Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Làm gì để nền kinh tế cất cánh?

Bài 3: Phát triển xứng tầm doanh nghiệp nhà nước

- Thứ Sáu, 07/05/2021, 06:58 - Chia sẻ
Bàn về đẳng cấp, khát vọng thương hiệu kinh tế Việt Nam, không thể không xây dựng đội ngũ tiên phong, chính là các doanh nghiệp - rường cột là đội ngũ doanh nhân nước nhà trên tất cả các khu vực và thành phần kinh tế. Phải tập trung giải quyết những cản trở nhằm phát triển đội ngũ doanh nghiệp và đổi mới mối quan hệ tất yếu nội tại của doanh nghiệp đối với nền kinh tế. Ở đây, rường cột là 3 loại hình doanh nghiệp: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, với doanh nghiệp nhà nước, phải chỉnh đốn tổng thể để xứng tầm là bộ phận cấu thành quan trọng của kinh tế nhà nước.

Chỉnh đốn tổng thể doanh nghiệp nhà nước

Kinh tế nhà nước là chủ đạo. Đó là về nguyên lý. Nhưng, trước yêu cầu phát triển thực tiễn mang tính quy luật thì “chủ đạo” như thế nào, vẫn đang là vấn đề nan giải. Vấn đề của kinh tế Việt Nam hiện nay dường như cho thấy phải giải quyết ở tầm nhìn, sâu hơn là chủ thuyết phát triển, chứ không phải đơn thuần chỉ dừng lại xem xét những chính sách đơn lẻ, dù là cần thiết, và vô tình tự bó mình vào đó. Trong đó, các chính sách liên quan đến doanh nghiệp nhà nước vẫn đang nóng bỏng.

Khi Chính phủ ban hành một chính sách điều tiết kinh tế nặng về can thiệp hay bảo trợ thiên lệch, nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước, thì thực chất là xâm phạm vào sự vận hành của nguyên lý thị trường trên nền tảng công bằng. Điều đó chẳng khác nào cho doanh nghiệp một “phao cứu hộ”, một “sợi dây bảo hiểm thất bại”, là đổ vỡ kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Vô hình trung, chính sách đã thủ tiêu tính công bằng, làm nản lòng và triệt tiêu động lực phát triển của doanh nghiệp. Khi đó sẽ xảy ra tình trạng các doanh nghiệp được o bế, bảo hộ chỉ lo bằng mọi cách, đeo bám quan chức và mua chuộc Chính phủ thay vì nỗ lực chủ động sản xuất, kinh doanh; tạo nên sự bất bình đẳng trong các loại hình doanh nghiệp, các khu vực của nền kinh tế chỉnh thể và thống nhất của đất nước như cần phải có. Cải cách doanh nghiệp đang là khâu đột phá theo nguyên tắc thị trường mà chúng ta kiên quyết thực thi. Chúng ta cần và nhất định phải xây dựng một Chính phủ điều hành và liêm chính trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chính là ở chỗ “tử huyệt” này.

Cho tới giờ, khi nhiều người nhìn một cách phiến diện, cho rằng, kinh tế Việt Nam chậm phát triển là do xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đổ lỗi cho doanh nghiệp nhà nước đã làm méo mó nền kinh tế thị trường là bởi chưa hiểu hoặc chưa nắm trúng vai trò cần có của Chính phủ. Lỗi nằm ở chính phương diện tổ chức thực hiện. Và sự thật, chúng ta đã chỉ đạo chưa phù hợp, thậm chí chủ quan, có phần làm thay chức năng doanh nghiệp, trong khi thực chất phải chỉ rõ nhân tố “định hướng xã hội chủ nghĩa” bị lạm dụng, vô tình tạo ra thẩm quyền quá lớn cho Chính phủ trong việc can thiệp vào thị trường, doanh nghiệp nhà nước, trong khi đây chỉ là một trong số các công cụ do Chính phủ nắm giữ để dẫn dắt và khắc chế những lệch lạc của sự vận hành nền kinh tế thị trường. Đó là tình trạng “nhảy cực” trong nhận thức và “lạm dụng” trong thực thi vai trò điều tiết, thậm chí bị chi phối bởi “lòng tốt thân hữu”, “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích”, “khu biệt đối xử” giữa các khu vực doanh nghiệp và cả giữa các doanh nghiệp nhà nước... Hiến pháp năm 2013 đã khắc phục một bước rất cơ bản điều đó, và định chế rất nhiều công việc chính lý, chính pháp theo chức năng, vị trí, vai trò và trọng trách của Chính phủ.

Việc Nhân dân tham gia xây dựng chính sách, phản biện chính sách và giám sát quá trình thực hiện sẽ hỗ trợ khắc phục những hạn chế của thị trường và sự quan liêu của Nhà nước nhằm xây dựng và đổi mới thể chế kinh tế, để nó không dừng lại ở mong muốn chủ quan và góp phần quan trọng làm cho thể chế nhà nước khó có nguy cơ sa vào quan liêu, tham nhũng, lạm quyền và lộng quyền.

Điều đó càng cấp bách cho thấy, để xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại và hoàn bị càng cần một Nhà nước mạnh và hiệu quả, với hệ thống thể chế quản trị đủ mạnh, với rường cột là hệ thống pháp luật tiên tiến và hiện đại. Không có Nhà nước mạnh và điều tiết hiệu quả trên nền tảng pháp luật thì không có nền kinh tế thị trường nhằm bảo vệ Nhân dân; và càng không thể nói tới một hệ thống luật pháp tốt khi nó còn khập khiễng và một chính quyền bảo vệ Nhân dân theo nghĩa là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân với một bộ máy cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả... ngay trong phát triển doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Đến lượt mình, Nhân dân đáng lẽ phải là người trực tiếp tham gia giám sát, kiểm soát những “khuyết tật” nảy sinh trong quá trình vận động của nền kinh tế mà những người được ủy quyền điều hành nền kinh tế quốc gia dễ phạm phải... lại chưa được coi trọng ngang tầm.

Điều đó càng khẳng định mạnh mẽ rằng, nếu đồng nhất kinh tế nhà nước với doanh nghiệp nhà nước, đồng nhất giữa toàn bộ và bộ phận là nhầm lẫn. Vì thế, chúng ta dứt khoát và phải chỉnh đốn một cách toàn diện và mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước, để nó xứng đáng là một bộ phận hợp thành của kinh tế nhà nước, phát triển bình đẳng với doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế khác, không đặc quyền đặc lợi, đủ thực lực và có trách nhiệm tham gia dẫn dắt nền kinh tế quốc gia phát triển, không ai thay thế được, trên con đường xã hội chủ nghĩa. Nói cách khác, cấp bách chỉnh đốn một cách tổng thể các doanh nghiệp nhà nước - bộ phận cấu thành quan trọng của kinh tế nhà nước - xứng đáng góp phần tạo nên vị thế chủ đạo của kinh tế nhà nước. 

Không o bế và không ngoại lệ

Để cấp bách phát triển xứng đáng, hài hòa các loại hình doanh nghiệp Việt Nam và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đòi hỏi xử lý các mối quan hệ rường cột của tiến trình đổi mới thể chế kinh tế bảo đảm sự vận hành giữa vai trò tiên phong của đội ngũ các doanh nghiệp ở tất cả khu vực và thành phần kinh tế và các nhân tố hợp thành hệ động lực phát triển nền kinh tế quốc gia.

Trên lộ trình chỉnh đốn và phát triển doanh nghiệp nhà nước có mấy phương châm cần được xử lý:

Một là, cần lượng hóa mức độ và tỷ lệ phù hợp của doanh nghiệp nhà nước trong cơ cấu kinh tế nhà nước để cân đối mức độ đầu tư một cách tương xứng, quyết không ảo tưởng và tràn lan, để lại những hậu quả và tổn thất nặng nề như suốt hai thập kỷ vừa qua. Ở đây, quan điểm “thà ít mà tốt” đặc biệt có giá trị phương pháp luận.

Hai là, trong cơ cấu nền kinh tế, từ sự xác định “đôi cánh”, “đôi chân” như đã nêu ở các bài viết trước, cần lựa chọn những lĩnh vực then chốt, có tính yết hầu, có khả năng và thực sự chế ngự, dẫn dắt được nền kinh tế quốc gia. Theo đó, xác lập số lượng, vị thế và phát triển thực lực các doanh nghiệp nhà nước một cách căn cơ và phù hợp, không dàn trải, hình thức, với quan điểm phải đủ khả năng đi tiên phong và làm trụ cột trong việc giải quyết những xung đột lợi ích trên tầm vĩ mô, xử lý những “điểm nghẽn” nguy kịch trong phát triển kinh tế đất nước, khi các thành phần kinh tế khác bất lực hoặc không thể đảm đương.

Ba là, thách thức về cạnh tranh quốc tế. Nếu tỷ lệ tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trên GDP năm 1985 đạt 18,2%, thì năm 2000 là 96,5% và năm 2013 là 153,9%. Điều đó có nghĩa là độ mở của nền kinh tế của chúng ta rất lớn; là phần lớn sự giàu có của chúng ta đang đến từ ngoài biên giới quốc gia; là cạnh tranh đang gõ cửa từng nhà, từng thiết chế cấu thành nền kinh tế quốc gia. Cạnh tranh không chỉ giữa người dân chúng ta với người dân các nước khác, mà trực tiếp giữa doanh nghiệp Việt Nam (dù doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân) với doanh nghiệp của các nước khác, trực tiếp ở đây là doanh nghiệp nhà nước. Hệ quả của cuộc cạnh tranh này đã và đang cho thấy, chỉ những doanh nghiệp nhà nước nào có đủ sức mạnh, trước hết là về tầm nhìn, về công nghệ và đặc biệt quan trọng là nền tảng quản trị thích ứng thị trường hiện đại mới tồn tại và phát triển được.

Do đó, cần phân chia và xử lý hệ thống doanh nghiệp nhà nước hiện nay thành hai loại. Thứ nhất là, những doanh nghiệp nhất thiết phải phát triển với thể chế doanh nghiệp nhà nước có nhiệm vụ sản xuất, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho nhu cầu an ninh, quốc phòng, hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu cho đất nước, vốn và nhân sự đều thuộc Nhà nước, hoạt động chủ yếu là cung ứng những sản phẩm và dịch vụ theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Thứ hai là, những doanh nghiệp nhất thiết không phát triển theo thể chế doanh nghiệp nhà nước, gồm các doanh nghiệp không thuộc loại trên, phải xử lý thông qua việc xác định giá chuyển nhượng doanh nghiệp theo quan hệ thị trường, công khai bán doanh nghiệp theo phương thức đấu giá, thu hồi vốn cho ngân sách nhà nước, làm tăng năng lực sản xuất kinh doanh theo các quan hệ thị trường của khu vực ngoài nhà nước. Chỉ có như vậy, chúng ta mới loại bỏ được tình trạng các doanh nghiệp nhà nước kiểu trung gian, lưỡng tính, “nhân danh” Nhà nước, vô hình làm suy yếu chính doanh nghiệp nhà nước, gây phương hại cho kinh tế nhà nước và rộng hơn là nền kinh tế quốc dân. 

  Bốn là, không thể và không được ảo tưởng về doanh nghiệp nhà nước, như thời gian 20 năm qua, khi dành cho nó quá nhiều ưu đãi về thể chế bằng các “sân chơi riêng” với những đặc quyền phi lý, thậm chí khiến doanh nghiệp nhà nước không thể trở thành doanh nghiệp theo đúng nghĩa. Thực tiễn đã chứng minh sự đổ vỡ và thất bại khó tránh khỏi về nhiều mặt của “lối riêng” này không chỉ về kinh tế mà những hệ lụy về chính trị và xã hội trong thời gian vừa qua. Yết hầu của việc đổi mới doanh nghiệp nhà nước chính là ở đây.

Vì, tại thời điểm ngày 31.12.2018, có 2.260 doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, chỉ chiếm 0,4%, giảm 9,1% so với thời điểm ngày 31.12.2017; 51 doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn, chiếm 2,2%; trong khi đó 436 doanh nghiệp kinh doanh lỗ, chiếm 19,3%.

Do đó, phải nhấn mạnh một cách nghiêm khắc rằng: Tự doanh nghiệp nhà nước phải đổi mới, trở thành doanh nghiệp thực thụ, vững mạnh một cách dân chủ, công minh và bình đẳng. Hiệu quả kinh tế, xã hội phải là thước đo và nhân tố quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp nhà nước trong thị trường, không o bế và không ngoại lệ.

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản