Giảm nghèo bền vững ở Tuyên Quang

Bài 3: Tín dụng chính sách tiếp sức đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo

- Thứ Sáu, 27/11/2020, 08:26 - Chia sẻ
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, tỉnh Tuyên Quang đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Là một tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, có được kết quả đó, một phần quan trọng là nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách đã tiếp sức đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo… Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang MA THỊ THÚY nhấn mạnh khi trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân.

Tỷ lệ giảm nghèo đạt và vượt chỉ tiêu

- Xin bà cho biết những kết quả nổi bật của tỉnh Tuyên Quang trong việc triển khai Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020?

- Triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác giảm nghèo đến năm 2020. HĐND tỉnh cũng đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, phân bổ nguồn lực để thực hiện. UBND tỉnh đã xây dựng các kế hoạch, đề án; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố triển khai quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp giảm nghèo. Tỉnh chỉ đạo tập trung huy động nguồn lực thực hiện, trong đó chú trọng hỗ trợ giảm nghèo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, gắn với xây dựng nông thôn mới… Nhờ vậy mà tỷ lệ giảm nghèo chung toàn tỉnh và các huyện, thành phố ở Tuyên Quang đều đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm.

Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm từ 27,81% đầu năm 2016 xuống còn 11,8% cuối năm 2019, bình quân hàng năm giảm 4%/năm, vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo giảm từ 54,58% đầu năm 2016 xuống còn 32,29% cuối năm 2019, bình quân giảm 5,57%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của các xã nghèo (xã thực hiện Chương trình 135) giảm từ 52,73% đầu năm 2016 xuống còn 28,26% cuối năm 2019, bình quân giảm 6,61%/ năm. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 43,45% đầu năm 2016 xuống còn 19,4% cuối năm 2019, bình quân giảm 6,01%/ năm, đạt vượt kế hoạch đề ra.

Có thể nói, kết quả đạt được trong giảm nghèo đã góp phần bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, cái được lớn nhất là nhận thức, ý thức thoát nghèo và giảm nghèo bền vững của người dân ngày một nâng cao; nhiều hộ nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

- Theo bà, kết quả này đã thực sự bền vững?

- Tôi cho rằng, nếu tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp như đã đề ra, cộng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền và người dân thì công cuộc giảm nghèo của Tuyên Quang sẽ tiếp tục đạt được kết quả tốt hơn và thực sự bền vững.

Huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội

- Có thể nói rằng, kết quả này có sự đóng góp lớn từ các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện, thưa bà?

- Là một tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, có thể khẳng định, tín dụng chính sách tiếp sức cho việc đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại Tuyên Quang. Từ năm 2016 đến nay, ngân sách tỉnh và các huyện, thành phố đã bố trí 42,6 tỷ đồng ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Tổng nguồn vốn tín dụng ưu đãi tính đến tháng 8.2020 đạt trên 2.998 tỷ đồng (trong đó vốn Trung ương trên 2.637 tỷ đồng; vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm gần 94,6 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương trên 53 tỷ đồng; các nguồn vốn khác gần 213,4 tỷ đồng).

Thông qua tín dụng chính sách xã hội, ước thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh đã cho trên 66.313 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, làm nhà ở, với doanh số cho vay trên 2.667 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến tháng 7.2020 đạt trên 2.989 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đạt trên 1.808 tỷ đồng.

- Thời gian tới, để việc giảm nghèo hiệu quả và bền vững hơn, theo bà, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo hiện hành cần bổ sung, điều chỉnh gì, nhất là nhóm chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội đang thực hiện?

- Để việc giảm nghèo có hiệu quả và bền vững hơn trong thời gian tới, trước mắt, cần nghiên cứu xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm hiệu quả, sát với tình hình thực tế, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nhằm thực hiện mục tiêu kép là giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, bảo đảm an sinh xã hội để tổ chức triển khai thực hiện ngay từ năm 2021. Trong đó, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người nghèo, cận nghèo ổn định sinh kế, phát triển sản xuất, tạo việc làm để tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Theo đó, cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ chính trị trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên. Tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, có cơ chế để Ngân hàng Chính sách xã hội tự huy động nguồn vốn để giải quyết vốn vay cho các đối tượng mới thoát nghèo và hộ có mức thu nhập trung bình. Tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững...

- Xin cảm ơn bà!

Bình Nhi thực hiện