Pháp luật về bầu cử: Quy định và thực thi

Bài 3: Lá phiếu thời kỳ đổi mới

- Thứ Tư, 14/04/2021, 06:20 - Chia sẻ
Trong điều kiện mới của sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, một trong những đòi hỏi đáp ứng điều kiện này chính là năng lực của đội ngũ đại biểu được bầu vào Quốc hội, HĐND ở các cấp phải thực sự có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, thực sự công tâm, dám hy sinh, dám bứt phá, nói lên tiếng nói của Nhân dân.

Muốn đánh giá một cuộc bầu cử thành công phải xem vai trò đóng góp của người dân được phát huy đến đâu. Cụ thể vai trò tích cực đó của họ được xem xét qua việc đánh giá, xem xét ứng viên được giới thiệu ở nơi công tác cũng như cư trú để mình gửi gắm quyền lực cho họ như thế nào, có xuê xoa hay kỹ lưỡng? Theo đó, để có lá phiếu thực sự nói lên tiếng nói, trong suốt quá trình bầu cử, người dân phải phát huy tính tích cực của mình để đóng góp vào đó, khi cầm lá phiếu đi bầu cử phải thật sự thể hiện sự trách nhiệm, có lòng tự tôn, tự trọng cao, xem xét thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn người đại diện xứng đáng.

Nguyên Phó chủ nhiệm VPQH, GS.TS. Trần Ngọc Đường

 

Quyền của công dân được mở rộng

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử bầu cử, pháp luật về bầu cử từ năm 1946 cho đến nay, ngoài quy định nguyên tắc tập trung, dân chủ, bình đẳng, bỏ phiếu kín, nhìn chung không có nhiều thay đổi.

Từ khi chúng ta thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, pháp luật cũng như thực tiễn bầu cử trong thời kỳ này tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong hoạt động bầu cử. Đơn cử, trên cơ sở của Hiến pháp 2013, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 được ban hành. Phó Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội, PGS.TS. Đặng Minh Tuấn phân tích, Luật này, có một số quy định mới so với các luật bầu cử trước đó, trong đó bao gồm: Quy định về Hội đồng Bầu cử quốc gia; những hành vi bị cấm khi vận động bầu cử; hội nghị tiếp xúc cử tri; vận động bầu cử qua phương tiện thông tin đại chúng; quy định tự mình gặp gỡ, tiếp xúc cử tri… Đồng thời, Luật cũng bổ sung, sửa đổi nhiều quy định, như cụ thể hơn nguyên tắc lập danh sách cử tri; hồ sơ ứng cử, hình thức vận động cử tri và thời gian bỏ phiếu… Với những quy định mới được bổ sung trong pháp luật bầu cử giai đoạn 1992 đến nay cho thấy, quyền của công dân đã được mở rộng hơn, bảo đảm cho mỗi lá phiếu của cử tri có thêm tiếng nói, dân chủ, thực chất hơn.

Bày tỏ trách nhiệm nghĩa vụ của công dân trong công tác bầu cử thời kỳ đổi mới, ông Nguyễn Đức Chiến, 73 tuổi (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội) - người có nhiều lần lãnh đạo các kỳ bầu cử trong đơn vị những năm 1990 - 2010, cho biết: Sau khi đất nước thống nhất, một trong những đòi hỏi cấp bách đó là toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bước vào thời kỳ xây dựng, kiến thiết đất nước. Vì vậy, để có những chính sách tốt, đòi hỏi những ĐBQH, HĐND được lựa chọn phải thực sự là những người ưu tú, “vừa hồng vừa chuyên”. Theo đó, những quy định về bầu cử thời kỳ này cũng có nhiều điểm mới để bảo đảm quyền lựa chọn của người dân được cao hơn, kỹ lưỡng hơn. Về trách nhiệm và nghĩa vụ của cử tri, ông Chiến bày tỏ: Với quân đội, kỷ luật là sức mạnh, nên mỗi khi đến kỳ bầu cử, đơn vị của bác đã giáo dục cán bộ chiến sỹ về bầu cử vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của mỗi công dân nên mỗi lá phiếu của cán bộ chiến sĩ đều thể hiện trách nhiệm cao, có sự chuẩn bị, có sự cân nhắc đưa lên, đặt xuống, nghiên cứu tiểu sử ứng viên rất kỹ...

Là thế hệ ra đời sau khi đất nước thống nhất, anh Trần Trung Hải, sinh sống tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh cho biết: Tôi rất vinh dự được sinh ra đúng năm 1975 trong niềm hân hoan của đất nước sau khi thống nhất. Tôi đã được đi bầu cử 5 lần (lần đầu năm 1997), và sắp tới là lần thứ 6. Lần nào bầu cử tôi cũng thu xếp công việc để ngày bầu cử đi bỏ phiếu sớm nhất, sau đó về mới đi làm, và tôi còn vận động gia đình, bè bạn làm theo. Tôi coi đây là nghĩa vụ và trách nhiệm của người công dân, gương mẫu của người Đảng viên.

Người dân đi bỏ phiếu bầu ĐBQH Khóa XIII và HĐND nhiệm kỳ 2011 - 2016 tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 2003, lần đầu tiên quy định: "Trong thời gian lập danh sách cử tri, những người thay đổi nơi cư trú trong phạm vi một đơn vị hành chính cấp huyện được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu HĐND cấp huyện, cấp tỉnh; thay đổi nơi cư trú trong phạm vi một đơn vị hành chính cấp tỉnh được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu HĐND cấp tỉnh. Cử tri là sinh viên, học sinh, học viên ở các trường chuyên nghiệp, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung học chuyên nghiệp và cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang Nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu HĐND cấp tỉnh và cấp huyện ở nơi tạm trú hoặc đóng quân".

Quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về pháp luật bầu cử giai đoạn từ năm 1992 đến nay, nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH, TS. Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng: Quy định trong việc vận động bầu cử ngày càng mạch lạc hơn, các quy định này bảo đảm cơ hội vận động bầu cử công bằng cho các ứng cử viên; đồng thời cũng tạo điều kiện cho cử tri có được thông tin đầy đủ và sự cảm nhận rõ ràng hơn. Điều giúp cử tri có thể lựa chọn một cách sáng suốt hơn. Đặc biệt, việc đổi mới khác nữa (chưa hẳn là pháp luật nhưng đã là định hướng chính sách trong bầu cử), đó là việc phấn đấu để có được một tỷ lệ hợp lý các ứng cử viên là người ngoài Đảng, việc này sẽ giúp Quốc hội có thêm một góc nhìn khác về các chính sách mà mình đang xem xét. Nhờ đó chính sách, pháp luật được ban hành cũng sẽ phù hợp hơn với cuộc sống, phản ánh chính xác hơn các lợi ích đa dạng của xã hội.

Chủ tịch UBMTTQ xã Diễn Thọ (huyện Diễn Châu, Nghệ An) Nguyễn Hữu Dũng - Đại biểu HĐND cấp xã hai nhiệm kỳ 2011 - 2016; 2016 - 2021 - đánh giá, sự đổi mới của Hiến pháp gắn với sự phát triển của đất nước, trong đó, Hiến pháp năm 1992 đánh dấu 1 bước về thay đổi trong bầu cử liên quan đến quyền bãi nhiệm. Theo quy định tại Điều 7, Hiến pháp năm 1992: “Việc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND được tiến hành theo 4 nguyên tắc đó là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. ĐBQH bị cử tri hoặc Quốc hội bãi nhiệm và đại biểu HĐND bị cử tri hoặc HĐND bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân”. Quyền bãi nhiệm được xem là một điểm mới được đánh giá có tính vượt bậc. Bởi lẽ, đối với những đại biểu không còn xứng đáng, không thực hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri thì cử tri có quyền bãi nhiệm. Có thể thấy, với quy định này sẽ bảo đảm được tính khách quan, tính dân chủ thực hiện đúng ý chí nguyện vọng của cử tri. Đồng thời, cũng phát huy được quyền và trách nhiệm của cử tri trong quá trình thực nhiệm vụ, quyền hạn mà cử tri giao phó.

Nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH, GS.TS. Trần Ngọc Đường phân tích: Một trong những điểm nhấn trong pháp luật về bầu cử đó là Hiến pháp năm 2013 có một số điểm mới cơ bản, đó là: Xác nhận chủ quyền nhà nước thuộc về Nhân dân, là chủ thể của quyền lực nhà nước. Theo đó, cuộc bầu cử là chuyển giao quyền lực của Nhân dân cho người đại diện một cách thực chất hơn, người được bầu nắm giữ quyền lực của Nhân dân một cách thực chất hơn. Bên cạnh đó, Hiến pháp 2013 đề cao quyền con người, quyền công dân - được Nhà nước thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm, cuộc bầu cử lần này mở rộng hơn trước. Những người liên quan đến hoạt động tư pháp như tạm giam, tạm giữ vẫn được tham gia bầu cử. Như vậy, quyền bầu cử được mở rộng hơn, được bảo đảm bằng luật.

Ngoài ra, theo GS.TS. Trần Ngọc Đường, việc phân chia đơn vị bầu cử quy định, mỗi đơn vị bầu cử chỉ được 3 người, chứ không như trước đây mỗi đơn vị bầu cử có thể là 5 người. Vì vậy, đơn vị bầu cử được chia nhỏ nhiều hơn, tạo ra số dư nhiều hơn, mỗi đơn vị sẽ có khoảng 5 -7 ứng viên để lấy 3 người, theo đó phạm vi lựa chọn của người dân được nhiều hơn. Cùng chung nhận định này, TS. Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, đổi mới đáng được ghi nhận nhất trong thời gian qua là quy định về số dư tối thiểu cho mỗi liên doanh bầu cử. Số dư này tối thiểu phải là 2 ứng cử viên. Số dư càng lớn thì cơ hội lựa chọn của cử tri cũng càng lớn.

Song Hương và Nhóm PV