Chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm thành công của cuộc bầu cử

Bài 3: Linh hoạt, chủ động trước diễn biến của đại dịch Covid-19

- Chủ Nhật, 14/03/2021, 07:16 - Chia sẻ
Bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện chưa được ngăn chặn, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp. Công tác chuẩn bị tổ chức bầu cử vì thế phải hết sức chủ động. Hiện nay, nhiều địa phương đã xây dựng các “kịch bản” để ứng phó linh hoạt với diễn biến của dịch bệnh nhằm bảo đảm các hoạt động chuẩn bị cho cuộc bầu cử diễn ra thông suốt, an toàn.

Nêu cao tinh thần chủ động

Làn sóng dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở một số địa phương vừa qua đúng với thời điểm Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các địa phương bắt đầu triển khai các hoạt động chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Nếu dịch bệnh Covid-19 sẽ diễn biến phức tạp trong suốt thời gian chuẩn bị tổ chức bầu cử thì sẽ như thế nào? Tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử như thế nào khi vừa phải bảo đảm cách ly y tế, vừa tạo điều kiện để các cử tri đều được tiếp xúc với các ứng cử viên? Tại những địa bàn đang cách ly, phong tỏa sẽ tổ chức cho công dân đến điểm bầu cử để lựa chọn người đại diện cho mình như thế nào để kịp với khung thời gian có giới hạn?... Những câu hỏi này đã được nhiều địa phương đặt ra ngay khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào những ngày cuối tháng 1 vừa qua và chuẩn bị các kế hoạch dự phòng.

Là địa bàn có diễn biến dịch bệnh phức tạp trong thời gian qua, đại diện UBND xã Nam Tâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương cho biết, trong triển khai các công tác về bầu cử phát sinh nhiều khó khăn, chưa có trong quy định pháp luật. Hội nghị hiệp thương lần 1 đã diễn ra trong điều kiện nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của UBND xã, Ủy ban MTTQ xã, các tổ chức đoàn thể Nhân dân đều thuộc diện F1 phải cách ly tập trung. 

Trước diễn biến của dịch bệnh, tại các địa bàn bị phong tỏa, Ủy ban Bầu cử tỉnh Hải Dương đã trực tiếp chỉ đạo tăng cường triển khai tài liệu bầu cử qua đường văn bản, trực tuyến, giảm tiếp xúc trực tiếp. Hội nghị triển khai công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 toàn tỉnh cũng được chuyển sang hình thức trực tuyến, tổ chức sớm hơn 1 ngày, thu gọn thành phần dự ở các cấp. Ngành nội vụ phối hợp với ngành y tế chuyển con dấu của Ủy ban Bầu cử, phát tài liệu, văn bản tới Ủy ban Bầu cử thị xã Chí Linh bằng xe chuyên dụng, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh khi tiến hành các hoạt động liên quan.

Qua nắm bắt, tổng hợp, đề xuất của các huyện, xã, Ủy ban Bầu cử tỉnh Hải Dương đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện hội nghị hiệp thương tại các khu vực phong tỏa bằng một trong hai hình thức. Thứ nhất, gửi đại biểu báo cáo, tài liệu hội nghị hiệp thương và xin ý kiến bằng phiếu (tài liệu, phiếu xin ý kiến có đóng dấu của Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp), sau đó tổng hợp biên bản để làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo. Thứ hai, sẽ cài đặt phần mềm biểu quyết vào điện thoại di động của các thành phần thuộc diện tham dự hội nghị hiệp thương, sau đó tổng hợp ý kiến biểu quyết của đại biểu trên phần mềm điện thoại di động thành biên bản làm cơ sở thực hiện bước tiếp theo.

Đại biểu Quốc hội Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) phát biểu tại hội trường

Ảnh: Quang Khánh 

Lựa chọn hình thức phù hợp

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã kịp thời có Hướng dẫn về tổ chức các hội nghị trong quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 và việc vận động bầu cử tại các địa phương  có dịch Covid-19. Hướng dẫn nêu rõ, tại những nơi đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, vẫn tổ chức hội nghị hiệp thương, giới thiệu người ứng cử theo hình thức tập trung nhưng phải bảo đảm thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp bất khả kháng, không thể tổ chức hội nghị theo hình thức tập trung được thì Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hiệp thương kịp thời báo cáo cấp ủy và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương để chủ động lựa chọn hình thức tổ chức hội nghị phù hợp thông qua ứng dụng công nghệ thông tin như tổ chức hội nghị trực tuyến, tổ chức lấy ý kiến thông qua Email, tin nhắn SMS, qua các ứng dụng zalo, viber hoặc gửi phiếu lấy ý kiến đến các thành phần dự hội nghị... 

Đối với việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử, Hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nêu rõ, tùy tình hình thực tế tại địa phương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hiệp thương báo cáo cấp ủy, các tổ chức phụ trách bầu cử cùng cấp lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử. Việc tổ chức hội nghị theo hình thức tập trung phải bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Chú trọng các hình thức vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình; phát tờ rơi, tờ gấp... về chương trình hành động và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND đến địa bàn khu dân cư, hộ gia đình và cử tri. Ngoài ra, có thể lập đường dây nóng, tổng đài tự động hoặc mục hỏi - đáp trực tiếp trên website, cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương để cử tri phản ánh, trao đổi, góp ý về người ứng cử...

Kết quả phòng, chống dịch Covid-19 trong gần 2 tháng qua đã tạo điều kiện để Trung ương và địa phương tiến hành các bước chuẩn bị bầu cử bảo đảm đúng tiến độ quy định của luật. Tuy vậy, đến thời điểm này, dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp có thể tác động đến việc tiến hành các công việc tiếp theo để chuẩn bị cho cuộc bầu cử, đặc biệt là chuẩn bị cho ngày 23.5.2021 khi cử tri cả nước thực hiện quyền bầu cử của mình. Hơn lúc nào hết, các tổ chức bầu cử, các cơ quan, đơn vị có liên quan cần phát huy cao độ tinh thần chủ động trong việc xây dựng, dự phòng các “kịch bản” sẵn sàng thích ứng với diễn biến của dịch Covid-19 để tổ chức thành công cuộc bầu cử, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Anh Thảo - Thanh Hải