Cơ chế nào cho Khu thương mại tự do Hải Phòng?

Bài 3: Liệu có “bình mới, rượu cũ”

- Thứ Năm, 21/10/2021, 06:53 - Chia sẻ
Khu thương mại tự do Hải Phòng liệu có “hao hao” đặc khu kinh tế. Việc làm sáng rõ khái niệm để thống nhất cách hiểu là rất cần thiết, trước khi bàn tính những chuyện xa hơn.

Có phải là đặc khu kinh tế?

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung xác nhận, sau khi đề xuất xây dựng thí điểm Khu thương mại tự do Hải Phòng được nêu ra, đã có những ý kiến đặt vấn đề liệu đây có phải là cách gọi khác của đặc khu kinh tế.

“Đây là hai loại hình hoàn toàn khác biệt”, ông Cung nhấn mạnh. Theo đó, đặc khu kinh tế là thay đổi cả chính quyền lẫn thể chế, còn khu thương mại tự do chỉ đổi mới về thể chế chính sách. Về căn bản, chính quyền của khu thương mại tự do vẫn như hiện nay. Việc thay đổi thể chế chính sách cũng chỉ phục vụ cho tự do hóa chuyên ngành thương mại, không bao gồm các dịch vụ như casino.

TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới bổ sung, các khu kinh tế ven biển gồm nhiều loại như: Khu chế xuất, cảng tự do, khu bảo thuế, khu thương mại tự do, đặc khu kinh tế, đô thị quốc tế. Thuật ngữ chung cho các loại hình này là “khu kinh tế tự do”, trong đó đô thị quốc tế ở cấp độ cao nhất. Nếu như đặc khu kinh tế bao hàm tất cả các ngành nghề tổng hợp, thì khu thương mại tự do chủ yếu về thương mại và một số ngành liên quan thương mại.

Để làm sáng rõ hơn về khu thương mại tự do, ông Nguyễn Đình Cung dẫn khái niệm của Ngân hàng Thế giới năm 1992. Theo đó, đây là khu vực bất động sản công nghiệp có ranh giới chuyên sản xuất để xuất khẩu và cung cấp cho các công ty ở trong đó môi trường thể chế cùng các điều kiện thương mại tự do.

Thực tế, đây cũng là công cụ chính sách phát triển lâu đời nhất (từ trước công nguyên) và được sử dụng phổ biến nhất trong quá trình phát triển. Hiện thế giới có hơn 5.000 khu. Bản chất là cung cấp cho nhà đầu tư môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, tự do hơn, an toàn hơn với các biện pháp ưu đãi cao hơn trên địa điểm nhất định (thông thường là ở gần hải cảng, cảng hàng không hay khu vực biên giới) so với phần còn lại của lãnh thổ quốc gia. Các nước thường có nhiều hơn một khu thương mại tự do với các gói chính sách ưu đãi khác nhau nhằm thu hút các nhà đầu tư.

Cần thay đổi nhận thức

Đề xuất thành lập Khu thương mại tự do Hải Phòng chính là xin cơ chế đặc thù cho thành phố. Việc này đã được nhiều địa phương áp dụng song không phải nơi nào cũng thành công. Nguyên nhân, theo ông Nguyễn Đình Cung, là bởi chưa xác định được cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội.

Xem xét kinh nghiệm quốc tế và trong nước, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng một số công cụ phát triển được sử dụng phổ biến, gồm khu chế xuất, khu công nghiệp, khu thương mại tự do… Tất cả các khu này đều chứa đựng tính đặc biệt, khác hơn so với cơ chế, chính sách thông thường. Cốt lõi là tạo thuận lợi hơn cho đầu tư, kinh doanh, cấp ưu đãi và hỗ trợ nhiều hơn cho người đầu tư, người lao động, giảm quản lý nhà nước… 

Từ thực tế trên, “Hải Phòng cần rút kinh nghiệm bằng cách phải xin cơ chế đặc thù vượt trội. Đó phải là cơ chế cởi mở hơn, tự do hơn, thuận lợi hơn và ưu đãi hơn cho đầu tư kinh doanh. Nói cách khác, Hải Phòng không phải chỉ xin cho riêng Hải Phòng mà cần xin thí điểm thể chế cho cả nước”, ông Cung nói.

Nhưng tại sao cơ chế đặc thù vượt trội cho Hải Phòng lại là khu thương mại tự do?

Theo TSKH. Võ Đại Lược, thông thường, các khu kinh tế tự do (bao gồm khu thương mại tự do) được lập ở ven biển. Với đường bờ biển dài 3.260km, 50 cảng biển trải dọc từ Bắc tới Nam, trong đó có những cảng nước sâu hàng đầu thế giới như Cam Ranh, Vân Phong…, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các khu này. Tuy vậy, chúng ta chưa có một khu kinh tế tự do đúng nghĩa, tức là dùng thể chế hành chính và kinh tế hiện đại, quốc tế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một thiệt thòi cho sự phát triển đất nước!

Hải Phòng có vị thế khác biệt hẳn so với nhiều địa phương ven biển. Ông Nguyễn Đình Cung phân tích, Hải Phòng là trung tâm kinh tế “một cách tự nhiên” của cả miền Bắc bởi có vị trí thuận lợi, là cửa ngõ kết nối kinh tế phía Bắc với thị trường quốc tế, nơi tập trung dòng chảy hàng hóa của cả miền Bắc, có thể cả từ phía Tây Nam - Trung Quốc, trước khi tỏa đi các vùng miền của đất nước và năm châu.

Mặt khác, Hải Phòng cũng có “hậu phương công nghiệp” vững vàng, bao gồm toàn bộ công nghiệp của miền Bắc. Hiện, thành phố cũng đã có đủ các hạ tầng và phương tiện vận tải. Mấy năm gần đây, thành phố có bứt phá về phát triển, nhất là phát triển công nghiệp chế tác, chế tạo - điểm cộng về lợi thế. Do đó, “Hải Phòng cần phải được khai thông thật nhanh, thật rẻ để thu hút thương mại tự do, bảo đảm hàng hóa lưu thông, đủ sức cạnh tranh. Phát triển Hải Phòng không phải cho riêng Hải Phòng mà cho cả nước. Trách nhiệm trước hết phải là của Trung ương. Việc thay đổi nhận thức theo hướng này rất quan trọng!”, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Đan Thanh