo văn hóa giữ nước Việt Nam ngời sáng hòa bình và nhân văn?

Và, Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 không chỉ là tuyên ngôn về nền độc lập thiêng liêng của dân tộc Việt Nam mà còn là tuyên ngôn về quyền con người, quyền của các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc. Và, việc nâng tầm quyền con người lên thành quyền dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một cống hiến to lớn về nguyên lý lý luận của Người vào kho tàng tư tưởng nhân quyền của nhân loại trên phương diện rất cơ bản này trong thời đại ngày nay.

Do đó, một cách tự nhiên, bảo vệ và thực hiện quyền con người không thể tách rời việc bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Vì, quyền con người suy cho cùng là quyền dân tộc độc lập. Và, dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người; ngược lại, thực hiện quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc. Quyền độc lập dân tộc, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc là những giá trị cơ bản nhất của nhân quyền, trong thời đại ngày nay. Mọi vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia Việt Nam phải do người Việt Nam xác quyết trên nền tảng pháp lý quốc tế. Đó là tư cách của con người độc lập trong một quốc gia độc lập và có chủ quyền. Diễn đạt theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do; văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình; đồng thời, phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. 

Lòng Dân là Quốc bảo!

Đó là phẩm giá, là danh dự, là nhân văn, là cốt cách và linh hồn văn hóa Việt Nam, cái nền móng phát triển tâm lý quốc dân Việt Nam hòa bình và nhân đạo trải từ xưa tới nay cho đến mãi mãi mai sau. Đó chân lý vô giá được trả bằng máu của hòa bình và thống nhất của dân tộc Việt Nam từ suốt mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.

TS Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản