Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững - từ góc độ cơ quan dân cử địa phương

Bài 3: Đồng hành và giám sát, thúc đẩy hành động mạnh mẽ

- Thứ Năm, 16/09/2021, 05:42 - Chia sẻ
Phát biểu tại Phiên thảo luận chuyên đề 3, Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 mới đây về "Phục hồi sau đại dịch: Chuyển đổi nền kinh tế để ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Có thể coi sự tàn phá của đại dịch Covid-19 và tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu là “thách thức kép” đối với sự tồn vong của nhân loại và phát triển bền vững trong tương lai”. Đồng thời cho rằng, "Là đại biểu Quốc hội, chúng ta cần ủng hộ, đồng hành và giám sát, thúc đẩy Chính phủ hành động mạnh mẽ”.

Ở phạm vi địa phương, việc đồng hành và giám sát, thúc đẩy UBND hành động mạnh mẽ của đại biểu, cơ quan dân cử địa phương cũng đóng vai trò rất quan trọng. Nhất là đối với một vấn đề nóng bỏng hiện nay: Bảo vệ môi trường để bảo vệ sức khỏe người dân và sự phát triển bền vững trong tương lai. Trong đó, rất cần trách nhiệm và bản lĩnh của đại biểu.

Thường trực HĐND tỉnh Bình Phước giám sát công tác quy hoạch, phát triển rừng và việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn
Ảnh: Văn Trường

Yêu cầu ngày càng cấp bách

Những tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh đặt ra yêu cầu ngày càng cấp bách hơn trong việc tăng cường bảo vệ tài nguyên - môi trường để bảo đảm sự phát triển bền vững, từ phạm vi quốc tế, quốc gia đến từng địa phương, đơn vị. Thực tế hiện nay đặt ra yêu cầu cao hơn, trách nhiệm hơn của mỗi đại biểu, cơ quan dân cử, nhất là cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với bài toán phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường để bảo đảm sự phát triển bền vững của địa phương. Nhất là trong thực hiện chức năng quyết định và giám sát.

Từ việc quan tâm xem xét kỹ lưỡng khi thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch kinh tế - xã hội, phân khu, chương trình, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đến việc quyết định đầu tư các chương trình, dự án cụ thể, cơ quan dân cử cần bám chặt quy định của các luật chuyên ngành để áp dụng vào thực tiễn về bảo đảm môi trường. Theo đó, trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cần thực hiện nghiêm túc việc lấy và tiếp thu ý kiến của Nhân dân. Đó là tiền đề đầu tiên để địa phương hoạch định chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành kinh tế mũi nhọn, đầu tàu. Chỉ khi việc quy hoạch đất đai phù hợp với thực tiễn, có tính bền vững, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân, phù hợp môi trường thì khi đó, từ quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến đầu tư các công trình dự án cụ thể mới đúng quy định pháp luật, phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.

Đối với công trình, dự án cụ thể thuộc nhóm công trình, dự án theo Luật Bảo vệ môi trường phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, cơ quan dân cử cần xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định chủ trương đầu tư. Ngoài xem xét hồ sơ do UBND trình, hết sức chú trọng việc tổ chức khảo sát thực tế, lấy ý kiến Nhân dân, tham vấn cộng đồng trước khi quyết định. Đồng thời, tăng cường giám sát để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát về tài nguyên - môi trường hay ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư theo công nghệ mới ít gây tác động đến môi trường. Trong đó, có công nghệ xử lý rác thải - một bài toán nan giải đã gây không ít bức xúc thời gian qua.

Tạo môi trường, định hướng phát huy bản lĩnh đại biểu

Để làm được những việc nêu trên, cơ quan dân cử ở địa phương, trước hết là đại biểu HĐND cần thể hiện được trách nhiệm và bản lĩnh. Trách nhiệm ở đây là nắm chắc quy định để thực hiện tốt nhiệm vụ người đại biểu của Nhân dân, thực hiện tốt chương trình hành động của mình, nhất là các cam kết đã hứa với cử tri là sẽ có các hành động cụ thể, tham gia quyết định và giám sát các vấn đề về phòng, chống ô nhiễm môi trường, bảo đảm môi trường sống xanh - sạch - đẹp, văn minh. Bản lĩnh ở đây là dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không nể nang, ngại va chạm. Để rèn luyện được bản lĩnh, ngoài trang bị kiến thức, kỹ năng rất cần cái “tâm” của đại biểu. Chỉ khi đại biểu dành trọn tâm huyết và cống hiến thì cơ quan dân cử mới mạnh mẽ, quyết định chính xác các vấn đề về công tác bảo vệ môi trường. Hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương các nhiệm kỳ qua có khá nhiều đại biểu tâm huyết như “Hội đồng Khoa”.

Tuy nhiên, cá nhân đại biểu tâm huyết chưa đủ, cái cần là trách nhiệm của người đứng đầu, của đại biểu trong Thường trực HĐND cần tạo môi trường, định hướng để đại biểu tâm huyết phát huy bản lĩnh của mình. Một cái cần nữa là cơ chế, chính sách thuận lợi để đại biểu “mở lời vàng ngọc” được “tiếp thu một cách trân trọng”. Bởi thực tiễn có nhiều đại biểu tâm huyết, kiến nghị rất chính đáng, đeo bám đến cùng nhưng sau đó không được trân trọng kiến nghị. Nhiều lần như vậy sẽ khiến tâm huyết đó mài mòn dần và thậm chí có những đại biểu chuyển sang trạng thái im lặng…

Trách nhiệm hơn với tương lai

Trên thực tế, có những nơi việc lấy ý kiến Nhân dân đối với những nội dung luật yêu cầu như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng, kinh tế - xã hội... và công khai quy hoạch còn hình thức, việc thẩm tra thiếu tính thực tiễn. Có những công trình, dự án rõ ràng từ dư luận Nhân dân đang có vấn đề uẩn khúc nhưng vẫn quyết định chủ trương đầu tư; quá trình thực hiện đầu tư thiếu kiểm tra, giám sát. Đến khi xảy ra sai phạm, thì mới vỡ lẽ trong đó có một phần trách nhiệm không nhỏ của cơ quan dân cử. Ở đây đặt ra trách nhiệm của các vị đại biểu dân cử, bởi không phải lúc nào UBND trình cũng bảo đảm đúng quy định và hợp thực tiễn. Nếu như chương trình, dự án chưa bảo đảm thì HĐND cần có chính kiến rõ ràng, kiên quyết không thông qua để tránh những nguy cơ, hậu quả khôn lường đến môi trường sống sau này.

Thật khó chấp nhận khi tại diễn đàn một kỳ họp thường kỳ giữa năm đầu tiên nhiệm kỳ 2021 - 2026 của HĐND một tỉnh miền Trung mới đây, có nhiều dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng vẫn được trình ra kỳ họp. Càng khó chấp nhận hơn trước lý giải của UBND tỉnh do một năm chỉ có 2 kỳ họp HĐND, nếu chờ thì lại chậm tiến độ dự án hoàn toàn chưa thuyết phục? Đáng buồn thay, đây không phải là một hiện tượng cá biệt mà xuất hiện ở địa phương này hay địa phương khác. Thực tế đáng quan ngại này đặt ra yêu cầu trách nhiệm cao hơn trong chuẩn bị các nội dung trình kỳ họp HĐND, nhất là những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ môi trường để bảo đảm sự phát triển bền vững của địa phương. Đặc biệt, cơ quan thẩm tra, Thường trực HĐND cần thể hiện thái độ quyết liệt, không đưa ra kỳ họp xem xét, quyết định những nội dung chưa bảo đảm yêu cầu về môi trường.

Đó chính là trách nhiệm với tương lai, với sự phát triển bền vững của địa phương và cũng là của quốc gia, dân tộc.

PHƯƠNG NHUNG - HỒNG HẠNH