Những vấn đề đặt ra với tổ chức cơ quan thú y

Bài 3: Sẽ thực hiện kiểm dịch động vật thế nào?

- Thứ Ba, 01/12/2020, 07:05 - Chia sẻ
Việc thực hiện các hiệp định thương mại thế hệ mới đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ kiểm dịch động vật, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật, cũng như về an toàn thực phẩm. Ngay khi làm hồ sơ đăng ký xuất khẩu, cơ quan chức năng đã phải cung cấp tài liệu chứng minh Việt Nam có hệ thống cơ quan thú y đầy đủ và xuyên suốt. Vì thế, tổ chức cơ quan thú y như thế nào để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch động vật là vấn đề phải đặt ra.

Bảo đảm điều kiện cần và đủ

Việc nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quan trọng thời gian qua, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được ví như mở ra "con đường cao tốc" đưa nông, lâm, thủy sản Việt Nam ra thị trường thế giới. Qua thời gian đầu triển khai cho thấy doanh nghiệp trong nước đã tích cực nắm bắt và bước đầu tận dụng được cơ hội lớn từ các hiệp định này.

Chế biến tôm xuất khẩu Nguồn: ITN
Chế biến tôm xuất khẩu
Nguồn: ITN

Tuy vậy, để đi trên "con đường cao tốc" đó, theo các chuyên gia, chúng ta phải chuẩn bị một "cỗ xe" bảo đảm các điều kiện cần và đủ theo tiêu chuẩn của các đối tác tham gia hiệp định. Đó không chỉ là những tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu về bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm như trước đây, mà còn có những tiêu chuẩn khắt khe về phát triển bền vững, xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm. Như với EU, đây không chỉ là một trong những thị trường khó tính nhất về tiêu chuẩn sản phẩm, mà còn là thị trường đứng đầu thế giới trong việc chống lại khai thác tài nguyên bất hợp pháp, khắt khe về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng cao...

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) Trương Đình Hòe, để thực thi EVFTA, một trong những vấn đề quan trọng là chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan. Do vậy, việc đầu tiên doanh nghiệp cần quan tâm là phải có hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch, khoa học, đáp ứng các yêu cầu liên quan đến chứng nhận xuất xứ. Bên cạnh đó, hiện nay khái niệm chất lượng thủy sản dịch chuyển về phía an toàn, có nghĩa là kiểm soát được cả chuỗi sản xuất chứ không phải ở trong một nhà máy hay phân xưởng sản xuất. Nói cách khác, vấn đề truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi, quản lý chất lượng theo chuỗi hệ thống cung ứng phải được quan tâm tối đa.

Việc truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng theo chuỗi hệ thống cung ứng đã được doanh nghiệp thủy sản trong nước triển khai nhiều năm qua. Đây được cho là một điều kiện thuận lợi để ngành nắm bắt cơ hội tại các thị trường xuất khẩu lớn, cũng như tại thị trường nội địa. Nhưng cũng không thể lơ là trong kiểm soát chuỗi sản xuất thủy sản thời gian tới. Với các ngành chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu các động vật, sản phẩm từ động vật khác cũng tương tự. 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, trong quá trình làm hồ sơ đăng ký xuất khẩu sản phẩm động vật, theo thông lệ quốc tế và yêu cầu của nước nhập khẩu, Việt Nam đã gửi toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thú y cho nước nhập khẩu đánh giá, trong đó thể hiện hệ thống thú y Việt Nam đầy đủ và xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm cho công tác phòng chống và giám sát dịch bệnh, kiểm dịch và giám sát an toàn thực phẩm. Đồng thời, với sự nỗ lực của các địa phương, ngày càng có nhiều vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, kiểm soát theo chuỗi hình thành đã thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU…

Nhiều câu hỏi đặt ra

Việc thực hiện các hiệp định thương mại thế hệ mới đòi hỏi kiểm soát chặt chẽ về kiểm dịch động vật, kiểm soát an toàn thực phẩm, về truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật, tạo dựng vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của nước nhập khẩu. Nhưng, khi hệ thống thú y không liền mạch, dễ có sự đứt gãy ở cấp huyện, xã, phường như hiện nay, việc thực hiện yêu cầu của thị trường nhập khẩu gặp nhiều khó khăn.

"Việc hệ thống cơ quan thú y bị đứt gãy ở cấp huyện, cấp xã, phường như hiện nay sẽ gây ra một số khó khăn nhất định khi thực hiện giám sát an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Lý do bởi, Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không thể phát hiện dịch bệnh sớm, trong khi đó, công tác giám sát, phát hiện bệnh và báo cáo dịch bệnh đang bị chậm trễ khi không tổ chức hệ thống thú y cơ sở. Ngoài ra, việc thực hiện nguyên tắc để phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh là phải phát hiện nhanh, cách ly nhanh và giải quyết nhanh. Điều này có thể thấy khi so sánh việc phòng chống dịch cúm gia cầm trước đây với dịch tả lợn châu Phi năm 2019, hay mới nhất là bệnh viêm da nổi cục (diễn ra hàng tháng thì cơ quan quản lý mới biết thông tin)". 

Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương Navetco Trần Xuân Hạnh

Đối chiếu với yêu cầu kiểm soát chặt chẽ kiểm dịch động vật, đại diện một số doanh nghiệp lo lắng khi ở nhiều địa phương không đủ nhân lực thực hiện việc kiểm soát hoạt động giết mổ, chỉ kiểm soát được khoảng 30% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Một số địa phương không có nhân viên thú y kiểm soát giết mổ tại cơ sở giết mổ động vật có công suất trên 50 con gia súc, trên 200 con gia cầm/ngày, có nơi đã công nhận đó là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và giao UBND xã quản lý hoạt động.

Hay như với yêu cầu sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu phải được sản xuất và giám sát theo chuỗi, nhưng việc thay đổi hệ thống thú y như hiện nay, theo nhiều chuyên gia, sẽ khiến hệ thống thú y không vận hành theo đúng quy định của Luật Thú y; việc giám sát an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm đối với sản phẩm xuất khẩu cũng sẽ khó thực hiện. Điều này sẽ gây trở ngại cho quá trình xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang các thị trường quốc tế.

Thậm chí, một số chuyên gia lo ngại, với các quốc gia đang xử lý hồ sơ nhập khẩu động vật, sản phẩm từ động vật của Việt Nam, khi sang kiểm tra thực tế sẽ thấy hệ thống thú y không được tổ chức như quy định tại Luật Thú y hiện hành và thông lệ quốc tế. Sự khác biệt này có thể làm nảy sinh nghi ngờ về kết quả và hiệu quả triển khai các chương trình giám sát dịch bệnh, an toàn thực phẩm với sản phẩm đề nghị xuất khẩu.

Như vậy, việc đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện do thị trường nhập khẩu đặt ra khi triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có những tiêu chuẩn liên quan mật thiết đến tổ chức, vận hành hệ thống cơ quan thú y. Nói cách khác, dù một số địa phương vẫn quyết định giữ cách tổ chức hệ thống cơ quan thú y theo ba cấp như quy định tại Luật Thú y, song ở các địa phương tiến hành sắp xếp, kiện toàn gây ra sự đứt gãy ở cấp huyện, xã, phường sẽ có ảnh hưởng nhất định đến việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu sản phẩm từ động vật.

Lê Bình