Phát triển Đảng ở miền Tây Nghệ An

Bài 3: Nỗi lo về đội ngũ kế cận

- Thứ Tư, 28/10/2020, 06:07 - Chia sẻ
Phát triển đảng viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, từ các chi bộ ở những nơi được mệnh danh “đệ nhất nghèo” của cả nước là Kỳ Sơn, đến những huyện gần dưới xuôi hơn như Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, hay Anh Sơn… có thể thấy, các tổ chức cơ sở Đảng đã phát triển nhưng chưa thực sự mạnh, chất lượng chưa đồng đều và vẫn có nguy cơ “tái trắng” bất cứ lúc nào nếu không tiếp tục phát triển được đội ngũ kế cận.

Bài toán khó giải

Tạm biệt Kỳ Sơn trong cái chớm lạnh cuối thu, xuôi dòng Nậm Nơn về với Tương Dương, Con Cuông… Lắng lại những mệt nhọc và đôi chân mỏi rã rời sau những ngày đi lại nhiều là bản nhạc rộn rã về cuộc sống đang đi lên ở mảnh đất này: Bản làng quê em, xưa đói nghèo tăm tối/ Sống đời ngựa trâu, sống đời héo hon/ Nay nhờ công ơn của Đảng đưa lối/ Dân tộc Kỳ Sơn đã đổi thay…

Sau hơn 2 tiếng nhấp nhô trên cung đường quanh co, xuyên qua những cánh rừng, chúng tôi cũng đến được với bản Phồng (xã Tam Hợp) - nơi sinh sống của đa số người Tày Pọng, một trong những tộc ít người trên địa bàn huyện Tương Dương. Qua tìm hiểu được biết, một trong những điểm tựa cho bà con nơi đây chính là nhờ có chi bộ thường xuyên làm công tác tư tưởng an dân và “cầm tay, chỉ việc” trong phát triển kinh tế. Nhờ đó, bản Phồng nay không còn cảnh thiếu ăn mùa giáp hạt, thiếu mặc mùa đông giá…

Cán bộ xã Châu Khê trò chuyện với bà con Đan Lan bản Khe Bu

Tuy nhiên, theo nữ Bí thư Chi bộ Vi Thị Ánh, mặc dù được đánh giá là một trong những bản điểm sáng về phát triển đảng viên (cả bản có 30 đảng viên) nhưng nguồn đảng viên kế cận đang là bài toán khó giải. Thực tế, không phải nguồn đảng viên của bản hạn hẹp mà do không ít học sinh sau khi rời ghế nhà trường đều tìm cách thoát ly đi làm ăn xa để mong đổi thay cuộc sống. Là quần chúng ưu tú, em Viêng Thị Diệp chia sẻ: Em mong một ngày gần nhất bản sẽ có những mô hình sản xuất phù hợp để chúng em vừa có thể tham gia vào các phong trào của bản, vừa có thể  “sống” được trên chính mảnh đất quê hương mình.

Cũng như bản Phồng, công tác phát triển đảng ở bản Huồi Sơn cũng đang gặp khó tương tự. Quần chúng ưu tú để xem xét kết nạp chủ yếu là các đoàn viên thanh niên, tuy nhiên lực lượng này thường đi làm ăn xa, ít sinh hoạt, tham gia các phong trào tại địa phương. Thế nên, mặc dù được thành lập từ năm 2005 nhưng đến nay cả Chi bộ vẫn mới chỉ có được 10 đảng viên. Bí thư Chi bộ của bản tâm tư: Không hề dễ để phát triển tổ chức cơ sở đảng cũng như nâng cao chất lượng đảng viên mới khi mà điều kiện kinh tế của bản còn quá khó khăn. Bởi, chúng tôi không thể “níu giữ” các cháu ở lại bản gắn bó với nương rẫy!

Thực tế, khó khăn trong phát triển nguồn đảng viên trẻ hiện nay đang là một thách thức lớn không chỉ ở bản Phồng hay Huồi Sơn mà còn là câu chuyện chung của nhiều bản biên giới ở Tương Dương. Trò chuyện với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Hải thừa nhận: Việc tạo nguồn để bồi dưỡng, kết nạp đảng ở nhiều thôn, bản còn rất gian nan. Bởi một số thì mù chữ, bỏ học sớm, đi lao động xa, xác minh lý lịch bị vướng mắc. Một số sau khi học xong đại học, cao đẳng, trung cấp cũng không trở về địa phương sinh sống, khiến nguồn kết nạp ngày càng cạn kiệt. Còn một số trường hợp ở địa phương thì học vấn không “tinh”, thiếu nhiệt huyết với các phong trào thi đua, không phát huy được phẩm chất, năng lực để đáp ứng các tiêu chí…

Tương tự như Tương Dương, việc phát triển tổ chức cơ sở đảng ở các huyện Quế Phong, Anh Sơn hay Thanh Chương… cũng đang gặp nhiều thách thức, nhất là ở các chi bộ thôn bản. Bên cạnh đó, có một thực tế không thể phủ nhận là sự “thiếu lửa” của một số tổ chức đoàn thể chưa phát huy được tính phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu quần chúng ưu tú để xem xét kết nạp đảng…

Cần chiến lược “giữ chân” lực lượng trẻ

Là một trong những bản biên giới của huyện Con Cuông, Khe Bu nằm gọn dưới những tán rừng - nơi sinh sống của bà con Đan Lan. Với phong tục tập quán từ xưa luôn muốn có “con đàn cháu đống” cùng không ít hủ tục đã gây cản trở cho việc phát triển tổ chức cơ sở đảng nơi đây. Theo Bí thư Chi bộ Vi Thanh Ban, có những quần chúng rất mong được đứng trong hàng ngũ của Đảng nhưng lại vướng việc do “trót” sinh con thứ 3, thứ 4…”.

Nguồn phát triển Đảng viên trẻ hiện của bản không hiếm, nhưng lại rất khó. Bởi, một lực lượng đi làm ăn kinh tế xa không muốn quay trở về quê hương. Còn một bộ phận muốn vào Đảng thì không đủ điều kiện… Có lẽ đó không chỉ riêng Con Cuông mà đang là trăn trở chung đối với các huyện miền núi, biên giới vùng cao của Nghệ An.

Liên quan đến câu chuyện độ “lệch” về cơ cấu Đảng viên ở các bản (nam chiếm đa số, còn nữ chiếm tỷ lệ rất nhỏ), đại diện lãnh đạo các huyện đều đồng quan điểm: Để các chi bộ ở các bản biên giới mạnh và đồng đều, cơ cấu hợp lý thì bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới trong cộng đồng, cần đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ trong phát triển kinh tế gia đình; đồng thời cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy cùng cấp trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và sử dụng cán bộ nữ… Và, nên chăng có thể “hạ” bớt một số tiêu chuẩn trong Điều lệ Đảng hiện nay hoặc thêm một số quy định “mềm” cho các vùng đặc thù như ở bản biên giới của miền Tây Nghệ An?

Việc phát triển đảng viên mới ở miền biên viễn khó hay dễ? Chắc chắn câu trả lời là rất khó. Để giải quyết tức thì những bất cập nêu trên là điều không thể, mà cần có thời gian và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Và, để các tổ chức cơ sở đảng thực sự mạnh, ngoài những giải pháp về tuyên truyền, vận động, xây dựng các phong trào thu hút đoàn viên, thanh niên nhằm phát hiện bồi dưỡng nguồn kết nạp Đảng… về lâu dài, cần có một chiến lược bài bản để “giữ chân” được lực lượng trẻ ở lại quê nhà.

Bách Hợp - Diệp Anh