Chuyên mục Chọn nhân sự - Lựa nhân tài:Kiến tạo Chiến lược phát triển nhân tài quốc gia

Bài 3: Thành thạo về chính trị, giỏi chuyên môn

- Thứ Bảy, 03/10/2020, 07:53 - Chia sẻ
Cùng với việc kiến lập Chiến lược Phát triển Nhân tài quốc gia và đặt việc kiến tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó để nắm lấy thời thế và dẫn dắt đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì một nội dung lớn quan trọng nữa, đó là cần đột phá tư duy chiến lược về kiến tạo đội ngũ các nhà chính trị chuyên nghiệp, các nhà khoa học. Đồng thời, đổi mới cơ chế mối quan hệ chính trị và kỹ trị - rường cột của Chiến lược Phát triển Nhân tài quốc gia.

Nói tới đổi mới toàn diện, đồng bộ càng không thể không nhấn mạnh trước hết tới đội ngũ các nhà chính trị, các kinh tế gia, khoa học gia ở tầm chiến lược, với tư cách là chủ thể quyết định mô hình thể chế chính trị, làm chủ sự vận hành và sức mạnh của nền kinh tế và xã hội quốc gia. Ở họ, không chỉ hội tụ và thể hiện quyền lực của nhân dân mà còn thể hiện quyền năng và quyền lực của nền chính trị, quyền lực nền kinh tế quốc gia, quyền uy chính trị và lòng tin chính trị cá nhân, với tư cách là chính trị gia, kỹ trị gia và khoa học gia. 

Do đó, trọng tâm của công việc đổi mới hiện nay trên phương diện này không thể không dành sức lực và điều kiện trước hết và thường xuyên để kiến tạo Chiến lược Phát triển Nhân tài quốc gia - nhân tố có ý nghĩa quyết định thành bại mang tầm chiến lược đối với công cuộc đổi mới, trong tầm nhìn chiến lược. 

Trước hết, tiếp tục đổi mới tư duy về chính trị gia, nhất là tư duy về thủ lĩnh chính trị, tức là đội ngũ những người đứng đầu quốc gia, đứng đầu bộ máy chính trị cao cấp, chiến lược của nền chính trị hiện đại nước nhà, theo hướng chuyên nghiệp hóa văn hóa hóa. 

Nếu xem chính trị với nghĩa rộng nhất, như người xưa nói là: “Chính trị là chính trực. Nếu lấy chính trực mà hành xử, mà điều hành chính sự thì có ai dám không chính trực” thì tham chính là một công việc chính trực nơi chính trường phức tạp. Nói cụ thể, theo nguyên nghĩa, tham gia chính trị là chỉ làm mọi công việc chính đáng mà thôi. Do đó, chính trị là một nghề đòi hỏi tính chuyên nghiệp tinh hoa và những người làm chính trị phải là những phần tử tinh hoa có tầm nhìn, chính trực và liêm chính. Và, khi nói tới chính trị là thể chế, là sự bao quát toàn diện đời sống xã hội. Vì, chính trị là kinh tế, là đạo đức, là sự thanh khiết từ nhỏ tới to…  

Vì vậy, trong công cuộc xây dựng đội ngũ những nhà chính trị điều hành nền chính trị nước ta không thể không làm cho kỳ được mấy việc chủ yếu tối thiểu. Thứ nhất, xây dựng bộ tiêu chí của một nhà chính trị, yêu cầu của những lĩnh vực chính trị cơ bản và chủ yếu, các chức danh chính trị, quản lý, quản trị… phù hợp với nền chính trị của chúng ta. Trong đó, phẩm chất cơ bản là tầm nhìn chiến lược, sự dũng cảm, danh dự liêm sỉ chính trị gia phải được ưu tiên hàng đầu. Kinh nghiệm lịch sử luôn cho thấy, từ rất xa xưa, ở các thể chế văn minh, người ta thật xem trọng sự ngay thẳng, trong sạch về phẩm hạnh của chính trị gia. 

Thứ hai, thông qua mọi con đường phát hiện, thu hút, tập hợp những người có năng khiếu chính trị, những người có nguyện vọng làm các công việc chính trị, phục vụ chính trị… ở tất cả mọi nơi, đối với mọi lứa tuổi, trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội xây dựng đội ngũ chính trị gia, quản lý gia, quản trị gia… Đối với đội ngũ khoa học gia, tập trung xây dựng đội ngũ này trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa học nhân văn, khoa học kinh tế và khoa học y tế, theo hướng đi tắt đón đầu, nhằm tạo đột phá mạnh mẽ theo nhịp phát triển của thế giới. Vấn đề này có ý nghĩa thành bại trong cuộc xây dựng một nước công nghiệp, hiện đại, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

Nội dung lớn tiếp theo, đó là đổi mới mối quan hệ thực tiễn giữa chính trị và khoa học, trước hết là mối quan hệ giữa chính trị gia và khoa học gia, một cách dân chủ và hài hòa. Đó chính là công việc xử lý vấn đề chính trị và kỹ trị. Đây là vấn đề rất quan trọng, quyết định thành bại việc kiến tạo quyết sách chính trị phát triển quốc gia. Vì, chính trị của chúng ta không phải là thứ chính trị suông mà ở góc độ nào đó chính trị chính là đạo đức, chính trị là kinh tế; chính trị là liêm chính từ nhỏ đến lớn; là vị thế đất nước và sức mạnh quốc gia; là tự trọng, liêm sỉ và quốc sỉ. 

Nếu các nhà lãnh đạo, quản lý, quản trị của chúng ta là những nhà chính trị, thì tối thiểu họ cũng đồng thời là những nhà khoa học về chính trị, dẫn dắt và gắn bó với các nhà kỹ trị, quản trị hoặc đồng thời hội tụ và kết tinh cả ba phẩm chất chính trị gia và kỹ trị gia, quản trị gia vì sự phát triển của nền chính trị nước nhà. Đến lượt các khoa học gia, họ tối thiểu là những người cống hiến, xả thân vì sự phát triển của quốc gia, của dân tộc, tức là mang tư chất và phẩm hạnh của chính trị gia. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn; chính trị là đức, chuyên môn là tài”. Người nói rõ hơn: “Ngày nay Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thành thạo về chính trị mà còn phải giỏi chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung”. 

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản